Ngày 15/3, UBND tỉnh Quảng Ngãi thông tin, đã có văn bản về việc ông Võ Hoàng Yên khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, UBND tỉnh thống nhất với kiến nghị của Công an tỉnh Quảng Ngãi về việc tạm dừng mời và cấp phép hoạt động khám chữa bệnh của ông Võ Hoàng Yên trên địa bàn tỉnh.
Bước đầu, nhiều người dân đều cho biết, việc khám chữa bệnh teo cơ, câm điếc, bại liệt, viêm xoang, thoái hóa, thoát vị đĩa đệm… của ông Võ Hoàng Yên không mang lại hiệu quả. Theo dự kiến, trong tháng 3/2021, một số tổ chức, cá nhân tiếp tục mời ông Võ Hoàng Yên về Quảng Ngãi khám chữa bệnh cho người dân. Trước sự kiện này, Công an địa phương, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo việc tạm dừng mời và cấp phép hoạt động khám chữa bệnh của ông Võ Hoàng Yên trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
|
Hình ảnh ông Võ Hoàng Yên khám chữa bệnh cho bệnh nhân. |
Trước đó, nhiều địa phương cũng cấp phép cho ông Yên về địa phương chữa bệnh, thậm chí còn tạo điều kiện để tạo trung tâm trị liệu, hỗ trợ điều trị bênh. Nếu việc lương y chữa bệnh nhưng không có hiệu quả như nhiều người đang phản ánh, thậm chí việc vợ chồng ông Dũng "lò vôi" tố cáo ông Yên lừa đảo là sự thật thì những địa phương đã cấp phép cho ông Yên chữa bệnh có trách nhiệm thế nào?
Dưới góc độ pháp lý trao đổi với PV, luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng luật sư Trung Hòa (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, trong đời sống có rất nhiều những người được người dân gọi là thầy lang hoặc lương y. Đây là những người thường được hiểu là có hiểu biết về y học, đặc biệt là trong lĩnh vực đông y, xoa bóp, vật lý trị liệu bằng những phương pháp gia truyền … Tuy nhiên, lương y không chỉ đơn giản là một cách gọi của người dân. Lương y là một danh xưng được pháp luật thừa nhận và được cấp giấy chứng nhận.
Luật sư Tùng cho biết thêm, đối với vụ của ông Võ Hoàng Yên cần phải xem xét một số vấn đề như ông Võ Hoàng Yên có được cấp chứng nhận là lương y hay không? Có giấy phép được hành nghề khám chữa bệnh hay không? Ông Yên có được phép kinh doanh các loại thuốc bắc, thuốc nam hay không?... Điều này để làm rõ liệu ông Võ Hoàng Yên có hành vi lừa đảo hay lạm dụng tín nhiệm để lấy tiền của những bệnh nhân mà ông đã chữa trị hay không?
"Vấn đề nhiều địa phương cấp phép cho chữa bệnh ở đây được nêu ra là một số địa phương đã hoặc đang có ý định mời ông Võ Hoàng Yên về địa phương chữa bệnh với mục đích nhân đạo. Đây không được tính là cấp phép theo quy định. Đối với các địa phương khi có kế hoạch mời ông Yên về chữa bệnh miễn phí cũng cần phải làm rõ vấn đề về tác dụng, hiệu quả của việc khám chữa bệnh này. Trong tình hình hiện nay thì việc tìm hiểu rõ thông tin là điều cần thiết, bởi mục đích nhân đạo đáng được tuyên dương, phát huy nhưng nhân đạo phải đúng bản chất, có hiệu quả để tránh trường hợp nhân đạo lại thành gây tổn hại cho sức khỏe, tính mạng của người khác" - luật sư Tùng nói.
|
Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng luật sư Trung Hòa (Đoàn luật sư TP Hà Nội). |
Cũng trao đổi với PV về vụ lương y Võ Hoàng Yên bị tố lừa đảo, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho hay, theo thông tin từ mạng xã hội thì ông Võ Hoàng Yên hoạt động khám chữa bệnh miễn phí cho rất nhiều người. Tuy nhiên, theo nội dung tố cáo của vợ chồng ông Dũng "lò vôi" và một số người thì hoạt động chữa bệnh là không miễn phí, các học trò của ông Yên đã thu tiền của người bệnh thông qua hình thức bán phiếu khám bệnh.
Luật sư Cường nói: "Chính vì vậy cơ quan chức năng sẽ làm rõ hoạt động khám chữa bệnh này có thu lợi bất chính hay không. Trong trường hợp có căn cứ cho thấy ông này không có chứng chỉ hành nghề y dược, không được phép hoạt động khám chữa bệnh nhưng vẫn tự xưng danh là lương y, thậm chí thần y để khám chữa bệnh, nhận tiền của người dân thì đây là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nếu số tiền thu lợi từ 2.000.000 đồng trở lên thì có thể bị xử lý hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điều 174 bộ luật hình sự năm 2015".
|
Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội). |
"Bởi vậy, sau những thông tin, nội dung tố cáo đối với ông Võ Hoàng Yên thì các cơ quan chức năng ở các địa phương cần kiểm tra rà soát hoạt động khám chữa bệnh của người đàn ông này trong thời gian qua. Nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì cần phải xử lý nghiêm minh trước pháp luật. Trường hợp hành vi đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phụ thuộc vào hậu quả xảy ra, căn cứ vào hành vi vi phạm cụ thể để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.
Hành nghề khám chữa bệnh đòi hỏi trình độ chuyên môn và y đức, đạo đức rất cao của người khám chữa bệnh. Trường hợp những người không được đào tạo chính quy, bài bản, không được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận trình độ khám chữa bệnh và điều kiện để được hành nghề khám chữa bệnh mà vẫn cố tình thực hiện các hoạt động khám chữa bệnh thì hoàn toàn có thể đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của người bệnh, làm mất đi cơ hội vàng của họ khi phải thực hiện các biện pháp khám chữa bệnh phản khoa học" - luật sư Cường chia sẻ.
Cũng theo luật sư Cường, cơ quan chức năng cũng xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc tuyên truyền, cổ xúy, tạo điều kiện cho hoạt động khám chữa bệnh chui diễn ra trong một thời gian dài như vậy. Với các cán bộ, cơ quan tổ chức có vi phạm thì tùy vào tính chất mức độ có thể bị kỷ luật hoặc bị phạt hành chính. Vấn đề này cơ quan chức năng sẽ làm rõ để có hình thức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.
>>> Xem thêm video: Vạch trần hiệu quả chữa bệnh của "Thần y" Võ Hoàng Yên
Nguồn: Đài Truyền Hình Đồng Tháp.
Gia Đạt