Kiểm lâm Mộc Châu đổ lỗi trách nhiệm, buông lỏng quản lý
Trước thực trạng
lâm tặc ngang nhiên phá rừng Chiềng Khừa, Mộc Châu, Sơn La, PV đã có buổi làm việc với Hạt trưởng hạt Kiểm lâm Mộc Châu -
ông Đào Mạnh Phong cho biết: Đó là địa bàn gây nhức nhối từ đã lâu.
Hơn nữa, Chiềng Khừa là xã đặc thù có khoảng trên 2.000 dân việc lựa chọn cán bộ còn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt trong đó có rất nhiều đối tượng nghiện ngập.
“Lực lượng toàn Hạt chúng tôi chỉ có 19 đồng chí, ngoài chức năng nhiệm vụ chính, hiện giờ Hạt còn phải thực hiện tất cả các vấn đề liên quan đến lâm nghiệp như: trồng rừng, chăm sóc, khoanh nuôi bảo vệ rừng. Một kiểm lâm địa bàn phải phụ trách đến 3 xã nên không thể tránh khỏi việc gỗ bị thẩm thấu ra ngoài...
Trong khi đó trên địa bàn huyện Mộc Châu có trên 50.500 ha rừng, riêng xã Chiềng Khừa là 6.000 ha rừng có độ che phủ cao nhất. Đây là xã vùng biên xa xôi cho nên nhận thức của đồng bào trong ấy còn nhiều hạn chế. Khó khăn về công tác cán bộ, quản lý nhà nước, nhận thức người dân... Còn việc phá rừng khai thác vận chuyển gỗ là có”, ông Phong thừa nhận.
|
Một cây gỗ bị đốn hạ trong rừng Chiềng Khừa, chờ xẻ và kéo ra ngoài. |
Sau màn đổ lỗ cho việc lực lượng Kiểm lâm mỏng không bao quát được hết địa bàn, ông Phong nói tiếp: Có những đối tượng trong tầm ngắm, vào diện theo dõi của Kiểm lâm và Công an. "Tuy nhiên, có thể lúc anh em lơ là chúng “ăn trộm”. Chứ chúng tôi không bao biện cho những chuyện đấy. Bắt được là phải xử lý” – ông Phong khẳng định.
Theo ghi nhận của PV, hầu hết những người vào rừng đốn gỗ là dân bản, người địa phương. Ở những bản nghèo như xã Chiềng Khừa, xã Mường Sang thì người dân ít có điều kiện mua cưa máy và các công cụ, phương tiện hiện đại cho việc phá rừng, đứng đằng sau họ phải có những bàn tay, thế lực nào khác chi phối, chỉ đạo.
Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Mộc Châu cho rằng: “Việc đấy thì có! mà chúng tôi đã bắt được rất nhiều gỗ, năm 2018 chúng tôi bắt và tịch thu hơn 15m3 gỗ. Năm nay là chúng tôi cũng đã bắt một vài vụ.
Có những vụ việc bắt và tịch thu tang vật đem về xã vì cước phí chở về xa, còn có những vụ bắt buộc chúng tôi phải mang về Hạt, đa phần là bắt các đầu nậu ở ngoài này (ngoài thị trấn Mộc Châu - PV)”.
|
Rừng Chiềng Khừa đang khẩn thiết kêu cứu trước sự ngang nhiên tàn phá của lâm tặc. |
Trả lời PV Kiến Thức về trách nhiệm của Kiểm lâm Mộc Châu và lãnh đạo Hạt Kiểm lâm thế nào trong vụ việc rừng Chiềng Khừa bị lâm tặc tàn phá? Ông Phong cho biết, đối với vấn đề này, cơ quan Kiểm lâm không can thiệp được chỉ có trách nhiệm báo cáo lại cho cấp ủy, chính quyền để họ giải quyết, để làm tốt công tác ngăn chặn và bảo vệ rừng, cần phải có sự phối hợp đồng bộ, quan trọng nhất vẫn là ý thức của người dân trong Chiềng Khừa.
"Hiện tại thì cơ quan kiểm lâm cũng đang phối hợp với các ngành tiến hành khởi tố 2 vụ việc một vụ phá gần 1 ha rừng đối tượng là Thào A Da và một vụ cháy rừng hơn 5 ha. Thế nhưng việc nói là khởi tố nhưng còn gặp nhiều khúc mắc còn nhiều phức tạp" - ông Phong nói.
Mặc dù rừng Chiềng Khừa đang "chảy máu" kêu cứu thảm thiết, thế nhưng, với cách trả lời của Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Mộc Châu - Đào Mạnh Phong có thể hiểu được tại sao lâm tặc lại có thể ngang nhiên tàn phá rừng như vậy!
Kiểm lâm là Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, trách nhiệm, quyền hạn và nghĩa vụ của lực lượng Kiểm lâm được quy định rõ trong Nghị định 01/2019/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản, quy định pháp luật. Thế nhưng, dường như Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Mộc Châu "quên" mất những quy định này và cả trách nhiệm của bản thân người lãnh đạo và Kiểm lâm khi để lâm tặc ngang nhiên phá rừng trong thời gian dài.
Sau loạt bài "
Lâm tặc tàn phá rừng Chiềng Khừa Sơn La" Kiểm lâm có thừa nhận tại khu vực 19 cây gỗ nghiến và dòng suối cạn trong rừng Chiềng Khừa mà PV thâm nhập, ghi nhận có tình trạng phá rừng. Tuy nhiên, thực tế mà PV ghi nhận thì đó chỉ là 1 trong rất nhiều điểm mà lâm tặc đã và đang ngang nhiên đốn cây lấy gỗ.
Trả lời câu hỏi của PV về việc còn địa điểm, vị trí nào mà lâm tặc phá rừng hay không? ông Phong chống chế: “Trong rừng, để tìm một cây gỗ bị đốn hạ thì rừng ở đâu cũng có, có thể chúng tôi chưa nắm được chúng tôi có thể phối hợp với PV để nắm bắt thông tin. Lực lượng mỏng nên không nắm bắt được hết."
Một cách đổ lỗi trách nhiệm thật nực cười của Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Mộc Châu. Dù vậy, PV vẫn cung cấp thêm cho Kiểm lâm những hình ảnh cây rừng bị lâm tặc đốn hạ, xẻ thành ván, gỗ ngổn ngang ở nhiều địa điểm khác.
|
Những công trường xẻ gỗ công khai mọc lên giữa rừng Chiềng Khừa. |
"Trách nhiệm cũng thuộc về Kiểm lâm"!
Ông Lương Ngọc Hoan, Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm tỉnh Sơn La cho biết: “Việc quản lý và bảo vệ rừng chủ yếu là do chủ rừng và người dân người ta tự quản lý. Còn chúng tôi chỉ thực hiện việc tuyên truyền và vận động đến người dân làm tốt công tác quản lý và bảo vệ rừng.
Về xử lý hành vi vi phạm thì lực lượng kiểm lâm rất là mỏng không thể trực tiếp ở địa bàn được. Xã Chiềng Khừa thì rộng, địa hình thì phức tạp. Thế nhưng, để xảy ra sự việc như này trách nhiệm cũng thuộc kiểm lâm chúng tôi, ngoài trách nhiệm của chính quyền địa phương. Việc tuyên truyền vận động “làm mãi” rồi nhưng vẫn bị hạn chế”.
|
Gỗ được xếp ngay trong thôn bản. |
Sau khi cung cấp những hình ảnh và video mà nhóm PV Kiến Thức đã thu thập được trong quá trình điều tra độc lập chứng minh sự ngang nhiên phá hoại rừng của lâm tặc đã diễn ra trong một thời gian dài.
Ông Lương Ngọc Hoan nói: “Quan điểm về phía Chi cục rõ ràng, sai đến đâu thì xử lý đến đấy, cũng như ai sai người phải chịu trách nhiệm. Còn về sự việc phá rừng khai thác gỗ ở Chiềng Khừa, ngoài lực lượng của Hạt kiểm lâm đã làm thì chúng tôi sẽ tiếp tục cử một tổ công tác xuống địa bàn tiếp tục kiểm tra, đánh giá và xử lý.
Đồng thời, đề nghị huyện Mộc Châu phối hợp với các bên liên quan tiếp tục tuyên truyền, vận động. Ngoài tuyên truyền vận động thì phải xử lý những “đối tượng” sai. Cán bộ sai thì xử lý cán bộ, dân sai thì xử lý dân theo đúng quy định của pháp luật”.
|
Rừng Chiềng Khừa "chảy máu", bị lâm tặc khai thác ngang nhiên trong thời gian dài, nhưng Kiểm lâm Mộc Châu né tránh, đổ lỗi trách nhiệm. |
Sau 2 buổi làm việc với cả Chi cục Kiểm lâm Sơn La, và Hạt Kiểm lâm Mộc Châu, PV thực sự thất vọng với thái độ buông lỏng quản lý, đổ lỗi trách nhiệm trong vụ việc rừng Chiềng Khừa bị tàn phá.
Những điểm mà PV phát hiện, ghi nhận không khó để tìm ra, hơn nữa, sự việc đã diễn ra trong thời gian dài chứ không còn là tự phát. Kiểm lâm biết, chính quyền cũng không thể không biết khi gỗ đã và đang chất đống trong rừng và ngay cả ở các bản thuộc xã Chiềng Khừa, Mường Sang...
Sau một loạt bài báo và nhiều lần liên hệ, cung cấp thông tin, tư liệu, PV đề nghị lực lượng kiểm lâm kiểm tra tình hình, đánh giá thực tế, thậm chí phối hợp với PV Kiến Thức đi cùng đoàn để có thể chỉ những địa điểm mà PV phát hiện, thu thập được, nhưng tất cả vẫn đang rơi vào im lặng.
Trong khi đó, những cánh rừng tại Chiềng Khừa vẫn tiếp tục bị tàn phá không thương tiếc. "Rừng vẫn chảy máu và kêu cứu", cá nhân, đơn vị nào sẽ chịu trách nhiệm?
Kiến Thức sẽ tiếp tục thông tin.
Mùi Sơn - Minh Hải