Chùa Hương Tích ở xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) được xây dựng từ thời nhà Trần, mệnh danh là “Hoan Châu đệ nhất danh lam”, xếp vào hàng 21 thắng cảnh nổi tiếng nhất của nước Nam xưa. Nơi đây gắn với truyền thuyết tu hành đắc đạo của công chúa Diệu Thiện.
Người dân, du khách đến với chùa Hương Tích là để cầu cho bản thân, gia đình nhiều sức khỏe, bình an cũng như thưởng ngoạn phong cảnh hữu tình nơi đây. Bên cạnh đó, cũng có nhiều du khách đến với ngôi chùa này là để rờ tượng “hổ thần” chữa bệnh tật.
|
Chùa Hương Tích tọa lạc trên đỉnh núi Hồng Lĩnh, với cảnh quan thơ mộng, hùng vĩ… |
Theo tương truyền, khoảng 500 năm trước Công nguyên, vua cha muốn gả công chúa Diệu Thiện cho một viên quan võ có tài thao lược để sau này chăn dắt muôn dân. Biết tên quan võ là kẻ độc ác, nham hiểm, nàng đã không nghe theo sự sắp đặt của vua cha, mà quyết định rời nhung gấm, lụa là để lên chùa đi tu.
Viên quan võ không được như ý bèn phóng hỏa đốt chùa, tuy nhiên công chúa Diệu Thiện và tăng ni đều được Phật Tổ che chở, cứu thoát. Phật Tổ lại sai Bạch Hổ đưa nàng trốn sang đất Việt Thường thị, tạm nghỉ chân tại suối Hương Tuyền.
|
Người dân chen chân nhau rờ tượng "hổ thần" cầu mong bách bệnh tiêu tan. |
Sau mấy ngày tạm nghỉ bên suối Hương Tuyền, Bạch Hổ lại đưa Diệu Thiện lên động cao Đá Đôi để ẩn thân nhưng vẫn không được yên. Cuối cùng, Thần Hổ lang đưa xuống động Hương Tích và ở trong một hang đá rất đẹp. Chính nơi đây Diệu Thiện hóa Phật và gọi là Am Diệu Thiện.
Dân gian cho rằng, hổ cõng công chúa Diệu Thiện chính là hổ thần, nếu bị đau xương khớp… về chùa Hương Tích khấn vái tượng “hổ thần”, cầu xin ngài, lấy tay vuốt ve ngài rồi xoa vào chỗ đau mỏi thì tự nhiên bệnh tật sẽ tiêu tan.
|
Một số vị trí của tượng hổ từ màu vàng ngã sang màu đen… |
Được biết, tượng “hổ thần” làm bằng bê tông, dài chừng 1m, sơn màu vàng, đặt ở hướng đi lên khu vực chính điện chùa Hương Tích. Do quá nhiều du khách xoa lên, khiến một số vị trí của tượng hổ từ màu vàng đã chuyển sang màu đen.
Trao đổi với pv, một lãnh đạo Ban quản lý chùa Hương Tích, cho biết: “Chưa có cơ sở khoa học khẳng định việc sờ tượng hổ ở chùa Hương Tích có thể chữa bệnh. Trước kia chùa đã có biển nghiêm cấm du khách sờ tượng hổ, nhưng do số lượng du khách quá đông nên khó kiểm soát…".
Hạo Nhiên