Kỷ luật bãi nhiệm cán bộ can thiệp, bao che vi phạm hành chính

Google News

Từ ngày 15/6/2025, 20 hành vi vi phạm trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính (VPHC) sẽ có hiệu lực, Trong đó, cán bộ can thiệp trái phép vào việc xử lý VPHC có thể bị mức kỷ luật bãi nhiệm.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 93/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 19/2020/NĐ-CP về kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Nghị định số 93/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/6/2025.
Theo Nghị định số 93/2025/NĐ-CP, có 20 hành vi vi phạm trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính (Nghị định số 19/2020/NĐ-CP quy định 19 hành vi vi phạm). Cụ thể:
Giữ lại vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm; giả mạo, làm sai lệch hồ sơ xử phạt; sách nhiễu, nhận tiền, tài sản của đối tượng vi phạm; can thiệp trái pháp luật vào việc xử lý vi phạm hành chính.
Ky luat bai nhiem can bo can thiep, bao che vi pham hanh chinh
Chính phủ sửa quy định về kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Ảnh: TTXVN.
Không lập biên bản khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính theo quy định; lập biên bản vi phạm không đúng thẩm quyền, không đúng hành vi, không đúng đối tượng; vi phạm thời hạn lập biên bản hoặc ra quyết định xử phạt.
Không ra quyết định xử phạt, không áp dụng biện pháp xử lý hành chính theo quy định, hoặc không tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm; xác định không đúng hành vi vi phạm; không kịp thời sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, ban hành quyết định mới khi phát hiện có sai sót,…
Đáng chú ý, nghị định bổ sung thêm hình thức bãi nhiệm để xử lý cán bộ có vi phạm các hành vi được nêu trên.
Trước đó, Nghị định 19/2020 chỉ quy định 6 hình thức xử lý cán bộ, công chức có hành vi vi phạm trong thi hành pháp luật về xử lý VPHC gồm: khiển trách; cảnh cáo; hạ bậc lượng; giáng chức; cách chức; buộc thôi việc.
Nghị định số 93/2025/NĐ-CP cũng sửa đổi, bổ sung các quy định về hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc.
Đặc biệt, Nghị định số 93/2025/NĐ-CP bổ sung thêm hình thức kỷ luật bãi nhiệm.
Nghị định nêu rõ: "Hình thức kỷ luật bãi nhiệm áp dụng đối với cán bộ thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 29 của Nghị định này."
Theo khoản 2 Điều 29 Nghị định số 19/2020/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 93/2025/NĐ-CP, hình thức kỷ luật buộc thôi việc áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý vi phạm thuộc một trong các trường hợp sau đây:
Đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 28 của Nghị định này mà tái phạm; Vi phạm lần đầu, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 24 của Nghị định này.
Khoản 1 Điều 24 Nghị định số 19/2020/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 93/2025/NĐ-CP nêu rõ: Hình thức kỷ luật khiển trách áp dụng đối với cán bộ, công chức vi phạm lần đầu, gây hậu quả ít nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp sau đây:
Vi phạm quy định tại các khoản 1, 3, 6, 7, 9, 10, 13, 14, 15, 18 và 20 Điều 22 của Nghị định này; Không kịp thời sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, ban hành quyết định mới trong xử phạt vi phạm hành chính khi phát hiện có sai sót, vi phạm. Thực hiện không đầy đủ, chính xác kết luận kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Bình Nguyên