Ngày 18/4 anh Lê Văn Tuyền (33 tuổi, trú thôn Hà Đỗ) lên UBND xã Hồng Phong làm thủ tục xin cấp giấy khai sinh cho con gái nhưng cán bộ tư pháp hộ tịch không được tiếp nhận hồ sơ.
|
Cán bộ xã Hồng Phong giải thích lý do không tiếp nhận xử lý thủ tục xin cấp giấy khai sinh cho con gái của anh Tuyền là do gia đình chưa đóng tiền làm đường |
Anh Tuyền được giải thích do gia đình anh còn nợ tiền làm đường trong chương trình nông thôn mới.
Anh Tuyền cho biết gia đình có ba nhân khẩu và thôn quy định đóng một nhân khẩu 600.000 đồng tiền làm đường. Tuy nhiên, đây là khoản tiền chưa được nhân dân trong thôn Hà Đỗ đồng thuận.
Cũng theo anh Tuyền, trước đó anh đã đóng 1,1 triệu đồng/người để làm đoạn đường trên địa bàn thôn 1, nơi gia đình anh đang ở.
"Sau đó, tôi và bà nội cháu có đến nhờ trưởng thôn lên nói giúp với xã. Đến chiều 19/4, xã mới giải quyết và làm thủ tục cấp giấy khai sinh cho cháu sau khi tôi hứa sẽ đóng tiền đầy đủ", anh Tuyền nói.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Thao - phó chủ tịch UBND xã Hồng Phong - cho biết việc địa phương từ chối tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính đối với các hộ chưa đóng tiền làm đường là để "vận động" người dân chấp hành nghiêm chỉnh việc đóng góp đã được thống nhất trước đó.
Các thôn cũng thống nhất và ra nghị quyết triển khai thực hiện, sau đó có đưa các danh sách lên xã.
Theo ông Thao, đoạn đường mà gia đình anh Tuyền chưa đóng góp là đường xây dựng nằm trong chương trình nông thôn mới, chính quyền và nhân dân cùng làm.
Riêng khoản tiền 1,1 triệu đồng mà gia đình anh Tuyền đã đóng góp để làm đường là tiền mà gia đình anh cùng các hộ khác tự bàn bạc thống nhất đóng góp để làm bởi khu vực đó không nằm trong chương trình nông thôn mới.
Ngày 20/4, lãnh đạo UBND huyện An Dương cho biết đã nắm bắt được thông tin sự việc và chỉ đạo lãnh đạo xã Hồng Phong nghiêm túc chấn chỉnh, tìm biện pháp vận động phù hợp khác để không làm ảnh hưởng đến việc giải quyết các công việc hành chính khác của người dân.
Theo Tiến Thắng/Tuổi Trẻ