Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 2/11, chính thức phát đi bản tin dẫn lời Cảnh sát hạt Essex (Anh) thông báo có nạn nhân người Việt trong số 39 người thiệt mạng trên một xe tải tại Đông Bắc London, Anh.
Đó là một sự thật khiến tất cả những người Việt Nam đều nhói đau dù trước đó, đã mường tượng ra những thảm cảnh như vậy.
Biết rằng, ai là nạn nhân của thảm kịch kinh hoàng tại Essex, dù họ đến từ bất kỳ quốc gia nào, đối với nhân loại cũng là một nỗi đau, sự xa xót chung.
Nhưng là người Việt Nam, khi nghe tin có một công dân hoặc nhiều công dân Việt Nam là nạn nhân trong số 39 thi thể trong container tại Anh, nhiều người không khỏi đau xót, đớn đau và cảm nhận được sự mất mát ấy nhân lên gấp bội, không chỉ của những người thân các nạn nhân mà đó còn là nỗi đau chung của người dân cả nước.
Bởi họ đều là nạn nhân của một vụ mua bán người, hoạt động tội phạm gây ra hậu quả thảm khốc. Bởi họ là công dân Việt Nam phải trút hơi thở cuối cùng ở một nơi xa lạ cách quê hương, những người thân hàng nghìn km, trong một hoàn cảnh mà chỉ nghĩ đến thôi cũng khiến tất cả chúng ta phải nhói đau. Những người thân các nạn nhân khi đón nhận những tin dữ từ cảnh sát Anh gửi về thông báo họ “mất đi những người thân yêu của mình theo cách này và ở một nơi thật xa quê hương như vậy" thì còn đau đớn đến nhường nào.
|
Xe tải bên trong có 39 thi thể người di cư đang được cảnh sát lái khỏi hiện trường vào chiều ngày 23/10. Ảnh: Getty Images.
|
Trong hoàn cảnh này, chúng ta nên cầu nguyện cho các nạn nhân thay vì trách móc họ như nhiều ý kiến trên mạng xã hội cũng đừng nên tin vào những thông tin tiêu cực như một số đối tượng đăng tải lên mạng xã hội để gán ghép trách nhiệm cho nhà nước ta, quy kết nền kinh tế nước ta để nhiều người phải dấn thân vào cuộc mưu sinh nguy hiểm nơi xứ người. Thực tế không phải như những thông tin trên mạng xã hội đăng tải.
Thực tế đồng bảng Anh có sức hút lớn với nhiều người tại nhiều quốc gia khác nhau chứ không riêng gì một số lao động ở Việt Nam. Những người chọn con đường sang Anh để lao động dù bất hợp pháp không hẳn là những người trong gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn.
Có thể họ quyết định rời Việt Nam sang Anh mưu sinh là do tin lời của những kẻ môi giới, tổ chức người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép. Những đối tượng này đã lợi dụng, dụ dỗ, vẽ ra một viễn cảnh tươi sáng về công việc lao động, thu nhập tại Anh.
Những người lao động do sự thiếu hiểu biết của người lao động Việt Nam, lại bị lôi cuốn bằng những mức thu nhập cao ngất ngưởng tại Anh nên họ bỏ ra một số tiền lớn để làm chi phí sang Anh, rời bỏ quê hương bước vào một hành trình gian khổ, đánh đổi tính mạng của phận “thùng nhân” để đến được nước Anh, chấp nhận trở thành những “người rơm” khi trở thành người nhập cư bất hợp pháp, bất kể lúc nào cũng có thể bị trục xuất về nước…để đạt được nguyện vọng công việc tại Anh sẽ cho họ nguồn thu nhập, sẽ cho họ đạt được những ước mơ về những điều tốt đẹp và sự thật đắng cay được chính những người từng sang Anh chia sẻ, công việc chính của người Việt tại xứ sở xương mù chỉ là trồng cần sa và làm nail, thu nhập cũng không được như kỳ vọng.
Thực tế, người lao động Việt Nam có nhiều cơ hội đi lao động ở nước ngoài một cách hợp pháp bởi nước ta đã có thỏa thuận đưa người đi làm việc chính thức với nhiều quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Úc, NewZeland, một số nước Đông Âu, Trung Đông. Dù không hứa hẹn sẽ có mức thu nhập cao hơn ở Anh nhưng chắc chắn quyền lợi của người lao động được đảm bảo, không phải sống quãng thời gian chui lủi, không biết ngày nào về đất quê hương.
Nhưng dù sao họ là những người đáng thương hơn đáng trách. Những kẻ đáng trách thật sự chính là những kẻ môi giới những kẻ buôn người. Chính những đối tượng này mới là những kẻ đáng phải lên án, thậm chí cần truy xét xử lý trách nhiệm hình sự.
Dù biết rằng, để triệt phá đường dây tổ chức, môi giới đưa người ra nước ngoài không phải là việc dễ dang khi gia đình có người đi lao động bất hợp pháp không hợp tác với cơ quan chức năng do lo sợ con cái họ bị trục xuất trở về, trong khi các đối tượng môi giới thường có rất nhiều thủ đoạn để đối phó. Ngay việc trao nhận tiền tỷ chi phí môi giới đa số cũng chỉ được thực hiện bằng miệng mà không có giấy tờ gì do gia đình các lao động tin tưởng vào các đối tượng môi giới.
Tuy nhiên, qua vụ việc đau lòng trên, Bộ Công an và công an các địa phương nên tập trung điều tra, triệt phá những đường dây tổ chức người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép không chỉ ở Nghệ An, Hà Tĩnh mà tại các địa phương trên cả nước để tránh những vụ việc thương tâm trên xảy ra.
Vụ việc thương tâm trên cũng để lại một bài học lớn cho những lao động còn ôm giấc mộng được làm việc tại Anh. Đó là việc đi lao động bất hợp pháp sang Anh là hết sức nguy hiểm, là giao tính mạng, tiền bạc cho những kẻ môi giới, tội phạm đưa người ra nước ngoài nắm giữ, trong khi đó con đường đến nước Anh là con đường “thập tử nhất sinh” mà dù có vượt qua được con đường ấy, cuộc sống cũng không hẳn sáng sủa khi phải sống chui lủi, làm những công việc bấp bênh, thu nhập lại không cao như kỳ vọng, trong khi số tiền bỏ ra vô cùng lớn. Đây là bài học xương máu để ai muốn đi như thế nhìn vào để không còn ham đi xuất khẩu lao động chui như thế. Đây là mất mát, là đau xót của gia đình và là bài học xương máu cho nhiều người khác. Đồng thời cũng là bài học để công tác quản lý nhà nước về lao động chặt chẽ hơn để ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật đưa người ra nước ngoài trái phép.
Xin được dẫn lời Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh gửi lời chia buồn đến gia đình các nạn nhân trong vụ 39 người tử vong tại Anh: “Có người Việt được cho là nằm trong số 39 người di cư chết trên xe tải ở Essex. Với lòng tiếc thương sâu sắc, tôi muốn gửi lời chia buồn chân thành và sự cảm thông sâu sắc đến gia đình các nạn nhân”.
Cũng xin được dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng để lên án những hành vi mua bán người:
“Việt Nam lên án mạnh mẽ các hành vi mua bán người, coi đây là tội phạm nghiêm trọng và phải bị trừng trị đích đáng. Việt Nam kêu gọi các quốc gia trong khu vực và trên thế giới đẩy mạnh hợp tác phòng, chống tội phạm mua bán người, không để tái diễn những thảm kịch đau lòng tương tự”.
Tâm Đức