Liên hiệp Hội Việt Nam đang nghiêm túc thực hiện quy hoạch báo chí

Google News

(Kiến Thức) - Hiện nay, Liên hiệp Hội Việt Nam đang nghiêm túc và khẩn trương tiến hành thực hiện quy hoạch báo chí theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tháng 8/2019, Liên hiệp Hội Việt Nam đã cơ bản hoàn thành đề án báo chí của Liên hiệp Hội Việt Nam giai đoạn một và báo cáo cơ quan chức năng.

Sáng ngày 24/12, tại Thái Bình, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) đã phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thái Bình tổ chức hội thảo “Chia sẻ kỹ năng truyền thông và phổ biến kiến thức” cho các hội thành viên khu vực phía Bắc.
Tham dự hội thảo có TS. Phan Tùng Mậu - Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam; TS. Đặng Vũ Cảnh Linh - Trưởng Ban Truyền thông và Phổ biến kiến thức - Liên hiệp Hội Việt Nam; ThS. Phan Thị Bích Hồng - Phó Trưởng Ban Truyền thông và Phổ biến kiến thức - Liên hiệp Hội Việt Nam; ThS. Bùi Kim Tuyến - Trưởng Ban Tư vấn, phản biện và Giám định xã hội - Liên Hiệp hội Việt Nam.
Buổi hội thảo còn có sự góp mặt của đại diện tỉnh Thái Bình; lãnh đạo các Hội thành viên của Liên Hiệp hội Việt Nam tại Hải Dương, Hải Phòng, Thanh Hóa và các chuyên gia.
Lien hiep Hoi Viet Nam dang nghiem tuc thuc hien quy hoach bao chi
 Toàn cảnh hội thảo “Chia sẻ kỹ năng truyền thông và phổ biến kiến thức”.
Khai mạc hội thảo, TS. Phan Tùng Mậu bày tỏ niềm vui mừng vì được phối hợp với Liên hiệp các Hội khoa học tỉnh tổ chức buổi hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, truyền thông phổ biến kiến thức.
Theo TS. Phan Tùng Mậu, đây là một nội dung rất quan trọng trong quá trình hoạt động của Liên hiệp Hội Việt Nam. Trong thời gian qua, Liên hiệp Hội Việt Nam cũng như Liên hiệp các Hội khoa học của các tỉnh, thành phố, và các bộ, ngành Trung ương đã tích cực thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Bởi vì Liên hiệp Hội Việt Nam là một tổ chức có đủ năng lực để thực hiện nhiệm vụ rất quan trọng đối với sự phát triển của Liên hiệp Hội Việt Nam.
TS. Phan Tùng Mậu cũng nhấn mạnh, trong thời gian qua, hoạt động này được thông qua trong Liên hiệp Hội Việt Nam có 104 cơ quan tổ chức báo chí, 150 hội thành viên làm theo. Với lực lượng như vậy, tin rằng hoạt động thông tin phổ biến kiến thức có vị trị, vai trò và thực hiện tốt nhiệm vụ truyền thông phổ biến kiến thức.
Tuy nhiên, để làm tốt hơn nội dung quan trọng này thì vấn đề nâng cao nhận thức, nâng cao kiến thức, chia sẻ thông tin là rất cần thiết nhằm nâng cao năng lực các tổ chức, cũng như các đơn vị báo chí để thực hiện nhiệm vụ truyền thông phổ biến kiến thức, đưa kiến thức khoa học công nghệ vào cuộc sống.
Liên hiệp Hội Việt Nam đang nghiêm túc thực hiện quy hoạch báo chí
Tại hội thảo, các đại biểu đã lắng nghe ThS. Phan Thị Bích Hồng trình bày về kết quả hoạt động truyền thông, phổ biến kiến thức của Liên hiệp Hội Việt Nam giai đoạn 2015-2019.
Theo thống kê trên giấy phép và đăng ký hoạt động, năm 2015, toàn hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam có 103 cơ quan báo chí và 402 ấn phẩm thông tin báo chí, đến cuối năm 2018 đã tăng lên 112 cơ quan báo chí với 415 ấn phẩm thông tin báo chí.
Hiện nay, Đoàn chủ tịch Hội đồng Trung ương Liên hiệp Hội Việt Nam trực tiếp là cơ quan chủ quản 4 cơ quan báo (Báo Khoa học và Đời sống, Báo Đất Việt, Báo điện tử Kiến Thức và Báo điện tử Tầm Nhìn); Thời báo Kinh tế, Báo Kinh tế Nông thôn, Báo Người tiêu dùng, Báo Năng lượng mới, Báo Pháp luật và Đời sống, Báo Một Thế giới (trực thuộc các hội ngành toàn quốc), Báo Khoa học phổ thông (trực thuộc Liên hiệp hội thành phố Hồ Chí Minh).
Liên hiệp Hội Việt Nam còn có nhiều các tạp chí chuyên ngành và đa ngành, các hội thành viên là cơ quan chủ quản 82 cơ quan báo/tạp chí; các tổ chức khoa học và công nghệ trực thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam chủ quản 26 tạp chí khoa học chuyên ngành và liên ngành.
Lien hiep Hoi Viet Nam dang nghiem tuc thuc hien quy hoach bao chi-Hinh-2
 TS. Phan Tùng Mậu - Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam (trái) và ThS. Lê Hồng Sơn - Chủ tịch Liên hiệp Hội Thái Bình (phải) tham dự hội thảo.
“Có thể nói rằng đây là kênh chủ lực của Liên hiệp Hội Việt Nam trong việc tuyên truyền chủ trương của đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; phản ánh, cập nhật các thông tin kinh tế, văn hóa xã hội, cộng đồng; phổ biến kiến thức, chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật công nghệ vào sản xuất và đời sống, góp phần nâng cao dân trí, cải thiện chất lượng sống cho người dân”, ThS. Hồng nhấn mạnh.
ThS. Phạm Thị Bích Hồng cho biết: Hiện nay, Liên hiệp Hội Việt Nam đang nghiêm túc và khẩn trương tiến hành thực hiện quy hoạch báo chí theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tháng 8/2019, Liên hiệp Hội Việt Nam đã cơ bản hoàn thành đề án báo chí của Liên hiệp Hội Việt Nam giai đoạn 1 và báo cáo cơ quan chức năng. Trong thời gian tới, Liên hiệp Hội Việt Nam sẽ cố gắng thực hiện tốt lộ trình quy hoạch báo chí theo tinh thần của đề án nhằm xây dựng 1 cơ quan báo chí vững mạnh, có uy tín, là tiếng nói của trí thức, các nhà khoa học, thực hiện tốt các nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, phổ biến kiến thức KH&CN, tư vấn, phản biện và giám định xã hội góp phần xây dựng và phát triển nâng cao vị thế của tổ chức trí thức KH&CN hàng đầu của Việt Nam.
Lien hiep Hoi Viet Nam dang nghiem tuc thuc hien quy hoach bao chi-Hinh-3
 ThS. Phan Thị Bích Hồng - Phó Trưởng Ban Truyền thông và Phổ biến kiến thức - Liên hiệp Hội Việt Nam.
Về công tác xuất bản, ThS Phạm Thị Bích Hồng cho biết, Nhà xuất bản Tri thức của Liên hiệp Hội Việt Nam được thành lập từ năm 2005. Đến nay, Nhà xuất bản Tri thức đã trở thành cái tên quen thuộc và uy tín đối với trí thức KH&CN nói riêng và người đọc cả nước nói chung. Trong thời gian qua, trung bình mỗi năm NXB xuất bản 180 đầu sách (với gần 400.000 bản in), trong đó có 100 đầu sách là do NXB hoàn toàn đầu tư và 80 đầu sách là liên kết xuất bản…
Bên cạnh đó, cơ quan trung ương Liên hiệp Hội Việt Nam cũng thường xuyên xuất bản các bản tin phổ biến kiến thức thường thức (định kỳ 1 số/tháng) và phổ biến kiến thức theo chuyên đề (4 chuyên đề/năm). Trong giai đoạn 2015-2019, Liên hiệp Hội Việt Nam đã xuất bản 60 bản tin phổ biến kiến thức thường thức và 14 bản tin theo chuyên đề. Các bản tin này được đăng tải dưới phiên bản điện tử trên trang vusta.vn và là tài liệu thường xuyên, cập nhật cung cấp thông tin cho bạn đọc và là tài liệu tham khảo hữu ích các liên hiệp hội tỉnh/thành phố trong việc thực hiện hoạt động tuyên truyền phổ biến kiến thức tại địa phương…
Lien hiep Hoi Viet Nam dang nghiem tuc thuc hien quy hoach bao chi-Hinh-4
Đông đảo đại biểu tham dự buổi hội thảo. 
LHHVN thực hiện tích cực Chỉ thị số 42-CT/TW
Tại hội thảo, ThS. Bùi Kim Tuyến - Trưởng Ban Tư vấn, phản biện và Giám định xã hội - Liên Hiệp hội Việt Nam đã có báo cáo về kết quả tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 16/4/2010 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Đánh giá chung về quá trình thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ThS. Bùi Kim Tuyến cho biết, Đảng đoàn Liên hiệp Hội Việt Nam đã rất tích cực, chủ động phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan có thẩm quyền trong việc học tập, quán triệt Chỉ thị số 42-CT/TW; tham gia nghiên cứu, xây dựng và trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét, ban hành một số văn bản cụ thể hóa, thể chế hóa Chỉ thị số 42-CT/TW. Đảng đoàn Liên hiệp Hội Việt Nam chỉ đạo xây dựng, cụ thể hóa Chỉ thị số 42-CT/TW thành chiến lược, chương trình, kế hoạch công tác 5 năm, hàng năm của Liên hiệp Hội Việt Nam và đạt được những kết quả tích cực. Cán bộ, đảng viên và phần lớn hội viên trong hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam nắm vững quan điểm, mục tiêu, các nhiệm vụ và giải pháp của Chỉ thị số 42-CT/TW, đặc biệt là tính chất chính trị - xã hội của hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong hệ thống chính trị nước ta; thấy rõ vai trò, bổn phận và trách nhiệm của đội ngũ trí thức KH&CN trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.
Đảng đoàn và Đoàn Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam đề cao công tác chính trị - tư tưởng đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên trong hệ thống; làm tốt vai trò cầu nối giữa Đảng và trí thức; tham mưu cho Đảng, Nhà nước những vấn đề quan trọng về đường lối, chủ trương, chính sách xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; chú trọng thực hành dân chủ, phát huy tinh thần yêu nước, tính sáng tạo và tính tích cực xã hội trong công tác tập hợp, đoàn kết trí thức thông qua các hội thành viên và tổ chức KH&CN trực thuộc, góp phần ổn định tình hình trí thức, giữ vững an ninh chính trị; chỉ đạo các hội thành viên, các tổ chức KH&CN trực thuộc tích cực tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động; tích cực phối hợp với các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tổ chức bộ máy, nội dung và phương thức hoạt động của Liên hiệp Hội ở Trung ương và địa phương có nhiều đổi mới; tập hợp thêm được nhiều hội thành viên và thành lập thêm được nhiều tổ chức KH&CN trực thuộc; số lượng trí thức tham gia hoạt động trong hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam ngày càng đông đảo; triển khai được nhiều hoạt động tư vấn phản biện xã hội, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, phổ biến kiến thức, bảo vệ môi trường, phát triển cộng đồng, thúc đẩy các phong trào sáng tạo, tôn vinh trí thức, hợp tác quốc tế về KH&CN, đóng góp đáng kể vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của cả nước; uy tín và vị thế của Liên hiệp Hội Việt Nam ngày càng được nâng cao trong hệ thống chính trị, trong xã hội và với các tổ chức quốc tế.
Tuy vậy, ThS. Bùi Kim Tuyến cũng thẳng thắn chia sẻ quá trình triển khai và thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW cũng bộc lộ nhiều hạn chế, vướng mắc như:
Nhận thức của cán bộ nhiều cấp ủy, tổ chức Đảng và chính quyền từ Trung ương đến địa phương chưa rõ, chưa nhất quán, thậm chí chưa thừa nhận tính chất chính trị - xã hội của hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam từ Trung ương đến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đặc biệt, vẫn hiểu sai Liên hiệp Hội Việt Nam ở Trung ương và địa phương là tổ chức xã hội - nghề nghiệp, chỉ là hội đặc thù, cho rằng chỉ những tổ chức đoàn thể được quy định trong Hiến pháp 2013 mới là tổ chức chính trị - xã hội.
Một số đề án theo Thông báo số 353-TB/TW sau gần 10 năm thực hiện đến nay vẫn chưa hoàn thành; một số đề án khác đến nay vẫn chưa được thể chế hóa đầy đủ về mặt Nhà nước, dẫn đến khung pháp lý về tổ chức bộ máy, cơ chế chính sách và hoạt động của Liên hiệp Hội Việt Nam chưa hoàn chỉnh, ảnh hưởng đến quá trình phát triển của Liên hiệp Hội Việt Nam, đặc biệt một số ít Liên hiệp hội địa phương tuy đã hình thành tổ chức bộ máy nhưng không được giao chỉ tiêu biên chế để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của một tổ chức chính trị - xã hội. Thiếu các văn bản hướng dẫn cụ thể từ Trung ương, do vậy đã ảnh hưởng lớn đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng các chủ trương, chính sách phát triển Liên hiệp hội địa phương và chế độ, chính sách đối với cán bộ làm công tác tại Liên hiệp hội địa phương. Một số cấp ủy, chính quyền địa phương mặc dù đã ban hành văn bản cụ thể hóa, thể chế hóa Chỉ thị số 42-CT/TW, nhưng trong chỉ đạo tổ chức thực hiện chưa sát sao, dẫn đến tình trạng tuy đã có quy định nhưng không được thực hiện trong thực tiễn, đặc biệt là việc bố trí biên chế và chế độ chính sách đối với cán bộ làm việc tại Liên hiệp hội địa phương.
Các tổ chức thành viên và trực thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam, tuy có phát triển mạnh về số lượng nhưng chất lượng và hiệu quả hoạt động còn hạn chế; nội dung và hình thức hoạt động chưa hấp dẫn trí thức trẻ, trí thức trong các doanh nghiệp và trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tham gia. Điều kiện hoạt động của Liên hiệp Hội Việt Nam và các hội thành viên còn nhiều khó khăn, chưa được Nhà nước giao nhiệm vụ giải quyết những vấn đề quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, KH&CN, GD&ĐT, bảo vệ môi trường, chính sách đối với trí thức, thực hiện các dịch vụ công; chưa tổ chức được những diễn đàn phù hợp để cung cấp thông tin và tạo môi trường thuận lợi để trí thức có thể bày tỏ quan điểm và đóng góp ý kiến vào những chủ trương, chính sách phát triển đất nước.
Do vậy, mục tiêu “đến năm 2020, xây dựng Liên hiệp Hội Việt Nam trở thành tổ chức chính trị - xã hội vững mạnh ở Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, giữ vai trò nòng cốt trong tập hợp, đoàn kết và phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức KH&CN; góp phần quyết định đưa KH&CN trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” chưa đạt được, cần có thêm thời gian và sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa không chỉ của đội ngũ trí thức KH&CN mà cần thiết và có tính chất quyết định chính là sự thống nhất chỉ đạo của Đảng, Nhà nước từ Trung ương đến địa phương đối với Liên hiệp Hội Việt Nam.
Tại hội thảo, các đại biểu tham dự còn được lắng nghe TS. Đặng Vũ Cảnh Linh - Trưởng Ban Truyền thông và Phổ biến kiến thức - Liên hiệp Hội Việt Nam chia sẻ tập huấn về kiến thức, kỹ năng xây dựng kế hoạch truyền thông khoa học và công nghệ.
Bài trình bày của TS. Đặng Cảnh Linh nhấn mạnh về kiến thức cơ bản về truyền thông, các xu hướng truyên thông hiện đại như truyền thông đa chiều, đa phương tiện, xây dựng các mô hình hội tụ truyền thông, gắn truyền thông với kinh tế tri thức, cách mạng CN 4.0... bên cạnh đó đi sâu vào phân tích mô hình truyền thông khoa học và công nghệ.
Theo TS. Đặng Cảnh Linh đặc điểm cơ bản nhất là nhà khoa học cần nắm chắc kỹ năng truyền thông mới có thể chuyển tải các thông điệp khoa học đến với công chúng, vừa đảm bảo tính chuẩn mực, chính xác, khách quan của khoa học, vừa tạo nên sự hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của công chúng với kiến thức và có thể vận dụng, ứng dụng vào đời sống thực tiễn...
Tại hội thảo ThS. Lê Hồng Sơn (Chủ tịch Liên hiệp Hội Thái Bình) - Liên hiệp Hội tỉnh Thái Bình; ThS. Hoàng Minh Ngọc (Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp các hội KH&KT thành phố Hải Phòng, Tổng biên tập Tạp chí Khoa học và Kinh tế Hải Phòng); Chủ tịch Liên hiệp các hội KH&KT tỉnh Hải Dương - Nguyễn Văn Thông; Lê Xuân Dũng - Chánh Văn phòng Liên hiệp hội Thanh Hóa; Chủ tịch Liên hiệp hội Thái Nguyên - Nguyễn Văn Vỵ cũng lần lượt trình bày về kết quả và bài học kinh nghiệm trong hoạt động phổ biến kiến thức của các Hội thành viên của Liên hiệp Hội Việt Nam tại những địa phương nêu trên.
Mạnh Hưng