Theo dự thảo, các quy định của luật hiện hành về điều kiện, thủ tục đăng ký cư trú đã cụ thể, rõ ràng, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho công dân thực hiện quyền tự do cư trú, lựa chọn nơi cư trú.
Tuy nhiên, về trình tự, thủ tục đăng ký cư trú còn mang tính thủ công, rườm rà, chưa đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, nhất là sau khi Chính phủ ban hành nghị quyết về bãi bỏ hình thức quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và thay thế bằng hình thức quản lý theo số định danh cá nhân cập nhật thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
|
Sổ hộ khẩu đang sử dụng hiện nay. |
Trên cơ sở đó, Bộ Công an đề xuất bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và thay thế việc quản lý qua số định danh cá nhân cập nhật thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Cơ sở dữ liệu về dân cư sẽ do Bộ Công an quản lý. Cơ sở dữ liệu về dân cư gồm 19 thông tin cơ bản như: Họ, tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; số, ngày, tháng, năm và nơi cấp thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân; nơi đăng ký khai sinh; quê quán; dân tộc; tôn giáo; quốc tịch; tình trạng hôn nhân...
Dự thảo cũng bổ sung nhiều trường hợp phải xóa đăng ký thường trú (xóa hộ khẩu) như: công dân chết, bị tòa án tuyên bố là mất tích hoặc đã chết; người ra nước ngoài để định cư hoặc có thời gian xuất cảnh từ trên 12 tháng liên tục mà không khai báo cho cơ quan quản lý cư trú nơi đăng ký thường trú; người bị phạt tù có thời hạn từ 12 tháng trở lên, tù chung thân, tử hình.
Việc xóa đăng ký thường trú có thể được thực hiện trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về quản lý dân cư, thay vì xóa trên hộ khẩu giấy.
Bộ Công an đánh giá sau khi chuyển sang quản lý hộ khẩu điện tử, công dân có quyền được bảo đảm bí mật thông tin.
Ngoài ra, công dân sẽ có quyền tra cứu thông tin về đăng ký cư trú của bản thân và cấp giấy tờ xác nhận về cư trú, được yêu cầu cơ quan nhà nước bảo vệ quyền cư trú của mình.
Trước đó năm 2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị quyết 112/NQ-CP của Chính phủ về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an.
Theo đó, Chính phủ thông qua phương án của Bộ Công an về việc bỏ các thủ tục về sổ hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân trong quản lý dân cư để thống nhất việc quản lý bằng mã số định danh cá nhân. Đối với nhóm thủ tục đăng ký thường trú, sẽ bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng sổ hộ khẩu và thay thế bằng hình thức cập nhật thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Các loại giấy tờ về chuyển hộ khẩu, chứng minh mối quan hệ gia đình, giấy khai sinh đối với trẻ em đăng ký thường trú cũng sẽ được bãi bỏ. Bên cạnh đó, việc quản lý tạm trú cũng sẽ không còn sổ tạm trú mà thay bằng việc cập nhật thông tin cá nhân trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Ngoài ra, các thủ tục tách sổ hộ khẩu, cấp đổi sổ hộ khẩu, cấp đổi sổ tạm trú, gia hạn tạm trú… cũng được bãi bỏ.
Các thủ tục cấp mới, cấp đổi và cấp lại giấy chứng minh nhân dân đang được thực hiện tại công an cấp tỉnh, cấp huyện cũng được bãi bỏ.
Các thủ tục liên quan đến lĩnh vực xuất nhập cảnh, đăng ký xe, đăng ký ngành nghề kinh doanh có điều kiện cũng sẽ bỏ việc yêu cầu người dân phải xuất trình sổ hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân.
Trong một số tờ khai về lý lịch cá nhân, người dân sẽ không còn phải cung cấp các thông tin như ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi đăng ký thường trú.
Nhận định về dự thảo này, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nói rất đồng tình bởi việc quản lý trên mã số định danh phù hợp với xu thế toàn cầu hóa. Việc quản lý chuyển đổi thủ tục hành chính như sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, CMND… sang số hóa sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho người dân.
"Khi chuyển sang quản lý bằng mã số định danh cá nhân thì người dân sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí, tránh thủ tục hành chính rườm rà khi phải đến tận trụ sở công quyền để làm việc. Ngoài ra, bảo đảm người dân có quyền tự do đi lại, tự do cư trú mà không phụ thuộc vào hộ khẩu" - ông Hòa phân tích.
Ông Hòa cũng nhìn nhận quá trình quản lý hộ khẩu giấy từ trước đến nay rất phức tạp, nảy sinh những vấn đề tiêu cực gây bức xúc cho người dân. Bất cập này nằm ở khâu thực hiện chứ không phải do pháp luật, nên cần siết lại quá trình tổ chức thực hiện để tránh tiêu cực, nhũng nhiễu.
Kim Ngưu