Đối thoại trực tiếp hồ sơ Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc

Google News

ICOMOS đánh giá cao về báo cáo bổ sung hồ sơ của Việt Nam theo kiến nghị. Báo cáo đã cung cấp đầy đủ những ý cần thiết về hồ sơ đề cử mà ICOMOS yêu cầu.

Ngày 25/11/2024 tại Paris (Pháp) đã diễn ra buổi làm việc, đối thoại của đoàn Việt Nam với Hội đồng Di tích và Di chỉ quốc tế (ICOMOS) về Hồ sơ Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc.
Buổi đối thoại diễn ra theo thư mời tại tham chiếu số GB/AS 1732, WHP. Inv ngày 18/10/2024 của Hội đồng Di tích và Di chỉ quốc tế ICOMOS về việc đối thoại trực tiếp về Hồ sơ khoa học Quần thể Di tích và danh thắng Yên Tử- Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn, Kiếp Bạc trình UNESCO công nhận là Di sản thế giới.
Chủ trì cuộc đối thoại về phía ICOMOS là Chủ tịch ICOMOS cùng 30 chuyên gia độc lập. Đoàn đối thoại của Việt Nam tại Paris, Pháp do đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh làm trưởng đoàn; Bà Nguyễn Thị Vân Anh, Đại sứ, Trưởng phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO cùng các chuyên gia tư vấn hồ sơ.
Doi thoai truc tiep ho so Yen Tu - Vinh Nghiem - Con Son, Kiep Bac
Đoàn đối thoại của Việt Nam tại Paris, Pháp. 
Tham gia đối thoại trực tuyến tại điểm cầu Việt Nam có ông Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Bà Lê Thị Hồng Vân, Vụ trưởng, Tổng thư ký Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hoá Quốc gia cùng lãnh đạo Sở Văn hoá và Thể thao, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch 3 tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương và đại diện các cơ quan, nhà khoa học có liên quan.
Trước đó, Hội đồng Di tích và Di chỉ quốc tế (ICOMOS), tổ chức tư vấn cho UNESCO về ghi danh di sản thế giới, đã cử chuyên người Ấn Độ Ratish Nanda thẩm định thực địa tại Việt Nam tại 3 tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương từ ngày 5/8 đến ngày 15/8/2024.
Ngày 26/9/2024, ICOMOS đã có Tham chiếu số GB/TA/1732_Add.Inf đề nghị phía Việt Nam cung cấp thông tin bổ sung về 11 nội dung trong hồ sơ đề cử, gồm: Bản đồ các di tích thành phần; các thuộc tính của giá trị nổi bật toàn cầu; phân tích đối sánh nhằm nêu bật lý do, quy trình lựa chọn 20 di tích thành phần trong Hồ sơ để khẳng định Yên Tử là nơi khai sinh Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam…
Doi thoai truc tiep ho so Yen Tu - Vinh Nghiem - Con Son, Kiep Bac-Hinh-2
Các đại biểu tham dự Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Việt Nam. 
Qua nghiên cứu, ICOMOS đánh giá cao về báo cáo bổ sung hồ sơ của Việt Nam theo kiến nghị của ICOMOS khá đầy đủ, chi tiết, báo cáo đã cung cấp đầy đủ những ý cần thiết về hồ sơ đề cử mà ICOMOS yêu cầu. Để hồ sơ hoàn chỉnh, ICOMOS đề nghị Việt Nam tiếp tục bổ sung làm rõ thêm về giá trị nổi bật toàn cầu của quần thể di tích; giá trị và đặc điểm kiến trúc các di tích chùa tháp có niên đại từ thế kỷ 13, 14 mà trong hồ sơ đã đề cập; các ưu điểm, hạn chế của hồ sơ; xác định rõ tiêu chí trọng điểm mà hồ sơ bảo vệ; vai trò của cộng đồng và không gian văn hoá có liên quan…
Đoàn chuyên gia tham gia đối thoại của Việt Nam đã giải thích, làm rõ tất cả các vấn đề ICOMOS nêu ra, trong đó nhấn mạnh tuyên bố nổi bật toàn cầu, tính xác thực, những đặc trưng và những thuộc tính nổi bật toàn cầu của di sản đề cử.
Đoàn cũng làm rõ những vấn đề liên quan đến tiêu chí 5 của di sản, khẳng định công tác quản lý di sản đề cử đã được thực hiện rất tốt. Đồng thời, đánh giá cao vai trò của cộng đồng trong việc bảo tồn, bảo vệ, phát huy giá trị của di sản đề cử trong quá khứ cũng như trong thời điểm hiện tại và cam kết sẽ tiếp tục tập trung bảo vệ, giữ gìn thật tốt di sản đề cử.
Kết thúc chương trình đối thoại, ICOMOS đánh giá đoàn Việt Nam đã trả lời tốt các câu hỏi tại chỗ, bảo vệ tốt di sản đề cử. ICOMOS cho biết nếu cần cung cấp thêm thông tin về quần thể di tích, ICOMOS sẽ gửi thông tin sớm nhất để phía Việt Nam chủ động nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện trước ngày 28/2/2025 để hồ sơ hoàn thiện đảm bảo đúng thời gian quy định.
Trước đó, Hồ sơ khoa học quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc (Hồ sơ Yên Tử) đã được đệ trình lên UNESCO vào cuối tháng 1/2024 để xét công nhận là Di sản thế giới.
Hồ sơ được Thủ tướng Chính phủ giao tỉnh Quảng Ninh chủ trì, phối hợp với các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang xây dựng với 2.139 trang tài liệu bản tiếng Việt và bản dịch tiếng Anh; 101 sơ đồ, bản đồ, 196 bản vẽ kiến trúc, 260 bản vẽ khảo cổ, 1.141 bản ảnh, tái hiện các giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc, di sản phi vật thể, vật thể và kế hoạch quản lý tổng thể trên phạm vi 3 tỉnh.
Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc trải dài qua 3 tỉnh: Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương với hàng trăm di tích và danh thắng, thuộc phạm vi của 6 khu di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt: Khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Yên Tử (thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh); Khu di tích lịch sử nhà Trần tại Đông Triều (thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh); Khu di tích lịch sử Bạch Đằng (thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh); Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, chùa Thanh Mai (thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương); Khu di tích An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương (thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương); Di tích quốc gia đặc biệt chùa Vĩnh Nghiêm và chùa Bổ Đà thuộc Khu di tích Tây Yên Tử (tỉnh Bắc Giang).
>>> Mời độc giả xem thêm video 20 năm Di sản Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, Quảng Bình:

(Nguồn: THĐT)


Vũ Trường Sơn - Sở VHTTDL Hải Dương