Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2025 gắn với sự kiện kỷ niệm 60 năm Bác Hồ về thăm Côn Sơn, có nhiều điểm mới.
Điểm nhấn là Lễ khai Hội mùa Xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2025, tưởng niệm 691 năm ngày viên tịch của Đệ Tam Tổ Trúc Lâm Huyền Quang Tôn giả (1334 - 2025), kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ về thăm Côn Sơn (1965 - 2025) và phát động “Tết trồng cây” diễn ra ngày 13/2 (tức ngày ngày 16 tháng Giêng năm Ất Tỵ).
![Lễ hội mùa xuân Côn Sơn – Kiếp Bạc năm 2025 quy mô lớn Le hoi mua xuan Con Son – Kiep Bac nam 2025 quy mo lon](https://images.kienthuc.net.vn/zoom/800/uploaded/haininh/2025_02_10/le-hoi-mua-xuan-con-son-kiep-bac-nam-2025-quy-mo-lon.jpg) |
Đội tế thực hiện các nghi thức tế lễ truyền thống tại nội đền Kiếp Bạc
|
Tại lễ khai hội sẽ có các hoạt động chính: Chương trình nghệ thuật “Côn Sơn in dấu chân Người”; Diễn văn khai hội mùa Xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc, tưởng niệm 691 năm ngày viên tịch của Đệ Tam Tổ Trúc Lâm Huyền Quang tôn giả, kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm Côn Sơn và phát động Tết trồng cây; Khởi trống khai hội; Cung tuyên thân thế và sự nghiệp của Đệ Tam Tổ Trúc Lâm Huyền Quang tôn giả; Lễ dâng hương. Tham quan Trưng bày chuyên đề “Hải Dương in dấu chân Người” và thực hiện Tết trồng cây.
Tại lễ hội còn có các nội dung như Lễ tế trên núi Ngũ Nhạc; Lễ giỗ Đệ Tam Tổ Trúc Lâm Huyền Quang Tôn giả; Lễ Mông Sơn thí thực; Lễ rước và dâng bánh chưng, bánh giầy tại chùa Côn Sơn, đền thờ Nguyễn Trãi, đền thờ Trần Nguyên Đán; Lễ tế tại đền thờ Nguyễn Trãi; Lễ rước nước...
Phần hội diễn ra Tuần Văn hóa, du lịch và xúc tiến thương mại; Hội thi gói bánh chưng, giã bánh giầy; Giải vật dân tộc; thi đấu cờ tướng; liên hoan pháo đất; trưng bày chuyên đề “Bác Hồ với Côn Sơn”; Giải chạy việt dã: Hành trình kết nối di sản văn hoá; Giải marathon mở rộng: Hành trình di sản thế giới Côn Sơn - Kiếp Bạc - Thanh Mai...
Để đón du khách đến tham quan, chiêm bái, các Ban Quản lý tại các khu di tích đã trang hoàng với cờ thần, cờ dây, cờ hội, hồng kỳ, đèn lồng... Xây dựng các khu vực check-in với những điểm nhấn riêng biệt cho du khách khi về tham quan. Đồng thời, tích cực cải tạo cảnh quan như: chỉnh trang vườn hoa, cây cảnh trong khuôn viên; chuẩn bị sẵn sàng các vật phẩm cho các nghi lễ truyền thống.
Bên cạnh đó, Ban Quản lý tại các khu di tích cũng phối hợp với chính quyền địa phương làm tốt công tác vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm; phân công lực lượng bảo vệ. Ban Thanh tra nhân dân thường xuyên kiểm tra, giám sát việc niêm yết giá; không để xảy ra tình trạng khấn thuê, xe ôm, đeo bám khách, bán hàng rong, lấn chiếm vị trí bán hàng… bố trí lực lượng thường trực tại điểm di tích, khu vực tập trung đông du khách để bảo đảm công tác phòng cháy, chữa cháy và kịp thời hỗ trợ du khách.
>>> Mời độc giả xem thêm video Lễ hội liên tiếp, làm sao đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm?
Hải Ninh