Liên quan đến vụ 39 thi thể được phát hiện trong container tại Anh, mới đây, cảnh sát Anh trả lời báo chi nước ngoài rằng họ tin rằng các thi thể là người Việt. Đồng thời, cảnh sát Anh đang tích cực liên lạc với các cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam để xác định danh tính của các nạn nhân.
Phía Anh cũng đã trực tiếp liên lạc với một số gia đình ở Việt Nam và ở Anh - những gia đình mà họ tin rằng có mối quan hệ với một vài nạn nhân thiệt mạng trong vụ việc. Tuy nhiên, Cảnh sát Anh vẫn khẳng định rằng tới thời điểm hiện tại, họ chưa có căn cứ chính xác nào về danh tính cũng như quốc tịch của các nạn nhân.
Thực tế, tình trạng người Việt đi lậu sang nước ngoài, đặc biệt là những nước châu Âu, Mỹ, Canada... và những nước phát triển khác từ lâu khá phổ biến tại Việt Nam. Chỉ cần lên mạng tìm kiếm thông tin, thậm chí có những cá nhân, tổ chức quảng cáo cả hoạt động đưa người ra nước ngoài với đủ mọi chiêu thức. Từ việc kết hôn giả để có quốc tịch, cho đến việc đi lậu bằng nhiều con đường qua nhiều quốc gia để đến được đất nước họ mong muốn. Và dĩ nhiên, chi phí cho những chuyến đi lậu như vậy cũng không hề rẻ, thậm chí lên đến cả tỷ đồng. Thế nhưng, nhiều người vẫn bất chấp cả tiền bạc, tính mạng để ra được nước ngoài lao động, mặc dù là lao động chui hòng mong sớm giàu có như những gì mà các môi giới đường dây đưa người ra nước ngoài trái phép vẽ ra.
Thực trạng có các đường dây đưa người Việt ra nước ngoài trái phép đã diễn ra từ lâu, nhưng chỉ sau sự việc 39 thi thể nghi là người Việt được phát hiện trong container bị phanh phui thì dư luận mới bàng hoàng, các cơ quan chức năng rốt ráo vào cuộc. Sau sự việc, một số cá nhân đã bị khởi tố về hành vi trên.
Nhưng dư luận băn khoăn, sau sự việc quá đỗi đau lòng này thì các đường dây đưa người trái phép ra nước ngoài liệu có bị chặt đứt?
|
Chiếc xe tải xảy ra vụ việc ở Essex, Anh.
|
Trao đổi với PV Kiến Thức về vấn đề này, luật sư Đặng Văn Cường (Văn Phòng Luật sư Chính Pháp – Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo thông tin từ phía cơ quan chức năng của nước Anh thì vụ việc phát hiện 39 thi thể trong Container nghi có người Việt Nam, nếu các thi thể là người Việt thì đó là một thông tin quá đau xót.
Hiện nay cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố 3 bị can có liên quan về tội tổ chức người khác trốn đi nước ngoài trái phép. Vụ việc này sẽ được tiếp tục mở rộng điều tra làm rõ đường dây có tổ chức của nhóm người môi giới, đưa người đi nước ngoài trái phép để xử lý theo quy định pháp luật.
Luật sư Cường cho hay, ngoài ra, sau vụ việc 39 người thiệt mạng thì nhiều địa phương cũng đã có những kế hoạch triển khai triệt phá những đường dây đưa người đi nước ngoài trái phép. Tình trạng thất nghiệp ở nhiều vùng nông thôn và tăng lao động nông nghiệp thu nhập thấp, đời sống khó khăn nên thanh niên ở nhiều vùng quê đã chọn giải pháp là đi xuất khẩu lao động để tìm kế mưu sinh cũng như là tìm cơ hội đổi đời, làm giàu.
Những năm qua, nhiều địa phương trong đó có các tỉnh miền Trung: Nghệ an, Hà tĩnh, Quảng Bình đã có rất nhiều thanh niên xuất khẩu lao động. Có những người đi xuất khẩu lao động thông qua các tổ chức hợp pháp, có sự quản lý của nhà nước. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có nhiều cá nhân xuất khẩu lao động bằng con đường vượt biên trái phép, thông qua các tổ chức môi giới đưa người đi nước ngoài trái phép để thực hiện giấc mơ đến “miền đất hứa”.
|
Luật sư Đặng Văn Cường – Văn Phòng Luật sư Chính Pháp – Đoàn Luật sư TP Hà Nội.
|
Luật sư Cường cho biết thêm, vụ việc 39 người thiệt mạng này chỉ là một trong số những vụ việc đau lòng xảy ra được các cơ quan chức năng công bố, thông tin công khai. Còn rất nhiều vụ việc tổ chức người khác trốn đi nước ngoài trái phép khiến những nạn nhân bị thiệt mạng, bị xâm hại tình dục, lạm dụng sức lao động mà đối tượng chưa bị xử lý. Bởi vậy, qua vụ việc trên, các cơ quan bảo vệ pháp luật cần quyết liệt hơn nữa trong việc đấu tranh với loại tội phạm này để đảm bảo an toàn cho người lao động và đảm bảo an ninh, chính trị.
Thực ra không khó khi phát hiện những đường với môi giới tổ chức người khác đi nước ngoài trái phép. Các đối tượng này luôn công khai thông tin và thực hiện hoạt động môi giới ở nhiều địa phương. Bởi vậy nếu có sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền địa phương và cơ quan điều tra thì không khó để điểm danh và có biện pháp xử lý phù hợp.
Xuất khẩu lao động là hoạt động kinh doanh có điều kiện, ngoài việc kinh doanh do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp thì các đơn vị xuất khẩu lao động cần phải có sự cho phép của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, phải đăng ký với Sở Ngoại vụ và thực hiện hoạt động tạo lao động theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, rất nhiều đơn vị, tổ chức thực hiện hoạt động suất khẩu lao động, môi giới tiếp nhận hồ sơ nhưng không có chức năng, không đăng ký hoạt động theo quy định.
Những đơn vị, tổ chức này rất dễ thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân hoặc đầy người dân vào những đường dây tổ chức người khác trốn đi nước ngoài trái phép. Đã đến lúc các địa phương cần siết chặt hơn nữa hoạt động quản lý về xuất khẩu lao động, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các cá nhân, tổ chức môi giới đưa người đi nước ngoài trái phép.
Luật sư Đặng Văn Cường chia sẻ thêm, ngoài ra, cũng cần tuyên truyền, phổ biến thông tin cũng như các quy định pháp luật để người dân biết, tuân thủ khi có nhu cầu xuất khẩu lao động. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần công khai thông tin các đơn vị, tổ chức có đủ năng lực suất khẩu lao động và cần thông tin kịp thời về nhu cầu lao động của các quốc gia mà Việt Nam đang hợp tác về lao động.
Người thân nên thận trọng, cảnh giác khi có nhu cầu xuất khẩu lao động. Cần liên hệ với chính quyền địa phương, với phòng Lao động - Thương binh và Xã hội ở địa phương để tìm hiểu thông tin về tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động môi giới, xuất khẩu lao động. Không nộp tiền hoặc thực hiện thủ tục theo sự dẫn dắt, môi giới của các đối tượng không phải là người của tổ chức có chức năng xuất khẩu lao động hợp pháp.
|
Cô gái có tên Phạm Thị Trà My, Hà Tĩnh nghi là một trong số 39 nạn nhân tử vong trong thùng container. |
Nhiều người dân do thiếu hiểu biết pháp luật hoặc do ham lợi mà đã cố ý hoặc vô ý tiếp tay cho những đối tượng môi giới, xuất khẩu lao động trái phép. Trong trường hợp biết rõ thông tin các đối tượng đó là lừa đảo, tổ chức người khác đi trốn đi nước ngoài trái phép nhưng vẫn giúp sức, xúi giục nạn nhân thực hiện thủ tục thì những người này có thể bị xử lý hình sự với vai trò đồng phạm khi vụ việc bị phanh phui.
Dưới góc độ pháp lý luật sư Cường thông tin, đối với hành vi trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép thì trước đây pháp luật Việt Nam theo Bộ luật hình sự năm 1985 xác định là nguy hiểm cho xã hội và là tội phạm. Tuy nhiên, từ Bộ luật hình sự năm 1999 thì tội danh này đã được loại bỏ, hành vi trốn đi nước ngoài trái phép, ở lại nước ngoài trái phép chỉ bị xử lý hành chính. Còn đối tượng Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài trái phép mới bị xử lý hình sự.
Trong vụ án tổ chức người khác trốn đi nước ngoài trái phép khiến 39 người tử vong thì các đối tượng trong đường dây này sẽ bị xử lý theo quy định tại khoản 3, điều 349 Bộ luật hình sự năm 2015 với mức hình phạt cao nhất có thể lên đến 15 năm tù. Ngoài ra, các đối tượng này còn phải bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả cho gia đình nạn nhân. Phải hoàn trả toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt của gia đình nạn nhân.
Đồng thời phải bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm, thiệt hại bao gồm tiền chi phí vận chuyển thì thể trở về Việt Nam, tiền chi phí mai táng, tiền bồi thường tổn thất về tinh thần cho gia đình nạn nhân. Trong trường hợp việc bồi thường không thỏa thuận được thì tòa án sẽ quyết định khi giải quyết vụ án hình sự này.
Trung Vương