Đề xuất về việc tăng khu cách ly ở đơn vị hành chính cấp huyện được ông Nguyễn Hữu Hưng (Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM) lý giải tại cuộc họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch COVID-19 ở TP.HCM chiều 15/11.
Ông Hưng cho biết tình hình dịch tại TP.HCM có xu hướng tăng ở một số quận, huyện. Tinh thần của TP là chuẩn bị trước một bước, trên một mức để chuẩn bị tất cả tình huống. Hiện, TP có 16 bệnh viện dã chiến cấp TP và dự kiến từ nay đến cuối năm thu hẹp dần, chỉ giữ lại 3 bệnh viện.
|
Ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM. Ảnh: Thu Hằng. |
Để chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân F0, Sở Y tế đã đề nghị thành lập bệnh viện dã chiến cấp quận, huyện - xem như đây là cơ sở điều trị tầng 2.
Hiện, 8 địa phương đã lập bệnh viện dã chiến với quy mô 300-500 giường, sẵn sàng thu dung, điều trị F0 có triệu chứng nhẹ và vừa.
Ngoài ra, Sở Y tế khẳng định F0 đủ điều kiện sẽ được cách ly tại nhà, chăm sóc đầy đủ. Tuy nhiên, nhiều trường hợp không đủ điều kiện cách ly tại nhà thì phải cách ly tập trung ở phường/xã, quận/huyện. Hiện, TP có 62 khu cách ly như vậy.
Tính đến chiều 13/11, ngành y tế còn khoảng 20.000 túi thuốc phục vụ bệnh nhân (chưa kể số thuốc đã phát cho các bệnh viện nhưng chưa chuyển đến F0). Ông Hưng khẳng định trong giai đoạn này, ngành y tế đảm bảo có đủ thuốc cung ứng cho F0, đặc biệt là túi thuốc C. Tuy nhiên, việc chỉ định sử dụng túi thuốc C nghiêm ngặt hơn.
“Không phải tất cả F0 đều được sử dụng túi thuốc C, mà chỉ người có chỉ định của bác sĩ mới được cấp. Ngoài ra, việc cấp phát phải dựa trên sự đồng thuận của F0 (F0 đáp ứng điều kiện sử dụng theo chuyên môn). Ví dụ phụ nữ có thai, người có bệnh nền như gan, thận không được sử dụng”, ông Hưng nói.
|
TP.HCM giảm khu cách ly cấp thành phố nhưng tăng khu cách ly, bệnh viện dã chiến cấp quận, huyện. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Đại diện Sở Y tế thông tin việc ghi nhận có trường hợp không đủ điều kiện sử dụng thuốc này nhưng cán bộ y tế giải thích cho người dân chưa rõ ràng, đầy đủ. Sở đã yêu cầu nhắc nhở, nếu để ảnh hưởng đến sức khỏe người dân thì cán bộ sẽ bị xử lý.
Trước thắc mắc F0 ở nhà có cần làm xét nghiệm PCR hay không, Phó giám đốc Sở Y tế cho biết chỉ những F0 nhập viện hoặc có triệu chứng nặng mới làm xét nghiệm PCR. Những trường hợp khác chỉ cần test nhanh và được cách ly tại nhà hoặc khu cách ly tập trung tại quận, huyện nếu đủ điều kiện.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho biết số F0 đang điều trị tại nhà ở TP.HCM là hơn 47.000 trên tổng hơn 64.000 người nhiễm, chiếm tỷ lệ 73%.
“Trong thời gian tới, ngành y tế đang có tính toán về việc tăng cường trạm y tế lưu động tại quận, huyện để chăm sóc F0 tại nhà. Khu cách ly tập trung tại quận, huyện cũng đang được tái lập trở lại”, ông Tâm cho biết.
Theo Thu Hăng- Trần Thư/Zing.vn