7 người chết, 12 người hiện đang mất tích do mưa lũ
Thông tin mới nhất liên quan tình hình thiệt hại do mưa lũ ở các tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai, theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các địa phương, tính đến 6h00 ngày 25/6/2018, mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất đã khiến 7 người chết (Hà Giang: 02 người chết do sập nhà; Lai Châu: 05 người chết do sạt lở đất, lũ cuốn trôi và sạt lở đất đá, nhà sập).
Hiện vẫn còn 12 người mất tích ở Lai Châu do lũ cuốn trôi (Than Uyên: 01 người, Tam Đường: 01 người, Nậm Nhùn: 01 người do lũ cuối trôi; Sìn Hồ: 09 người do sạt lở đất) và 5 người bị thương.
Mưa lũ đã khiến 47 ngôi nhà bị đổ, cuốn trôi (Hà Giang: 16 nhà, Lai Châu: 07 nhà, Thái Nguyên: 24 nhà) và 264 nhà bị hư hỏng, thiệt hại và di dời khẩn cấp (Hà Giang: 18 nhà, Lai Châu: 41 nhà, Thái Nguyên: 204 nhà, Lào Cai: 01 nhà). Bên cạnh đó, hiện còn 525 ngôi nhà bị ngập nước (Hà Giang: 507 nhà, Lào Cai: 18 nhà).
|
Mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất đã khiến 7 người chết, 12 người mất tích và 5 người bị thương, 47 ngôi nhà bị đổ, cuốn trôi, hàng trăm nhà bị hư hỏng, thiệt hại và di dời khẩn cấp, 391 ha lúa và hoa màu bị mất, thiệt hại, nhiều tuyến đường bị chia cắt. |
Mưa lũ cũng đã khiến 391 ha lúa và hoa màu bị mất, thiệt hại (Hà Giang 70ha, Lai Châu: 214 ha) và 04 tấn thóc giống bị ngập tại Hà Giang; 12 con gia súc bị chết và 7,3 ha ao cá bị cuốn trôi ở Lai Châu.
Giao thông bị ảnh hưởng nặng nề do mưa lũ khi các tuyến đường quốc lộ 4D, 279 từ Lào Cai đi Lai Châu bị sạt lở, hư hỏng gây ách tắc giao thông. Một số tuyến đường tỉnh lộ thuộc Lai Châu bị sạt lở còn gây tắc nghẽn giao thông: Tỉnh lộ 128 đoạn Chăn Nưa - Sìn Hồ qua xã Làng Mô; đường Làng Mô - Tủa Sín Chải; đường Mường Mô - Mường Tè.
Tổng thiệt hại ước tính hơn 76,6 tỷ đồng (Hà Giang: 10 tỷ đồng, Lai Châu: 60 tỷ đồng, Thái Nguyên: 0,4 tỷ đồng, Lào Cai: 6,3 tỷ đồng).
Báo cáo nhanh từ Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh Lai Châu, đến sáng nay, mưa lũ đã làm 22 người thương vong trong đó: 5 người chết, 12 người mất tích và 5 người bị thương.
Dồn toàn lực khắc phục hậu quả do mưa lũ
Sáng 25/6, tại Ban chỉ đạo về Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Tổng cục trưởng, Phó Chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo về Phòng chống thiên tai đã chủ trì buổi họp ứng phó với diễn biến của mưa,lũ, lũ quét, sạt lở đất.
Tại cuộc họp này, ông Nguyễn Trường Sơn, cho rằng, công tác phòng ngừa, ứng phó cần cụ thể hơn, quyết liệt hơn. Tăng cường công tác kiểm tra thực tế, nếu không có chỉ đạo quyết liệt sẽ tiếp diễn xảy ra thiệt hại cho bà con.
Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh, các địa phương cần tập trung chỉ đạo quyết liệt cụ thể hơn nữa về vấn đề mưa lũ, công tác về dự báo cảnh báo của chính quyền vùng núi phía Bắc là rất quan trọng, nhất là công tác dự báo, cảnh báo để đưa ra được thông tin kịp thời. Ưu tiên cứu chữa người bị thương, khôi phục cơ sở hạ tầng, kiểm tra thông tin đến tất cả người dân, đặc biệt là khu vực có công trình lán trại. Đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các học sinh thi tốt nghiệp trong 3 ngày, cố gắng đưa ra được dự báo định lượng mưa để cho người dân biết được và phòng tránh.
Tại tỉnh Lai Châu – nơi gánh chịu hậu quả nặng nề nhất do mưa lũ, sáng 25/6, mưa lớn vẫn xối xả, nhiều tuyến đường bị chia cắt gây cô lập, nhiều khu vực bị mất liên lạc do đứt cáp viễn thông.
|
Các đơn vị đảm bảo giao thông khắc phục sự cố sạt lở đất, đá gây ách tắc giao thông tuyến quốc lộ 4D (đoạn qua xã Sơn Bình, huyện Tam Đường). Ảnh: Báo Lai Châu. |
Ngay trong sáng 25/6, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh Lai Châu đang có mặt tại hiện trường để chỉ đạo Ban chỉ huy PCTT & TKCN các huyện khẩn trương khắc phục các thiệt hại do mưa lũ gây ra theo phương châm “4 tại chỗ”. Tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình có người chết, bị thương và mất tích.
Trao đổi với PV, ông Đồng Văn Liệt, Chủ tịch UBND huyện Sìn Hồ cho biết, huyện bị thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản do mưa lũ. Hiện nay vẫn còn 5 người bị vùi lấp trong hai lán nương lực lượng cứu hộ vẫn chưa thể tiếp cận do mưa lớn. Nhiều tuyến đường vùng thấp đang bị chia cắt. Hiện công tác khắc phục hậu quả cứu hộ các nạn nhân đang tích cực được triển khai.
Ngay trong sáng ngày 25/6, UBND tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo quyết liệt đưa 15 cháu học sinh tại huyện Than Uyên vùng bị chia cắt để tham dự thi Trung học phổ thông năm 2018; việc tổ chức thi tại các khu vực khác vẫn diễn ra bình thường.
Để khắc phục hậu quả do mưa lũ ở các tỉnh phía Bắc, ngày 24/6/2018, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện chỉ đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh miền núi phía Bắc và các Bộ, ngành tập trung cứu nạn, khắc phục hậu quả mưa lũ tại các tỉnh miền núi và trung du Bắc Bộ. Cùng ngày, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo TW về PCTT – Văn phòng Ủy ban Quốc gia ƯPSC,TT và TKCN đã có Công điện số 06/CĐ-TW chỉ đạo các tỉnh miền núi phía Bắc và các Bộ, ngành triển khai các biện pháp ứng phó với lũ, lũ quét, sạt lở đất và các tình huống bất thường.
Ngay trong đêm ngày 24/6/2018, Ủy viên thường trực Ban Chỉ đạo TW về Phòng chống thiên tai – Tổng cục trưởng Tổng cục PCTT đã dẫn đầu đoàn công tác đi tỉnh Lai Châu để chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả.
Các tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Thái Nguyên, Lào Cai chỉ đạo triển khai công tác khắc phục hậu quả thiên tai; tổ chức cứu chữa người bị thương, tìm kiếm người mất tích và thăm hỏi gia đình bị thiệt hại, huy động tối đa lực lượng tại chỗ hỗ trợ người dân sửa chữa nhà cửa, khắc phục giao thông và khôi phục sản xuất sớm ổn định đời sống.
Hải Ninh