Bên cạnh đó, phân tích rõ về sự cần thiết, ông Tống cho hay: "Hiện nay, rất nhiều người muốn đi thăm quần đảo của đất nước, nhưng không có điều kiện, người già tuổi cao sao đủ sức đi biển hàng trăm km.
Hơn nữa, đây cũng là vấn đề bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, phát triển du lịch, kinh tế, chủ quyền biển đảo".
Theo ông Tống, muốn mở được tuyến du lịch thì liên quan đến đường hàng không, chúng ta cần phải lập đường bay đưa khách du lịch ra đảo, ngay ban đầu có thể chưa có nhiều khách, dần thì sẽ tăng lên, cũng như việc chúng ta đang khai thác đường bay ra Côn Đảo.
Mặt khác, tuyến du lịch này đáp ứng mục tiêu an ninh quốc phòng, đương nhiên về mặt hoạt động thì phải hoạt động dân sự là chủ yếu. Hiện nay, các hãng hàng không có thể kết hợp quân sự với dân sự, nhưng dùng cho quân sự rất ít, chủ yếu dân sự khai thác, nhưng khi cần thiết quân sự yêu cầu thì dân sự vẫn phải đáp ứng.
Yếu tố thu hút khách du lịch ở Trường Sa, ông Tống nhấn mạnh: "Chúng ta có nhiều đảo rất đẹp, phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, kiểm soát biển lại có thủy phi cơ, có thể làm hình thức di chuyển từ đảo này sang đảo khác.
Ngoài cảnh sắc thiên nhiên biển đảo, yếu tố lịch sử rất quan trọng, khi đến đó chúng ta sẽ thấy bằng chứng lịch sử ở Hoàng Sa, Trường Sa trải qua bao nhiêu năm. Vì giấy của vua chúa hồi xưa, mọi chuyện cần có bản sao, để ta đến xem và tìm hiểu.
Chúng ta có bao nhiêu di tích lịch sử, bao nhiêu chứng cứ, hoạt động ngày xưa tái hiện trên biển đảo, cũng như địa đạo Củ Chi... họ đến đó vì lý do lịch sử, những sự kiện lịch sử".
|
Mở tuyến du lịch ra quần đảo Trường Sa. |
Theo ông Tống, đầu tư thì rất cần nhắm đến giá trị, thay vì lãng phí tiền bạc vào những chỗ không thu lại giá trị thì cần ưu tiên vào tuyến du lịch Trường Sa, đầu tư không nhiều nhưng mang lại hiệu quả kinh tế xã hội, hiệu quả an ninh quốc phòng.
"Tôi cho rằng Cục hàng không, Bộ GTVT, UBND TPHCM, Sở Du lịch và các Sở, Ngành khác cần có chiến lược, cần nghiên cứu nhanh hơn để đưa vào triển khai, thực hiện", ông Tống cho biết.
Sẽ thu hút được nhiều khách du lịch
Trong khi đó, cũng đưa ra quan điểm về vấn đề này, chuyên gia hàng không Lê Trọng Sành - nguyên trưởng phòng quản lý bay sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết: "Đây là một đề án tích cực, chúng ta nên thực hiện từ rất lâu rồi, kết hợp mở tuyến du lịch, nên mở thêm đường bay từ Tân Sơn Nhất ra quần đảo Trường Sa".
Theo ông Sành, hiện nay, Trường Sa ít nhất cũng bằng nửa đảo Bạch Long Vĩ, trước cũng đã có nhiều đề xuất, một là, nên mở một xí nghiệp chế biến thủy sản tại đảo, bao nhiêu cá ngư dân đánh được thì chế biến tại nơi; hai là, bán xăng dầu cho ngư dân, cho thanh niên sang củng cố cho Trường Sa.
Khẳng định đây là đường bay cần thiết, ông Sành cũng phân tích thêm: "Mấy loại máy bay của công ty VASCO, cũng nằm trong Vietnam Airlines, tức là có AT72, 64 ghế ngồi, tốc độ 500km/h, ví dụ như những máy bay A320 có 150 ghế, đều có thể đưa vào sử dụng, nhưng chưa cần thiết làm sân bay to, chỉ cần sân bay nhỏ".
Mặt khác, nói về đối tượng tham gia du lịch, ngoài giới trẻ, thì theo ông Sành cả người già, cựu chiến binh, cũng như Việt kiều, khách du lịch quốc tế đều muốn tham gia và có nhiều tiền thì cũng đi một lần trong cuộc đời cho biết.
"Tôi 83 tuổi nếu du lịch bán vé thì tôi cũng sẽ đi ra xem Trường Sa thế nào, thêm nữa là ủng hộ anh chị em ngư dân, hải quân. Hiện nay, du lịch mà từ đất liền ra Trường Sa là 600km, đi tàu biển rất hạn chế, chỉ thanh niên khỏe mạnh đi được, khoảng 80% du lịch bằng hàng không, 20% bằng tàu thủy, khi đó sẽ cực kỳ phát triển", ông Sành nhấn mạnh.