Mới đây, bất chấp luật pháp quốc tế, Trung Quốc ngang ngược thành lập cái gọi là “huyện Tây Sa” (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và “huyện Nam Sa” (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam) tại “thành phố Tam Sa” (tỉnh Hải Nam) để thâu tóm quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Theo đó, cái gọi là “huyện đảo Tây Sa” sẽ đặt tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Cái gọi là “huyện đảo Nam Sa” đặt tại Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Ngày 19/4/2020, lên tiếng về sự việc trên Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định, Việt Nam đã nhiều lần mạnh mẽ khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
|
Trung Quốc ngang ngược lập huyện ở Đá Chữ Thập trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam. |
“Lập trường nhất quán của Việt Nam là phản đối mạnh mẽ việc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” và các hành vi có liên quan vì đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, không có giá trị và không được công nhận, không có lợi cho quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia và gây thêm phức tạp tình hình Biển Đông, khu vực và thế giới”, Bà Lê Thị Thu Hằng cho biết.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, huỷ bỏ các quyết định sai trái liên quan đến những việc làm đó và không có những việc làm tương tự trong tương lai.
Trao đổi với PV Kiến Thức, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học, Bộ Công an cho rằng, trước hết phải nhìn nhận Trung Quốc đối với biển Đông là một tham vọng độc chiếm.
“Tham vọng này qua nhiều thế hệ lãnh đạo của nước này chứ không phải mới đây. Mỗi một thế hệ lãnh đạo của Trung Quốc lại có những hoạt động khác nhau về quy mô và tính chất nghiêm trọng. Tuy nhiên, âm mưu độc chiếm biển Đông của Trung Quốc là không bao giờ thay đổi” - Thiếu tướng Lê Văn Cương đánh giá.
Thiếu tướng Lê Văn Cương nhìn nhận, để thực hiện tham vọng độc chiếm biển Đông, Trung Quốc thực hiện nhiều biện pháp.
Thứ nhất, biện pháp trên thực địa là đánh chiếm. Trung Quốc dùng hải quân, lực lượng quân sự đánh chiếm như năm 1956 đánh chiếm đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, năm 1974 chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa, năm 1988 nước này chiếm 7 đảo thuộc Trường Sa của Việt Nam.
Thời gian gần đây, năm 2019, Trung Quốc liên tục gây hấn trên biển Đông khi kéo tàu khảo sát Hải Dương địa chất 08 và các tàu hải cảnh, hàng chục tàu dân quân biển thực ra là tàu quân sự trá hình xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam.
Những tháng đầu năm 2020, lợi dụng các nước thế giới đang phải đối mặt với đại dịch COVID-19, trong đó Mỹ đang sa lầy vào cuộc chiến chống lại đại dịch và chuẩn bị cho cuộc bầu cử nên Biển Đông sẽ ở vị trí rất thấp trong chính sách đối ngoại của Mỹ, Trung Quốc hoạt động ráo riết trên biển Đông trên cả ba hướng.
Trong đó, về thực địa, ngày 2/4, tàu Trung Quốc đâm tàu Quảng Ngãi, bắt 8 ngư dân của Việt Nam, tăng cường xua đuổi tàu cá của Việt Nam hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
|
Tướng Lê Văn Cương. |
Thứ hai, về tuyên truyền, Trung Quốc thường xuyên có luận điệu xuyên tạc, vu cáo Việt Nam. Mới nhất là sau khi đâm chìm tàu cá của Việt Nam ngày 2/4 thì ngày 3/4, các kênh phát thanh truyền hình, báo chí Trung Quốc nói hàng trăm lần đưa luận điệu xuyên tạc tuyên bố với người dân Trung Quốc rằng, 600 tàu cá Việt Nam ăn trộm cá trong vùng kinh tế đặc quyền của Trung Quốc nên phải phản ứng tự vệ. Tuy nhiên, đây là sự tuyên truyền lố bịch “vừa ăn cướp, vừa la làng”.
Thứ 3, trên mặt trận pháp lý, mới đây Trung Quốc thành lập hai đơn vị hành chính cấp huyện ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam mà Trung Quốc gọi là huyện Tây Sa và huyện Nam Sa. Mục đích của nước này để khẳng định chủ quyền và kết thúc bằng pháp lý.
Tướng Cương cho rằng, đây là âm mưu từng bước một hiện thực hóa tham vọng độc chiếm quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
“Hành động đó là hoàn toàn phi pháp, phi lý, đi ngược lại Công ước về Luật biển năm 1982 mà Trung Quốc là thành viên. Đi ngược lại DOC, tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002 mà Trung Quốc đã ký. Đi ngược lại 7 lần ông Tập Cận Bình với tư cách là Chủ tịch nước Trung Quốc cam kết, hứa hẹn với lãnh đạo Việt Nam từ năm 2013 đến bây giờ và 40 lần hứa với thế giới” - Thiếu tướng Lê Văn Cương nói.
Thiếu tướng Lê Văn Cương cho biết, mới đây, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ việc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” và các hành vi có liên quan vì đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, không có giá trị và không được công nhận.
Để Trung Quốc hết ngang ngược, Thiếu tướng Cương đề nghị nhà nước phải công khai việc này ra cho 100 triệu người dân Việt Nam biết. Đồng thời tuyên bố chủ quyền, vận động các nước trên thế giới và tổ chức quốc tế như Liên Hợp quốc và ASEAN để đấu tranh, phản bác hành động sai trái, bất chấp luật pháp của Trung Quốc. Đồng thời vạch mặt Trung Quốc ra dư luận quốc tế.
Tướng Cương cũng cho rằng, trong cuộc đấu tranh này, vai trò của báo chí rất quan trọng và đề nghị Nhà nước tạo điều kiện cho hệ thống phát thanh, truyền hình và báo chí Việt Nam vào cuộc, vạch rõ âm mưu cuồng vọng, bản chất tráo trở, hiếu chiến, nói một đằng làm một nẻo của Trung Quốc.
>>> Mời độc giả xem video Phản đối cái gọi là "Thành phố Tam Sa" của Trung Quốc
Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa phản đối việc Trung Quốc thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa":
Chiều 19/4, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa (TP Đà Nẵng) ông Võ Ngọc Đồng đã ra thông cáo về việc Trung Quốc thành lập khu Tây Sa và khu Nam Sa thuộc cái gọi là "thành phố Tam Sa".
Thông cáo nêu rõ, là chính quyền địa phương thuộc TP Đà Nẵng, trực tiếp quản lý quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, UBND huyện Hoàng Sa kiên quyết phản đối việc Trung Quốc ban hành quyết định thành lập cái gọi là khu Tây Sa và Nam Sa thuộc cái gọi là "thành phố Tam Sa".
Theo Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa, lập trường này đối với cái gọi là "thành phố Tam Sa" cũng đã được nêu rõ tại Nghị quyết số 26/2012/NQ-HĐND ngày 4/7/2012 của HĐND TP Đà Nẵng và các tuyên bố của UBND huyện Hoàng Sa trong suốt thời gian qua.
"Việt Nam là quốc gia đầu tiên khai phá, chiếm hữu và xác lập chủ quyền một cách liên tục, hoà bình trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế", Chủ tịch huyện Hoàng Sa Võ Ngọc Đồng nhấn mạnh.
Hành động nêu trên của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế và trái với các thỏa thuận giữa hai nước và khu vực, làm phức tạp tình hình ở khu vực Biển Đông và tổn hại đến các nỗ lực hợp tác giữa các nước.
UBND huyện Hoàng Sa bày tỏ kịch liệt phản đối và yêu cầu Trung Quốc huỷ bỏ ngay lập tức quyết định sai trái trên, chấm dứt ngay các hoạt động bất hợp pháp trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Hải Ninh