Không gian biển là không gian mở
Sáng 26/5, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật quy hoạch, trong đó nêu: "Dự thảo Luật quy định: Quy hoạch không gian biển quốc gia là quy hoạch ở cấp quốc gia, cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia về phân vùng chức năng và sắp xếp, phân bố hợp lý không gian các ngành trên các hải đảo, vùng biển, vùng trời và vùng đất ven biển trên cơ sở tích hợp quy hoạch sử dụng biển của cả nước và quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ”.
Có ý kiến cho rằng cần giữ lại tên “Quy hoạch sử dụng biển” theo quy định tại Luật biển Việt Nam và Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo để tránh việc sửa đổi nhiều luật, đặc biệt là Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo mới được ban hành năm 2015.
|
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh. Ảnh: Quochoi.vn |
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết: "Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng không gian biển là không gian mở, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhất là an ninh quốc phòng. Nếu dùng thuật ngữ “quy hoạch sử dụng biển” thì phạm vi quy hoạch chỉ có thể trong vùng lãnh hải. Để phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế, quy hoạch đối với không gian biển cần được đặt tên là “quy hoạch không gian biển quốc gia”.
"Quy hoạch này sẽ phân vùng chức năng và sắp xếp, phân bố hợp lý không gian các ngành như giao thông, năng lượng, bảo tồn biển, khai thác cát sỏi, khai thác và nuôi trồng thủy sản, an ninh trên biển, du lịch… trong vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, hải đảo và vùng đất ven biển nhằm đảm bảo bảo vệ quốc phòng an ninh, sự liên kết giữa các ngành và khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, môi trường biển", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nói.
Các cuộc chiến tranh ngoại xâm đều có tình huống tấn công từ biển
Tại hội trường Quốc hội, thảo luận về dự án Luật quy hoạch, ĐBQH - Thiếu tướng Nguyễn Sỹ Hội (Đoàn đại biểu Nghệ An) đánh giá cao công tác chuẩn bị của cơ quan soạn thảo.
ĐBQH Nguyễn Sỹ Hội đã tham gia góp ý vào một số nội dung về quy hoạch không gian biển quốc gia ở Điều 24 và Điều 64.
"Tại Điều 5 Khoản 3 khẳng định quy hoạch tổng thể quốc gia gồm quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia. Như vậy, luật đã định danh hệ thống quy hoạch luật quốc gia gồm 3 lĩnh vực. Trong giải trình, định hướng của Ủy ban thường vụ Quốc hội khẳng định không gian biển là không gian mở liên quan đến nhiều lĩnh vực nhất là an ninh, quốc phòng. Nhưng Điều 24 có 3 khoản thì nội hàm của các khoản về lĩnh vực quốc phòng, an ninh chưa cụ thể. Ở Khoản 2, Điểm b chỉ mới đề cập rất chung chung. Lĩnh vực cần bảo vệ đặc biệt trong mục đích quốc phòng, an ninh, theo tôi như thế chưa thỏa đáng. Đi cùng với đó ở Điều 64 nhiệm vụ quyền hạn các bộ, cơ quan ngang bộ, điều này có 5 khoản. Khoản 1: Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Theo tôi hiểu đây là cơ quan trung tâm, là nhạc trưởng. Khoản 2: Nhiệm vụ, quyền hạn các bộ, cơ quan ngang bộ. Khoản này quy định trách nhiệm quản lý nhà nước các bộ, các cơ quan ngang bộ và trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan. Khoản 3: Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Xây dựng về quy hoạch đô thị nông thôn. Khoản 4: Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy hoạch sử dụng đất. Khoản 5: Bộ Tài chính huy động nguồn lực", Đại biểu Hội nêu.
|
ĐBQH - Thiếu tướng Nguyễn Sỹ Hội. Ảnh: quochoi.vn
|
Đại biểu Nguyễn Sỹ Hội cũng thẳng thắn: "Tôi chưa thấy cơ quan nào chịu trách nhiệm không gian biển. Về lĩnh vực quy hoạch không gian biển có nội dung liên quan đến quốc phòng, an ninh chưa được đề cập đến chỉ mới quy hoạch hệ thống cảng biển quốc gia do Bộ Giao thông vận tải lập và 2 quy hoạch do Bộ Quốc phòng lập, đó là quy hoạch về đất quốc phòng, quy hoạch về các công trình quốc phòng, các kho đạn. Như vậy quy hoạch không gian biển trong đó có nội dung phục vụ cho lĩnh vực quốc phòng an ninh còn bỏ ngỏ. Tóm lại, ở 3 lĩnh vực định danh nhiệm vụ, trách nhiệm luật chưa đề cập đến".
"Với dân tộc Việt Nam chúng ta, các cuộc chiến tranh lớn chống giặc ngoại xâm đều có tình huống tấn công từ biển. Ví dụ từ đầu thế kỷ thứ 10, Ngô Quyền cho đến kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Hiện nay, trong điều kiện khoa học, kỹ thuật phát triển, phương tiện quân sự vũ khí tác chiến trên biển ngày càng hiện đại và đa dạng. Do vậy, từ thời bình, nhiệm vụ xây dựng khu phòng thủ bờ biển, ở các khu vực trọng yếu về quốc phòng, an ninh phải được chuẩn bị căn cơ và chu đáo, mà công tác quy hoạch không gian biển theo tôi là một nhiệm vụ trọng tâm", đại biểu Hội nêu.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Hội cho biết: "Thực tế hiện nay, các đơn vị quân đội thực hiện diễn tập khu vực phòng thủ có sử dụng vũ khí hạng nặng, bắn đạn thật trên biển hoặc khi tập kết phương tiện tàu thuyền để triển khai nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo còn gặp khó khăn, khó khăn cả về độ an toàn, khó khăn cả về yếu tố bí mật về lực lượng phương tiện. Tuy rằng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được cấp ủy chính quyền các địa phương tạo điều kiện nhưng chủ yếu là hiệp thương, thương lượng đền bù, theo tôi như vậy chưa cơ bản. Tôi đề nghị tại dự luật này nên có một điều hoặc có một khoản trong quy hoạch không gian biển có nội dung kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh. Tại Điều 64 có một khoản về cơ quan chịu trách nhiệm chủ trì quy hoạch không gian biển, cấu trúc, dung lượng như thế nào, tôi đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu".
Hải Ninh