Thuốc giả quy mô lớn tuồn ra thị trường nguy hại thế nào?

Google News

Chuyên gia y tế cho rằng, thuốc giả kê đơn không chỉ là mối đe dọa cho từng cá nhân, mà còn cho sức khỏe cộng đồng, sự phát triển của ngành dược và uy tín quốc gia.

Công an tỉnh Thanh Hóa vừa khởi tố, tạm giam Nguyễn Tiến Đạt (34 tuổi, trú tại Chung cư Hapulico, quận Thanh Xuân, Hà Nội), Trịnh Doãn Giáo (40 tuổi, trú tại quận Bình Tân, TPHCM) cùng 12 đối tượng để tra về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh.
Điều tra ban đầu cho thấy, lợi dụng thói quen của người dân tự kê đơn mua các loại thuốc chữa bệnh, thiếu hiểu biết, sự sơ hở trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh dược phẩm tại các quầy thuốc, nhà thuốc, nhóm của Nguyễn Tiến Đạt đã câu kết với nhóm đối tượng của Trịnh Doãn Giáo đầu tư dây chuyền, máy móc sản xuất và nghiên cứu các thành phần của thuốc tân dược.
Thuoc gia quy mo lon tuon ra thi truong nguy hai the nao?
Các đối tượng trong đường dây sản xuất thuốc giả. 
Các đối tượng mua các nguyên liệu là dược phẩm, dược liệu, thảo mộc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thuê nhân công trộn lẫn nghiền thành bột, sử dụng máy móc đóng thành viên nang, ép vỉ, đóng gói thành phẩm thuốc giả sau đó bán ra thị trường qua các kênh phân phối.
Qua đấu tranh, các đối tượng khai nhận, từ năm 2021 đến khi bị bắt đã bán ra thị trường số lượng thuốc giả rất lớn, số tiền thu lời bất chính ước tính gần 200 tỷ đồng.
Khám xét 6 địa điểm là nơi sản xuất, nơi làm việc, nơi cất giấu hàng hoá tại Hà Nội, TPHCM, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, An Giang, Đồng Tháp, cảnh sát thu giữ 21 loại thuốc tân dược, thuốc chữa xương khớp giả như Tetracyclin, Clorocid, Pharcoter, Tui Hua Shen Jing Tong, Trùng thảo sâm nhung bổ tỳ, Profeessor’s Pill, Mujarhabat Kapsul, Gai cốt hoàn, Tuyết liên thiên ma bảo khớp hoàn...Tổng khối lượng thuốc giả và nguyên liệu bị tịch thu khoảng 10 tấn.
Mối đe dọa đa tầng đối với sức khỏe, kinh tế và niềm tin xã hội
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, BS Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt Nga, Bộ Quốc phòng (Hà Nội) cho biết, thuốc giả là mối đe dọa đa tầng đối với sức khỏe, kinh tế và niềm tin xã hội.
Theo BS Hoàng, thuốc kê đơn, loại dược phẩm đòi hỏi chỉ định nghiêm ngặt của bác sĩ đang bị làm giả với mức độ ngày càng tinh vi tại Việt Nam. Đây không chỉ là hành vi gian lận thương mại, mà còn là mối đe dọa trực tiếp đến sinh mạng con người, tạo áp lực cho hệ thống y tế, bóp nghẹt ngành dược phẩm chân chính và làm xói mòn niềm tin vào hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe.
Theo Luật Dược 2016, thuốc giả là những sản phẩm không có hoạt chất, sai hoạt chất, sai liều lượng, hoặc giả mạo nhà sản xuất. Quan trọng, cần phân biệt thuốc giả với thuốc kém chất lượng – loại thuốc được cấp phép nhưng không đạt chuẩn do lỗi kỹ thuật, không mang yếu tố lừa đảo.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp thuốc giả là “vũ khí giết người thầm lặng” tại các quốc gia có hệ thống quản lý còn nhiều kẽ hở. Việt Nam không nằm ngoài xu hướng đó.
Nói về tác động y học từ thuốc giả, BS Hoàng cho biết, thuốc giả gây hậu quả trực tiếp. Trong đó, thất bại điều trị là hậu quả phổ biến nhất. Với các bệnh lý nguy cấp như nhiễm khuẩn, tim mạch, ung thư, việc bỏ lỡ thời điểm vàng vì dùng thuốc giả đồng nghĩa với mất cơ hội sống.
Tác động thứ hai là gây ngộ độc, dị ứng. Nhiều thuốc giả chứa tạp chất nguy hiểm, gây tổn thương gan, thận, tim mạch hoặc phản ứng phản vệ, có thể gây tử vong.
Ngoài ra, còn gây nhiễm khuẩn từ thuốc tiêm khi sản xuất trong điều kiện mất vệ sinh, thuốc giả dạng tiêm hoặc vaccine có thể gây nhiễm trùng toàn thân. Tình trạng người bệnh tử vong sau khi dùng thuốc giả đã được ghi nhận và có thể bị xử lý hình sự ở mức cao nhất.
Thuốc giả cũng gây nên những hậu quả gián tiếp như kháng kháng sinh. Thuốc kháng sinh giả khiến vi khuẩn không bị tiêu diệt hoàn toàn, thúc đẩy khả năng đề kháng. Đây là cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu. Làm tăng chi phí, kéo dài điều trị, người bệnh mất thời gian quý giá, tiền bạc và sức khỏe khi phải điều trị lại do dùng thuốc không hiệu quả.
Sự hiện diện của thuốc giả tạo ra vòng xoáy thất bại điều trị, biến chứng, chi phí điều trị cao hơn, gánh nặng cho hệ thống y tế và nguy cơ tử vong gia tăng.
Hệ lụy kinh tế, thuốc giả gây thiệt hại cho người bệnh, ngành dược và quốc gia. Đối với doanh nghiệp dược phẩm hợp pháp, mất thị phần, doanh thu vào tay những kẻ gian; tổn hại uy tín thương hiệu khi thuốc giả đội lốt sản phẩm thật; tăng chi phí đầu tư chống giả: từ bao bì, pháp lý đến kiểm tra thị trường.
Đối với hệ thống y tế, chi phí điều trị tăng vọt do phải xử lý biến chứng, lãng phí nguồn lực từ giường bệnh, nhân lực, thuốc men, tăng chi phí kiểm nghiệm, điều tra cho cơ quan quản lý.
Đối với nền kinh tế quốc gia, thuốc giả dẫn đến thất thu thuế từ hoạt động sản xuất buôn bán phi pháp. Ảnh hưởng môi trường đầu tư do lo ngại về quyền sở hữu trí tuệ và cạnh tranh không lành mạnh. Lợi nhuận bất chính tái đầu tư cho tội phạm khác, làm bất ổn xã hội. Các con số có thể đo đếm, nhưng thiệt hại về uy tín quốc gia và niềm tin người dân là vô hình và lâu dài.
Cùng với đó thuốc giả khiến khủng hoảng niềm tin, hệ lụy xã hội nghiêm trọng. 
Thuoc gia quy mo lon tuon ra thi truong nguy hai the nao?-Hinh-2
BS Nguyễn Huy Hoàng 
Giải pháp ngăn chặn thuốc giả
BS Hoàng cho rằng, khung hình phạt hiện nay nghiêm ngặt, nhưng chưa đủ răn đe.
Dẫn Luật Dược 2016 cấm tuyệt đối kinh doanh thuốc giả, thuốc không có giấy phép, thuốc chưa đăng ký lưu hành, hoặc bán thuốc kê đơn không có đơn và điều 194 Bộ luật Hình sự quy định mức hình phạt cao nhất với tội sản xuất, buôn bán thuốc giả, BS Hoàng cho biết, dù các quy định nghiêm khắc nhưng thực tế đường dây thuốc giả vẫn tồn tại dai dẳng, đặc biệt trên không gian mạng. Điều này cho thấy rào cản lớn không nằm ở khung luật mà ở năng lực thực thi, khả năng phát hiện và phối hợp liên ngành.
Theo BS Hoàng, giải pháp toàn diện phải từ pháp lý, công nghệ đến cộng đồng. Theo đó, cần hoàn thiện thể chế và quản lý, siết chặt kiểm soát thuốc kê đơn, rà soát quy định về bán thuốc trực tuyến, minh bạch hóa quy trình cấp phép và quản lý giá.
Đồng thời nâng cao năng lực thực thi như đào tạo lực lượng chức năng, tăng cường phối hợp liên ngành và quốc tế, xử lý nghiêm minh, công khai các vụ việc lớn.
Có thể ứng dụng công nghệ như áp dụng mã hóa truy xuất nguồn gốc, blockchain, QR code. Phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia về thuốc lưu hành, dùng trí tuệ nhân tạo và phân tích dữ liệu để giám sát thị trường.
BS Hoàng cũng cho rằng, vai trò nhân viên y tế rất quan trọng bởi dược sĩ và bác sĩ là hàng rào đầu tiên phát hiện thuốc giả. Các nhân viên y tế cần chủ động tư vấn, báo cáo nghi ngờ, hướng dẫn người bệnh.
Cùng với đó, cần quan tâm truyền thông và cộng đồng, triển khai chiến dịch truyền thông dài hạn, khuyến khích người dân kiểm tra thuốc, tố giác nghi ngờ, thiết lập kênh phản ánh minh bạch và dễ tiếp cận.
Một trong những giải pháp ngăn chặn thuốc giả cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tham gia mạng lưới ASEAN và toàn cầu chống thuốc giả. Đồng bộ tiêu chuẩn, chia sẻ thông tin cảnh báo sớm.
BS Hoàng nhận định, chống thuốc giả là cuộc chiến dài hơi cần cả hệ thống và người dân. Thuốc giả kê đơn không chỉ là mối đe dọa cho từng cá nhân, mà còn cho sức khỏe cộng đồng, sự phát triển của ngành dược và uy tín quốc gia. Cuộc chiến chống lại vấn nạn này không thể thành công nếu thiếu sự đồng lòng từ Chính phủ, cơ quan chức năng, đội ngũ y tế và chính người dân.
Khung pháp lý đã có, công nghệ đã sẵn, điều cần lúc này là sự hành động đồng bộ, quyết liệt và bền bỉ. Chỉ khi nào tất cả chúng ta cùng cảnh giác, lên tiếng và hành động, mới có thể từng bước đẩy lùi thuốc giả ra khỏi đời sống, bảo vệ tính mạng và niềm tin xã hội một cách bền vững.
>>> Mời độc giả xem thêm video Mời quý độc giả xem video: Bộ Y tế cảnh báo thuốc giảm đau, hạ sốt giả:

( Nguồn:THĐT)


Hải Ninh