BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài tiếp tục thu phí “hộ”
Dư luận những ngày qua tiếp tục “dậy sóng” khi Công ty Cổ phần
BOT Vietracimex 8 tiến hành cho các nhân viên tại trạm BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ hoàn vốn quốc lộ 2, tuyến tránh TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc). Trước đó, từ ngày 18/12/2018, trạm BOT này bị cánh tài xế phản đối việc thu phí.
|
Cảnh sát có mặt tại trạm BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài từ ngày 15/3/2019. |
Ngoài ra, cùng với sự xuất hiện của nhiều cảnh sát (CSCĐ, CSGT, CS PCCC, Thanh tra Giao thông, Công an huyện) thuộc Công an TP Hà Nội ở trạm BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài phối hợp hướng dẫn phân luồng, hỗ trợ an ninh, nhắc nhở tài xế không tụ tập phản đối… càng gây nhiều ý kiến tranh cãi cho dư luận.
Được biết, Viettracimex 8 sử dụng trạm BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài thu hoàn vốn tuyến tránh TP Vĩnh Yên từ năm 2009. Giá trị gói thầu này lên tới khoảng 530 tỷ đồng, với thời hạn thu hoàn vốn trong vòng 16 năm 10 tháng 11 ngày. Mức giá thấp nhất là 10.000 đồng/xe 4 chỗ.
Nhiều tài xế cho rằng xe của mình “không đi đường tránh sao lại phải trả tiền”, nên suốt thời gian qua hàng trăm lái xe nhiều lần tập trung phản đối việc thu phí của trạm BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài. Tài xế yêu cầu chủ đầu tư Vietracimex 8 dỡ trạm BOT này và chuyển về tuyến tránh TP Vĩnh Yên.
Đối với vấn đề này, ít nhất hai lần TP Hà Nội đã đề nghị Bộ GTVT dừng thu phí và di chuyển trạm BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài về vị trí đường tránh TP Vĩnh Yên. Bởi đây là tuyến đường đối ngoại huyết mạch nối trung tâm thành phố với Cảng hàng không quốc tế Nội Bài - hình ảnh của đất nước.
Tuy nhiên trước đó, ông Nguyễn Văn Công - Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết: "Năm 2013, theo yêu cầu của UBND TP Hà Nội di rời trạm BOT này tới vị trí khác, Bộ GTVT đã báo cáo Chính phủ, đề nghị ngân sách mua lại hoặc sáp nhập BOT này vào BOT Vĩnh Yên - Nội Bài. Song sau khi Chính phủ họp, xin ý kiến các Bộ ngành đã chỉ đạo Bộ GTVT vẫn tiếp tục thu phí".
Lý giải việc Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT tiếp tục thu phí BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài, Thứ trưởng Công cho biết, có 2 lý do, đó là: Bây giờ hợp đồng đã ký với nhà đầu tư, nếu phá vỡ hợp đồng thì sẽ kéo theo nhiều hệ luỵ, phá vỡ các quy định tại hợp đồng, nhà đầu tư sẽ kiện.
Thứ hai, là tuyến đường đi qua trạm BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài không còn là tuyến đường độc đạo. Giờ còn có tuyến đường từ Hà Nội lên Nội Bài theo hướng cầu Nhật Tân, không thu phí.
|
Tài xế tập trung phản đối việc thu phí tại BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài từ ngày 18/12/2018 đến ngày 15/3/2019 đã bị lực lượng chức năng yêu cầu giải tán sau khi trạm BOT này thu phí trở lại. |
Trong khi các Bộ ngành vẫn chưa đưa ra phương án cuối cùng, BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài tiếp tục thu phí trở lại càng khiến giới tài xế trên cả nước bức xúc.
Mặt khác, nhiều chuyên gia kinh tế cũng thẳng thắn chia sẻ rằng, việc thu phí hoàn vốn rõ ràng là bất cập nên mới xảy ra tình trạng tài xế phản đối như trên. Đặc biệt, các cơ quan chức năng cần phải thanh tra toàn diện dự án BOT này để làm rõ và công mức thu ở các năm ra sao, lợi nhuận thế nào? Như vậy, mới “yên lòng” dư luận.
|
Chuyên gia kinh tế cho rằng cần phải thanh tra toàn diện dự án BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài, để làm rõ khoản thu những năm qua, lợi nhuận ra sao? |
Thâu tóm 93,37% cổ phần hóa của tổng công ty
Thông tin trên tờ Infonet cho biết, năm 2006, Công ty Cổ phần BOT Vietracimex 8 được thành lập do ông Võ Nhật Thăng làm đại diện pháp luật và cũng là Chủ tịch HĐQT. Ông Thăng còn kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Xây Dựng (Vietracimex), là công ty mẹ của BOT Vietracimex 8 (Tổng Công ty Vietracimex vốn là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, trực thuộc Bộ GTVT…).
Dư luận chỉ biết đến ông Thăng sau khi Tổng công ty Vietracimex cổ phần hóa, và ông này thâu tóm tới 93,37% cổ phần.
Tuy nhiên, Thanh tra Chính phủ xác định Bộ GTVT thiếu trách nhiệm trong thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước, để người đại diện phần vốn này (ông Võ Nhật Thăng) làm trái quy định, chuyển Công ty mẹ trong mô hình mẹ - con từ doanh nghiệp nhà nước thành Công ty cổ phần mà ông Thăng có vốn góp chiếm 93,37% vốn điều lệ là sai phạm có tính bước ngoặt.
Số liệu cho thấy, qua nhiều lần tăng vốn liên tiếp sau sự kiện đại hội cổ đông trái pháp luật nói trên, tại thời điểm ngày 31/12/2013 ông Thăng có vốn góp tại Vietracimex là 5.164 tỷ đồng.
Thanh tra Chính phủ nêu rõ, trách nhiệm này thuộc về lãnh đạo Bộ GTVT, các bộ cơ quan có liên quan trong thời kỳ từ 2005 đến 2006.
Dự án bất động sản Kim Chung - Di Trạch đắp chiếu hơn 10 năm
Khu đô thị Kim Chung - Di Trạch (huyện Hoài Đức, TP Hà Nội) được phê duyệt từ năm 2007, do Vietracimex làm chủ đầu tư.
Dự án từng được quảng cáo rầm rộ là “trái tim đô thị”, với chất lượng cao, tiện nghi, thân thiện…đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế, quy mô dân số khoảng 20.000 - 30.000 người.
|
Khu đô thị Kim Chung - Di Trạch. (Ảnh: NĐH). |
Thời điểm dự án này lên ngôi, thì giá trị mỗi m2 đất lên đến 50 - 70 triệu đồng. Thế nhưng hơn 10 năm khởi công, dự án mới hoàn thành mấy dãy nhà liền kề, biệt thự được xây thô. Đa số diện tích đất vẫn đang bỏ hoang và chôn vùi hàng nghìn tỷ đồng của giới đầu tư.
Vừa qua, dự án Kim Chung - Di Trạch bất ngờ được Hà Nội “giải cứu” bằng cách điều chỉnh quy hoạch.
Các dự án thủy điện liên tiếp xảy ra sự cố
Cuối năm 2014, sự cố thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng), do Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng điện Long Hội làm chủ đầu tư - Công ty con của Vietracimex) bất ngờ bị sập đã khiến 12 công nhân bị mắc kẹt, tính mạng đe dọa.
Sau 80 giờ giải cứu, cuối cùng hơn 1.000 người đã cứu được 12 công nhân an toàn. Sau sự cố này, Vietracimex đã “lọt” vào danh sách “lùm xùm”.
|
Dự án nhà máy thủy điện Bắc Mê. (Ảnh: Vietracimex). |
Đến cuối tháng 12/2017, nhà máy thủy điện Bắc Mê (huyện Bắc Mê, Hà Giang), do Công ty Cổ phần Vietracimex Hà Giang làm chủ đầu tư bất ngờ xả nước hồ chứa làm sạt lở một số đoạn đường trên quốc lộ 34 và khiến 17 ngôi nhà bị ảnh hưởng và nứt.
Theo tờ Infonet, tại thời điểm đó, theo UBND tỉnh Hà Giang, thủy điện Bắc Mê đã tích nước vận hành phát điện nhưng chưa được cơ quan chuyên môn kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành công trình.
Được biết, UBND tỉnh Hà Giang sau đó có văn bản gửi Bộ Công thương về những sai phạm của thủy điện Bắc Mê. Kết quả kiểm tra cho thấy: Tổng công ty cổ phần thương mại xây dựng Viettracimex chưa phối hợp với các sở, ngành liên quan và chính quyền địa phương trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng, đất đai, môi trường, tài nguyên nước, điện lực,…
Mặc dù chủ đầu tư chưa được cấp giấy phép hoạt động điện lực nhưng nhà máy thủy điện Bắc Mê đã phát điện thương mại 1 tổ máy từ ngày 14/9/2017 và đang vận hành truyền tải điện năng từ nhà máy vào lưới điện 220kV khu vực.
Trong quá trình xây dựng, vận hành nhà máy thủy điện Bắc Mê, Viettracimex vẫn còn một số tồn tại như: Công trình không có giấy phép xây dựng; đơn vị chưa thực hiện việc nghiệm thu và bàn giao mốc giới cho chính quyền địa phương theo quy định; công trình đường dây 220kV đã được vận hành nhưng chưa được cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định thiết kế; chưa có hợp đồng thuê đất để thực hiện dự án;…
Đặc biệt, với dự án Thủy điện Tả Thàng (Lào Cai), chủ đầu tư Vietracimex xây dựng khi không có hồ sơ xin cấp phép xây dựng gửi cơ quan chức năng, không có giấy phép xây dựng, không có giấy chứng nhận chất lượng công trình xây dựng theo quy định.
Ngoài ra, trong việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng không có quyết định, thông báo thu hồi đất của dân; không có danh sách, chứng từ chi trả tiền bồi thường giải phóng mặt bằng…
Hơn nữa, dự án Nhà máy thủy điện Tả Thàng không có quyết định của cấp có thẩm quyền cho thuê đất, không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng vẫn đang sử dụng đất để xây dựng công trình, hoạt động sản xuất, kinh doanh điện gây thất thoát khoản thu từ tiền thuê đất hơn 10 năm qua.
Người lao động từ chủ nợ thành… con nợ
Theo thông tin trên VNF, năm 2004, Vietracimex dính lùm xùm liên quan đến việc người lao động tố cáo hành vi lừa đảo của Trung tâm Thương mại du lịch và lao động Sao Vàng (sau đổi tên thành Công ty Xuất khẩu lao động và Du lịch Sao Vàng, thuộc Vietracimex).
Người lao động sau đó đã khởi kiện, nhưng phía đại diện Vietracimex lại “đưa ra các khoản chi” biến người lao động đang từ chủ nợ thành con nợ của Vietracimex; trong đó có khoản ứng của người lao động để đóng tiền bảo hiểm xã hội.
Tuy nhiên, khi đối chiếu với BHYTXH thì công ty trên hoàn toàn vô trách nhiệm, không đóng BHYTXH theo cho chị Dương Thị Minh Tâm (ngụ tại quận 9 - TPHCM)…
Bảo Ngân (T/H)