Đó là Cựu chiến binh (CCB) Trần Văn Xuất (49 tuổi), từng biên chế thuộc Lữ 146 Hải quân ra bảo vệ chủ quyền đảo Trường Sa Đông (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, tháng 5 – 1984).
Sau hơn 3 năm cùng đồng đội vượt bao gian khó nơi đầu sóng ngọn gió, người Trung đội trưởng năm ấy đã hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc và trở về đất liền. Anh may mắn hơn nhiều đồng đội khác, đó là khi trở về, trước sự phát triển mạnh mẽ của thành phố Đà Nẵng, mảnh đất mà gia đình anh sở hữu với trên 7.000 mét vuông lại gặp cơ duyên đến bất ngờ và thật hạnh phúc, căn nhà anh nằm trên con đường mới mở được mang tên Đường Trường Sa, một trong số những con đường đẹp của quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng. Vốn có sẵn nghề truyền thống điêu khắc đá mỹ thuật, anh mở cơ sở sản xuất và kinh doanh rồi lao vào công việc, theo năm tháng, cơ sở của gia đình phát triển tốt.
Đến nay anh đã tạo công ăn việc làm cho khoảng 120 lao động, trong đó có khoảng 40 thợ lành nghề. Hiện nay, sản phẩm của cơ sở của anh chủ yếu xuất khẩu sang các nước như Mỹ, Úc, Pháp…
Tới thăm cơ sở của người CCB Trường Sa, trong đó có nhiều người nước ngoài, ai cũng ngỡ ngàng trước hàng ngàn tác phẩm tuyệt đẹp do chính các nghệ nhân của cơ sở anh cần mẫn ngày đêm “thổi hồn” vào đá.
Khi đã có của ăn của để, với bản chất truyền thống tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, anh nghĩ ngay đến việc đi tìm lại những đồng đội năm xưa. Bắt đầu từ năm 2005, anh lặn lội ra Nam Định, Hải Phòng, rồi ngược vào Nam Trung Bộ và kết nối được khoảng 40 Cựu binh Trường Sa. Qua đó anh biết được được hoàn cảnh cụ thể của từng đồng đội, sẵn sàng sẻ chia với người còn khốn khó, đặc biệt là thường xuyên thăm hỏi các gia đình có người thân hy sinh tại đảo Gạc Ma (Trường Sa năm 1988).
Năm 2006, được sự chấp thuận của chính quyền, cũng như tâm nguyện của hàng trăm CCB Trường Sa tại Đà Nẵng và cả mọi miền của Tổ quốc, anh xây một cột mốc chủ quyền Trường Sa Đông ngay trước tư gia với tổng trị giá 165 triệu đồng, hai bên cột mốc là cây bàng quả vuông, một loại cây đặc chủng của Trường Sa.
Từ đó đến nay cột mốc chủ quyền Trường Sa Đông sừng sững ngay bên con đường Đường Trường Sa của thành phố Đà Nẵng, là địa chỉ đến thường xuyên giao lưu của những người CCB nói chung và những CCB Trường Sa nói riêng, vừa để thỏa nỗi nhớ đảo thiêng liêng mà các anh đã nhiều năm gắn bó, qua đó cột mốc chủ quyền Trường Sa Đông còn mang nhiều ý nghĩa sâu sắc trong giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ trẻ hiện tại và mai sau, hun đúc tinh thần của những người sẵn sàng ra đảo bảo vệ chủ quyền bất khả xâm phạm của quốc gia, nơi lan tỏa một tình yêu Trường Sa. Đặc biệt, rất nhiều du khách quốc tế đến thăm, tìm hiểu cơ hội mua bán đã có dịp hiểu rõ hơn về chủ quyền Trường Sa của Việt Nam.
Chia tay CCB Trường Sa Trần Văn Xuất, ai cũng khâm phục ý chí và một nghị lực phi thường, vững tay lái vượt cái khắc nghiệt của thương trường vươn lên làm giầu chính đáng, tạo cả trăm công ăn việc làm cho người lao động, kết nối nghĩa tình Trường Sa…Hiện nay, tình hình biển Đông vẫn đang dậy sóng, vẫn khẩu khí của tinh thần người lính biển Việt Nam: “Tôi sẵn sàng lên đường ra Trường Sa khi Tổ quốc cần”. Trong gia đình, vợ anh là chị Phan Thị Ánh cùng các con hết lòng yêu thương và ủng hộ, cũng như trân trọng những việc làm giầu ý nghĩa truyền thống đạo lý nhưng thật dung dị của một Cựu chiến binh Trường Sa - Trần Văn Xuất.
Công Thi