Trong suốt 9 năm trên cương vị Thủ tướng, ông Phan Văn Khải đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng đối với đổi mới, hội nhập kinh tế Việt Nam với nhiều quyết sách quan trọng. Đáng chú ý trong đó, ông Phan Văn Khải được xem là người dẫn dắt kinh tế Việt Nam qua khủng hoảng lịch sử của tài chính châu Á ngay trong những năm đầu nhậm chức Thủ tướng Chính phủ.
Cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính châu Á ảnh hưởng thế nào đến kinh tế Việt Nam?
Tháng 9/1997, tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa X, ông Phan Văn Khải được bầu làm Thủ tướng Chính phủ trong bối cảnh Việt Nam đang trên đà phát triển và mở cửa hội nhập thì xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ khu vực. Cuộc khủng hoảng này bắt đầu từ Thái Lan lan sang Hàn Quốc, Indonesia,...diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam.
Cuộc khủng tài chính châu Á bắt đầu từ tháng 7/1997 ở Thái Lan rồi ảnh hưởng đến các thị trường chứng khoán, trung tâm tiền tệ lớn, và giá cả của những tài sản khác ở vài nước châu Á, nhiều quốc gia trong đó được coi như là "những con Hổ Đông Á". Cuộc khủng hoảng này còn thường được gọi là Khủng hoảng tiền tệ châu Á.
|
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải được xem là người dẫn dắt kinh tế Việt Nam qua khủng hoảng kinh tế. Ảnh: Baogiaothong.
|
Indonesia, Hàn Quốc và Thái Lan là những nước bị ảnh hưởng mạnh nhất bởi cuộc khủng hoảng này. Hồng Kông, Malaysia, Lào, Philippines cũng bị ảnh hưởng bởi sự sụt giá. Thậm chí cuộc khủng hoảng lan truyền toàn cầu và gây nên sự khủng hoảng tài chính trên toàn cầu, với những tác động lớn lan rộng đến cả các nước như Nga, Brasil và Hoa Kỳ.
Do tác động của cuộc khủng hoảng, Do tác động của cuộc khủng hoảng, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang ở mức cao trong thời kỳ 1995-1997, thì đến năm 1998 chỉ tăng 5,76%, năm 1999 chỉ tăng 4,77%. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký, nếu năm 1995 đạt trên 6,9 tỷ USD, năm 1996 đạt gần 10,2 tỷ USD, thì năm 1997 còn gần 5,6 tỷ USD, năm 1998 còn gần 5,1 tỷ USD, năm 1999 còn gần 2,6 tỷ USD.
Lạm phát nếu năm 1996 ở mức 4,5%, năm 1997 ở mức 3,6%, thì năm 1998 lên mức 9,2%. Giá USD nếu năm 1995 giảm 0,6%, 1996 tăng 1,2%, thì năm 1997 tăng 14,2%, năm 1998 tăng 9,6%,... Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu năm 1996 ở mức 33,2%, năm 1997 ở mức 26,6%, đến năm 1998 chỉ còn 1,9%. Nhập khẩu nếu năm 1996 còn tăng 36,6%, thì năm 1997 chỉ còn tăng 4% và năm 1998 giảm 0,8%, năm 1999 chỉ tăng 2,1%.
Do độ mở của kinh tế Việt Nam lúc này chưa cao (xuất khẩu so với GDP mới đạt 30%, đồng tiền chưa chuyển đổi), do đã có dầu thô, gạo, xuất khẩu với khối lượng lớn, do có sự chủ động ứng phó từ trong nước, nên Việt Nam đã không bị cuốn hút vào vòng xoáy của cuộc khủng hoảng này và dần dần đã vượt qua.Một phần lớn nhờ những quyết sách đúng đắn dưới thời Thủ tướng Phan Văn Khải.
Những quyết sách lịch sử thay đổi một nền kinh tế
Để ứng phó với cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, khi đó, Chính phủ do Thủ tướng Phan Văn Khải đứng đầu đã nỗ lực đưa ra các giải pháp giải quyết khủng hoảng để nó không lan rộng. Từ những chỉ đạo của Đảng, Chính phủ mà đứng đầu là nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, đã làm được những việc quan trọng khi đưa ra biện pháp tạm thời và có chiều sâu tiếp đó đã giúp giữ được nền kinh tế của Việt Nam lúc ấy dù tăng trưởng thấp 4,8% nhưng vẫn là tăng trưởng tốt, không chịu ảnh hưởng xấu như các nước: Hàn Quốc, Thái Lan…
Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh (chuyên gia kinh tế - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương -Bộ Kế hoạch và Đầu tư) trả lời trên báo Lao Động cho biết, thời điểm đó, Thủ tướng Phan Văn Khải đã chỉ đạo bảo đảm ổn định tài chính - tiền tệ, tạo điều kiện cho nền kinh tế Việt Nam cơ bản ổn định và tiếp tục tăng trưởng, tuy ở mức thấp.
Dấu ấn đậm nét tại thời điểm này là nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải và đã trình ra Quốc hội Luật Doanh nghiệp 1999 và tổ chức thực hiện, giải phóng kinh tế tư nhân, phát huy sự năng động sáng tạo của người dân và cải cách bộ máy nhà nước. Đây là bước cải tiến mạnh mẽ, nếu trước đó, phải cần Chủ tịch tỉnh, thành phố xét duyệt và ký mới thành lập được doanh nghiệp tư nhân thì theo Luật Doanh nghiệp 1999, công dân có quyền đăng ký hoạt động kinh doanh trong tất cả những ngành nghề mà pháp luật không cấm.
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải cũng đã ký bãi bỏ 268 giấy phép con, giảm đáng kể các thủ tục phiền hà không cần thiết, cắt giảm chi phí về thời gian và tiền bạc đối với doanh nghiệp. Bước đột phá đó đã góp phần tạo việc làm cho người dân, nâng cao tăng trưởng của nền kinh tế.
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải cũng đi đầu trong việc trực tiếp gặp doanh nghiệp, lắng nghe ý kiến và đối thoại với doanh nghiệp, tăng thêm niềm tin của doanh nghiệp vào Chính phủ.
Cũng trên báo Lao Động, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết (nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội) cho biết, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải có chuyên môn sâu rộng, chắc chắn và mỗi quyết sách của ông đưa ra đều rất cẩn trọng, giúp kinh tế Việt Nam bình an thoát khỏi khủng hoảng kinh tế Châu Á.
“Việc xây dựng Tập đoàn kinh tế Nhà nước thời kỳ nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải được tính toán rất kỹ và mới chỉ cho thí điểm chứ không mở rộng. Vì thế, đã tránh được nhiều rủi ro cho kinh tế chung, kinh tế Nhà nước”, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết nói.
Còn trên tờ Vietnamnet, ông Trần Đức Nguyên, nguyên Trưởng ban Nghiên cứu của Thủ tướng, cũng cho hay, năm 1997, ngay sau khi nhậm chức ông Phan Văn Khải đã tổ chức 3 cuộc gặp gỡ với doanh nhân tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, với thành phần chủ yếu là DN tư nhân.
Ngay sau đó, ông đã chỉ đạo đẩy mạnh làm Luật Doanh nghiệp. Việc xây dựng Luật dựa trên 2 tư tưởng cơ bản: Một là, người dân được làm mọi cái luật pháp không cấm, còn luật pháp cấm cái gì thì nói rõ ra trong luật; Hai là, chuyển từ tiền kiểm là chính sang hậu kiểm là chính.
“Ông Phan Văn Khải rút ra hai điểm quan trọng nữa: Đó là phải ổn định kinh tế vĩ mô, đầu tiên là ổn định chỉ số giá tiêu dùng, tiếp nữa là tỷ giá. Để làm được điều này cũng phải dựa trên việc tránh thâm hụt ngân sách, không thể để tỷ lệ nợ công cao, nợ xấu nhiều sẽ làm cho nền kinh tế không thể ổn định được. Hơn nữa, Nhà nước phải xây dựng kết cấu hạ tầng, đặc biệt về điện, đường sá vì DN không thể làm được. Thời ông Khải làm Thủ tướng, các dự án lớn đóng góp nhiều vào sự phát triển là dự án khí điện Đạm Phú Mỹ, thủy điện Sơn La, cải thiện nâng cấp các con đường,...”, ông Trần Đức Nguyên cho hay.
Ông Trần Đức Nguyên cũng bổ sung chi tiết ông Phan Văn Khải là người rất quan tâm đến nông nghiệp, nông thôn, nông dân, đặc biệt là người nghèo.
Nhờ những quyết sách đúng đắn, trong suốt thời gian giữ cương vị Thủ tướng của ông (1997-2006), bình quân tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam là cao nhất và ổn định nhất (trung bình 7%/năm). Nền kinh tế vừa giữ được tốc độ tăng trưởng cao, đảm bảo được ổn định vĩ mô, vừa tạo được nhiều nhân tố mới cho tăng trưởng; tỷ lệ nợ công luôn đạt dưới 50% GDP.
Ngoài ra, Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải còn là người có công lớn trong việc thúc đẩy hội nhập quốc tế. Ông cùng tập thể các nhà lãnh đạo Việt Nam xây dựng một chiến lược hội nhập và phát triển kinh tế của Việt Nam sau giai đoạn Việt Nam bình thường hoá quan hệ với các nước lớn, gia nhập ASEAN.
H.N (Tổng hợp)