Ngày mai, Quốc hội sẽ diễn ra những phiên họp đặc biệt

Google News

(Kiến Thức) - Ngày mai (27/5), Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị tiếp thu thêm ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự án Luật sửa đổi...

Theo chương trình làm việc của Quốc hội, ngày mai (27/5), Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị tiếp thu thêm ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13.
Trước đó, ngày 25/5, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc có công văn hỏa tốc gửi các đại biểu Quốc hội, thông báo sẽ mở hội nghị để các ĐBQH, các cơ quan tiếp tục góp ý cho Bộ Luật Hình sự (BLHS) 2015 vào ngày 27/5. Theo nội dung công văn, sau khi kết thúc phiên thảo luận tại hội trường về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS 2015, vẫn còn 24 ĐBQH đăng ký nhưng do điều kiện về thời gian nên chưa được phát biểu. Để góp phần bảo đảm chất lượng dự thảo luật trước khi được Quốc hội thông qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tổ chức hội nghị để các ĐBQH và các đại diện cơ quan hữu quan tiếp tục góp ý kiến cho việc hoàn thiện dự án luật.
Ngay mai, Quoc hoi se dien ra nhung phien hop dac biet
 Ngày mai (27/5), Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị tiếp thu thêm ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13. Ảnh quochoi.vn
Phiên họp ngày mai là phiên họp đặc biệt của các đại biểu có quan tâm đến Bộ luật Hình sự sửa đổi đang được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến hiện nay. Bởi cuộc họp này sẽ có không đủ tất cả đại biểu Quốc hội tham dự cuộc họp này mà chỉ có những đại biểu quan tâm sẽ nhóm họp riêng tại một phòng họp thích hợp trong toà nhà Quốc hội để thảo luận thêm về Bộ luật Hình sự sửa đổi đang nhận được sự quan tâm của đại biểu và nhân dân.
Phiên họp đặc biệt bởi đây là sự kiện chưa từng có trong lịch sử lập pháp khi mà Quốc hội tổ chức thêm một phiên họp riêng cho những đại biểu Quốc hội quan tâm đến dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi lần này. Tại phiên họp này, các đại biểu được phát biểu thoải mái ý kiến của mình mà không bị hạn chế về thời gian như tại các phiên họp toàn thể tại Hội trường dành cho mỗi đại biểu là 7 phút.
Ngoài phiên họp tiếp thu thêm ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 còn có phiên họp chuyên đề nghe Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo về tình hình thực hiện Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Sau đó là phiên họp của Đoàn giám sát của Quốc hội “về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy nhà nước giai đoạn 2011-2016” do Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chủ trì, để nghe Chính phủ báo cáo và giải trình về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy nhà nước giai đoạn 2011-2016.
Liên quan đến kỳ họp thứ 3, ngày 26/5, theo thông cáo số 5 vừa phát đi đã tóm tắt lại ngày làm việc này. Theo đó, sáng 26/5, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì phiên họp. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên họp. Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quy hoạch.
Sau đó Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Quy hoạch.
Trong quá trình thảo luận, đã có 29 đại biểu Quốc hội phát biểu. Các ý kiến thảo luận tập trung vào những nội dung sau: Phạm vi điều chỉnh, bố cục của Luật; giải thích từ ngữ; hành vi bị cấm trong hoạt động quy hoạch; những nguyên tắc cơ bản trong hoạt động quy hoạch và nguyên tắc lập quy hoạch; thời kỳ quy hoạch; chi phí cho hoạt động quy hoạch; chính sách của Nhà nước về hoạt động quy hoạch; quy định chi tiết thi hành Luật Quy hoạch; đề nghị ban hành Nghị quyết thi hành Luật Quy hoạch; Về hệ thống quy hoạch quốc gia (Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch không gian biển quốc gia, Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, Quy hoạch ngành quốc gia, Quy hoạch vùng, …); mối quan hệ giữa các loại quy hoạch; Về lập quy hoạch (nguyên tắc lập quy hoạch; nội dung quy hoạch; quy trình phối hợp; giải pháp tích hợp trong lập quy hoạch; đánh giá tác động môi trường trong lập quy hoạch; lấy ý kiến về quy hoạch; phản biện về quy hoạch); Về thẩm định, quyết định phê duyệt, công bố và thông tin quy hoạch (Hội đồng thẩm định quy hoạch; nội dung thẩm định quy hoạch; hình thức công bố quy hoạch; hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quy hoạch quốc gia); Về thực hiện quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch (quản lý quy hoạch ngoài thực địa; nguyên tắc, căn cứ, trình tự, thủ tục và thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch);
Về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động quy hoạch (đánh giá thực hiện quy hoạch và nội dung đánh giá thực hiện quy hoạch; nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương; xử lý các vi phạm trong hoạt động quy hoạch); Về các quy định chuyển tiếp quy hoạch và xử lý các quy định hiện hành về quy hoạch, hiệu lực thi hành quy hoạch…Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã báo cáo, cung cấp thêm thông tin, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng.
Hải Ninh