Góp ý cho dự thảo bộ luật Lao động sửa đổi tại phiên họp của UB Các vấn đề xã hội, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu đồng ý với phương án làm thêm đến 400 giờ.
Tuy nhiên ông chia sẻ: "Thực sự phải nói điều này, khi đồng tình với việc mở rộng giờ làm thêm lên 400 giờ/năm là tôi rất buồn. Đại diện cho người lao động, tôi nói lên điều này, vì lương tối thiểu của người lao động đang rất thấp.
Cách đây 2 ngày, khi chủ trì hội thảo về mạng lưới công đoàn các khu công nghiệp, tôi giật mình, mà chính xác là rùng mình khi Chủ tịch Công đoàn hội DN tỉnh Long An mô tả tình trạng tín dụng đen trong công nhân".
Rất nhiều tỷ phú nhưng cũng thêm rất nhiều lao động nghèo
Ông Hiểu cho biết, đã có những cán bộ công đoàn bị đánh giữa đường vì tuyên truyền người lao động dừng tham gia tín dụng đen. Đã có cán bộ công đoàn được xã hội đen đưa 50 triệu mua chuộc để ngừng tuyên truyền.
"Đó là câu chuyện không thể không suy nghĩ khi tiếp cận về vấn đề lương của người lao động. Chúng ta có thêm rất nhiều tỷ phú nhưng cũng có thêm rất nhiều lao động nghèo. Chúng ta có thêm vô vàn máy bay, sân bay nhưng có rất nhiều người lao động đang thiếu nhà.
|
Lãnh đạo Bộ LĐ-TB-XH lắng nghe ý kiến góp ý của các ĐBQH
|
Không ít công nhân lao động trong nắng nóng hơn 40 độ, ở trong những căn nhà với mái bằng tấm lợp xi măng. Họ còn mong cả đi làm thêm vì tránh ở trong ngôi nhà quá nóng, quá chật, và tiết kiệm cả tiền điện nữa", Phó Tổng liên đoàn Lao động VN kể.
Ông đề nghị khi mở rộng giờ làm thêm thì phải tính lương lũy tiến cho người lao động. Ví dụ mỗi ngày ngoài 8 giờ đi làm, người lao động có thể làm thêm 4 tiếng nhưng 2 giờ đầu 5 đồng, giờ tiếp theo 7 đồng, giờ thứ 4 tăng lên 9 đồng.
"Việc này để tránh nguy cơ huy động thường xuyên giờ làm thêm của người sử dụng lao động. Vì làm thêm quá nhiều dẫn đến tai nạn lao động lớn, họ phải bỏ mặc sức khoẻ của họ
Một xã hội tiến bộ không thể có quá nhiều giờ làm thêm", ông Hiểu nhấn mạnh.
Ông cho rằng, đây cũng là cách để hạn chế việc DN ko tuyển lao động mới mà chỉ sử dụng giờ làm thêm.
ĐB Ngọ Duy Hiểu cũng đề xuất cần quy định mức tối đa của giờ làm thêm trong tháng, hiện nay mới chỉ quy định giờ làm thêm trong ngày.
"Giờ làm thêm theo thoả thuận nhưng khắp nơi vi phạm, vì vốn dĩ quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động là bất bình đẳng, bất cứ khi nào người lao động cũng có thể bị sa thải", ông Hiểu nói.
Thỏa thuận trả lương lũy tiến
Thứ trưởng LĐ-TB-XH Doãn Mậu Diệp cho biết, bộ luật Lao động hiện hành quy định số giờ làm thêm tối đa của người lao động là không quá 50% số giờ làm việc bình thường/ngày, 30 giờ/tháng và tổng số không quá 200 giờ/năm, trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm không quá 300 giờ/năm.
Những năm qua, Chính phủ nhận được rất nhiều ý kiến đề xuất nghiên cứu sửa đổi bộ luật theo hướng mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa.
"Chính phủ thấy rằng việc mở rộng khung là cần thiết để nâng cao năng lực cạnh tranh của thị trường lao động, đáp ứng nhu cầu của DN và người lao động, góp phần bảo vệ quyền lợi tiền lương của người lao động.
Do vậy, Chính phủ quy định trong dự thảo mức mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ trong các trường hợp đặc biệt sẽ tăng thêm 100 giờ/năm so với hiện hành, là 400 giờ/năm", ông Diệp cho hay.
Mức tăng thêm này tương đối phù hợp xét trên tổng hòa các yếu tố về điều kiện kinh tế xã hội, thu hút đầu tư, nhu cầu DN, nhu cầu và sức khỏe của người lao động.
Mức tăng cũng chỉ áp dụng đối với một số ngành nghề nhất định và vào các thời điểm nhất định. Bình quân người lao động cũng chỉ làm thêm chưa đến 1,5 giờ/mỗi ngày.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng việc tăng giờ làm thêm ảnh hưởng tới thể chất, sức khỏe nghề nghiệp và có thể gây ra thiếu việc làm do DN không muốn tuyển mới lao động mà huy động người hiện có làm thêm giờ.
Để khắc phục những tác động tiêu cực trên, Chính phủ quy định trong dự thảo 4 biện pháp. Đó là, chỉ áp dụng khi người lao động đồng ý; bảo đảm tổng số giờ làm việc trong một ngày không quá 12 giờ và người lao động được nghỉ ngơi ít nhất 12 giờ/ngày; trả lương cao hơn và đãi ngộ hợp lý khi làm thêm giờ.
Cụ thể, tiền lương làm thêm giờ ít nhất bằng 150% nếu vào ngày thường, 200% vào ngày nghỉ hàng tuần và 300% vào ngày nghỉ lễ, Tết.
Ông Diệp cũng cho biết, quá trình soạn thảo, Tổng liên đoàn lao động VN đề xuất quy định cứng trong dự thảo mức lương lũy tiến làm thêm giờ. Tuy nhiên ý kiến của Phòng thương mại công nghiệp VN và Liên minh Hợp tác xã VN đề nghị không quy định vấn đề này.
Vì vậy, dự thảo bổ sung quy định hai bên thỏa thuận trả lương lũy tiến cao hơn mức trên để bảo đảm ổn định và phát triển của DN cũng như quyền lợi của người lao động.
Theo Thu Hằng / Vietnamnet