Công trình Mã Pì Lèng Panorama không có Giấy chứng nhận đầu tư, không được cấp có thẩm quyền phê duyệt, không có giấy phép xây dựng, và không có văn bản thẩm định của Bộ VHTT&DL nhưng vẫn ngang nhiên mọc lên 7 tầng tại đèo Mã Pì Lèng làm ảnh hưởng đến cảnh quan thiên nhiên tại nơi đây khiến dư luận bức xúc trong thời gian qua.
Mới đây, tại thị trấn Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, dự án “Thang máy ngắm cảnh, thăm quan di tích Đồn Cao” với siêu thang máy cao 102 tầng, diện tích lòng thang 15m2 đang được triển khai xây dựng gần chính giữa vách đá Đồn Cao.
Theo đó, dự án trên lại được Sở KH&ĐT tỉnh Hà Giang cấp chứng nhận đầu tư từ ngày 24/11/2017. Tiếp đó, ngày 26/4/2019 mới đây, UBND tỉnh Hà Giang có quyết định 822 về việc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án “Thang máy ngắm cảnh, thăm quan di tích Đồn Cao” (thị trấn Đồng Văn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang).
|
Mã Pì Lèng Panorama tại huyện Mèo Vạc (ảnh lớn) và dự án “Thang máy ngắm cảnh, thăm quan di tích Đồn Cao” tại thị trấn Đồng Văn (ảnh nhỏ - nguồn Vietnamnet). |
Dự án được thực hiện tại tổ 4, thị trấn Đồng Văn với tổng diện tích sử dụng 2692m2. Khu vực xây dựng thang máy và nhà bán vé nằm trên đất thổ cư của chủ dự án với diện tích 112 m2 gồm các công trình chính là quầy dịch vụ và thang máy 75,5 m2; nhà hàng và phụ trợ diện tích 160 m2; nhà điều hành 45m2; quán café 45m2; Bar diện tích 90m2; quầy dịch vụ và chòi vọng cảnh, 42m2/nhà; nhà xoay diện tích 34m2 và các công trình phụ trợ khác…
Hiện tại dự án trên đang được triển khai thi công, lắp phần khung thang máy với hệ thống khung thép đang được lắp đặt cao chừng 30m; nhà điều hành công trường; sắt thép, nguyên vật liệu được tập kết ngổn ngang...Đáng chú ý, ngày 21/8/2019, UBND huyện Đồng Văn đã ra quyết định tạm đình chỉ thi công công trình thang máy 102 tầng thuộc dự án “Thang máy ngắm cảnh, thăm quan di tích Đồn Cao” với lý do, công trình chưa hoàn tất hồ sơ, thủ tục, hồ sơ đầu tư dự án theo quy định.
Đáng chú ý, theo Quy hoạch Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là vùng bảo tồn và khu vực đặc thù với diện tích khoảng 550 ha, gồm các khu vực có giá trị địa chất, các khu vực có giá trị bảo vệ cảnh quan, môi trường, các khu vực rừng phòng hộ. Không xây dựng mới, bảo tồn, tôn tạo khu phố cổ Đồng Văn, làng văn hóa Quyết Tiến, khu di tích Đồn Cao, hình thành không gian có giá trị văn hóa, lịch sử đặc trưng của Cao nguyên đá Đồng Văn.
Như vậy, theo quy hoạch Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, dự án trên đã nằm trong phạm vi khu vực 2 (vành đai xanh) của bản đồ khoanh vùng bảo vệ di tích; thuộc phạm vi không được xây mới; bảo tồn, tôn tạo khu phố cổ Đồng Văn, làng văn hóa Quyết Tiến, khu di tích Đồn Cao, hình thành không gian có giá trị văn hóa, lịch sử của cao nguyên đá Đồng Văn. Đồng nghĩa với việc không được xây mới.
Dư luận đặt ra câu hỏi, Mã Pì Lèng Panorama tại huyện Mèo Vạc, và dự án “Thang máy ngắm cảnh, thăm quan di tích Đồn Cao” phố cổ Đồng Văn tại thị trấn Đồng Văn (huyện Đồng Văn) đều chưa được cấp phép, chưa hoàn thiện thủ tục đã xây dựng, bà chủ Mã Pì Lèng tưng tửng "chưa cấp thì giờ cấp", còn dự án thang máy 102 tầng dù bị “tuýt còi” hồi tháng 8/2019, nhưng vẫn là cầm đèn chạy trước ô tô, Vậy, quan chức Hà Giang trực tiếp quản lý và UBND huyện, chủ tịch và Bí thư huyện chịu trách nhiệm gì?
Trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, pháp luật quy định cả một bộ máy để quản lý trật tự xây dựng... Do đó, cơ quan chức năng sẽ làm rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân có liên quan đối với việc để công trình xây dựng không phép ngang nhiên tồn tại, triển khai mà không bị xử lý.
Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho rằng, những người có trách nhiệm quản lý di tích ở các địa phương để xảy ra những vụ xâm hại di tích nghiêm trọng cần xem xét xử lý một cách nghiêm minh.
Liên quan công trình Mã Pì Lèng Panorama, mới đây ngày 14/10, Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch có công văn số 4141/BVHTTDL-DSVH do Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy ký về xử lý công trình nhà nghỉ, nhà hàng Panorama xây dựng trên đèo Mã Pì Lèng huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang nêu rõ, danh lam thắng cảnh Mã Pì Lèng đã được Bộ VHTTDL xếp hạng tại quyết định số 4194/QĐ-BVHTTDL ngày 16/11/2009, nằm trong quần thể công viên đá địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn - di sản được UNESCO ghi danh trong danh mục công viên địa chất toàn cầu năm 2010. Do đó, danh lam thắng cảnh quốc gia Mã Pì Lèng cần được bảo vệ và phát huy giá trị theo đúng quy định của pháp luật và khuyến nghị của Hội đồng công viên địa chất toàn cầu UNESCO.
Trên cơ sở kiểm tra tình hình thực tế, đối chiếu với biên bản, bản đồ khoanh vùng các khu vực bảo vệ Danh lam thắng cảnh Mã Pì Lèng và kèm theo báo cáo của Sở VHTTDL tỉnh Hà Giang, UBND huyện Mèo Vạc cho thấy: Mặc dù công trình Panorama được xây dựng ngoài khu vực bảo vệ II của danh lam thắng cảnh Mã Pì Lèng nhưng lại nằm trong công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn – di sản được UNESCO ghi danh (công viên cao nguyên đá Đồng Văn) với 3 quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt (Quyết định số 310/QĐ-TTg ngày 7/2/2018, phê duyệt quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị công viên đá địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn giai đoạn 2012-2020, tầm nhìn 2030; Quyết định số 438/QĐ-TTg ngày 7/4/2017 phê duyệt Quy hoạch xây dựng Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang đến năm 2030 và Quyết định số 2075/QĐ-TTg ngày 21/12/2017 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch quốc gia Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang đến năm 2025, tầm nhìn 2030).
Theo quy định tại điều 36 Luật Di sản văn hóa: "Khi phê duyệt dự án cải tạo, xây dựng các công trình nằm ngoài các khu vực bảo vệ di tích quy định tại Điều 32 của Luật này mà xét thấy có khả năng ảnh hưởng xấu đến cảnh quan thiên nhiên và môi trường, sinh thái của di tích thì phải có ý kiến thẩm định bằng văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch".
Như vậy, việc xây dựng công trình Panorama không đảm bảo đúng các nội dung yêu cầu tại quy định nêu trên, không thực hiện mục tiêu bảo vệ và phát huy giá trị danh lam thắng cảnh công viên cao nguyên đá Đồng Văn theo quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng văn đã được Thủ tướng phê duyệt.
Xét về tổng thể thẩm mỹ, hình thức công trình Panorama không phù hợp với cảnh quan thiên nhiên, truyền thống, bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc trong khu vực, gây cản trở đến tầm nhìn của du khách tham quan; ảnh hưởng đến môi trường khi công trình đi vào hoạt động mà chưa có đánh giá tác động môi trường được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đây là sai phạm cần xử lý nghiêm để tránh gây ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng dân cư ở địa phương và trên cả nước.
Bộ VHTDL thống nhất quan điểm và phương hướng giải quyết của UBND tỉnh Hà Giang liên quan đến công trình Panorama, đề nghị tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý các sai phạm theo đúng quy định của pháp luật.
Trước đó, ngày 8/10, UBND tỉnh Hà Giang cho biết đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về công trình nhà nghỉ, nhà hàng Panorama xây dựng trái phép tại đèo Mã Pì Lèng, huyện Mèo Vạc.
Theo đó, về hồ sơ công trình nhà nghỉ, nhà hàng Panorama chưa có cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép đầu tư và cấp phép xây dựng. UBND tỉnh Hà Giang xác định trách nhiệm ban đầu thuộc UBND huyện Mèo Vạc trong công tác quản lý quy hoạch và đầu tư xây dựng.
Để xác minh cụ thể vụ việc trên, hiện UBND tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh tổ chức kiểm tra công trình xây dựng tại khu vực Mã Pì Lèng, yêu cầu báo cáo UBND tỉnh trước ngày 9/10/2019.
Quan điểm và phương hướng giải quyết vấn đề này của UBND tỉnh Hà Giang là không bao che sai phạm và kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có liên quan. Đồng thời khắc phục những sai phạm trong xây dựng công trình nhà nghỉ, nhà hàng Panorama tại khu vực Mã Pì Lèng theo đúng các quy định của pháp luật. Đặc biệt, đối với các vấn đề xác định ảnh hưởng cảnh quan, môi trường, UBND tỉnh Hà Giang báo cáo xin ý kiến của Bộ VHTT&DL và mời các chuyên gia đánh giá giúp làm cơ sở để xử lý các vi phạm theo quy định.
Tâm Đức