Cuộc đời và sự nghiệp của Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải

Google News

(Kiến Thức) - Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng đối với việc đổi mới hội nhập kinh tế của Việt Nam. Ông đã có nhiều cống hiến cho đất nước…

Trên cương vị Thủ tướng, Nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng đối với việc đổi mới hội nhập kinh tế của Việt Nam. Ông được xem là người đã dẫn dắt Việt Nam qua khủng hoảng, đạt tăng trưởng GDP trung bình 7% trong gần 9 năm lãnh đạo.
Tiểu sử cuộc đời Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải tham gia phong trào cách mạng từ rất sớm và vào Đảng năm 26 tuổi. Giai đoạn từ năm 1947 đến năm 1954, ông tham gia phong trào kháng chiến chống Pháp tại miền Nam. Sau đó, ông tập kết ra miền Bắc, làm công tác nông thôn (giai đoạn 1954 – 1960) và học tại Trường ĐH Kinh tế tại Matxcơva (Liên Xô trước đây) – giai đoạn 1960 -1965.
Từ năm 1965 đến năm 1972, ông tham gia công tác tại Ủy ban Kế hoạch Nhà nước. Sau đó, công tác tại Ủy ban Thống nhất của Chính Phủ.
 Cố Thủ tướng Phan Văn Khải. Ảnh: Tuổi trẻ.
Giai đoạn từ năm 1976 -1978, ông là Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch TP.HCM và Ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Đảng bộ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân, kiêm chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch TP.HCM (1979 -6/1985). Ông đảm nhiệm chức vụ Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM trong giai đoạn 7/1985 -8/1989).
Từ tháng 3/1989 đến tháng 8/1991, ông đảm nhiệm chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban kế hoạch Nhà nước. Trong thời gian này ông được bầu làm Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng tại kỳ họp QH lần thứ 9, Quốc hội khóa VIII. Tháng 3/1982 ông được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương.
Năm 1984, ông Phan Văn Khải được bầu làm Ủy viên chính thức Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Được bầu làm Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và được Ban chấp hành trung ương bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị tại Đại hội VII và VIII.
 Tiểu sử nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải. Nguồn Zing.vn
Ông Phan Văn Khải được bầu làm Phó Thủ tướng Chính phủ vào tháng 9/1992 và được bầu làm Thủ tướng Chính phủ tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa X vào tháng 9/1997. Ngày 25/7/2002, ông được tái bầu cử làm Thủ tướng Chính phủ tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XI.
Những dấu ấn đặc biệt của Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải
Nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải là một trong những nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước ở chặng đường đầu của công cuộc Đổi mới - phát triển đất nước, người được đánh giá là đã tích cực và quyết tâm xây dựng thể chế theo tinh thần đổi mới, phát huy khả năng của mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân, đi đôi với mở cửa, hội nhập quốc tế.
Trên cương vị Thủ tướng, Nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng đối với việc đổi mới hội nhập kinh tế của Việt Nam. Ông được xem là người đã dẫn dắt Việt Nam qua khủng hoảng, đạt tăng trưởng GDP trung bình 7% trong gần 9 năm lãnh đạo.
Hai nhiệm kỳ giữ cương vị Thủ tướng, ông Phan Văn Khải đã góp phần xây dựng những luật căn bản trong thời kỳ đầu của quá trình đổi mới và mở cửa được xây dựng và được đánh dấu bằng việc ban hành Luật doanh nghiệp 1999 được đánh giá là bước tiến làm thay đổi đất nước khi xóa bỏ những rào cản đối với quyền tự do kinh doanh của người dân, mở đường cho khu vực doanh nghiệp tư nhân tìm được chỗ đứng xứng đáng trong nền kinh tế, bãi bỏ hàng trăm loại "giấy phép mẹ", "giấy phép con", trải qua nhiều vòng đàm phán gay go trong tiến trình Việt Nam gia nhập WTO...
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã để lại những dấu ấn lớn về công tác đối ngoại. Đặc biệt là chuyến thăm lịch sử đến Mỹ (từ 20 đến 25/6/2005) và là lãnh đạo cấp cao đầu tiên của nước CHXHCN Việt Nam thăm chính thức Hoa Kỳ kể từ năm 1975. Chuyến thăm này có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ.
 Thủ tướng Phan Văn Khải hội kiến Tổng thống George W. Bush tại Nhà Trắng trong chuyến thăm lịch sử đến Mỹ năm 2005. Ảnh: Getty.
Thủ tướng Phan Văn Khải khi đó đã hội kiến với Tổng thống George W. Bush, gặp gỡ đại diện chính giới và doanh nghiệp Mỹ, chuyển đến các bạn Hoa Kỳ thông điệp thúc đẩy hợp tác thương mại Việt - Mỹ.
Tâm điểm của cuộc chiến chống tham nhũng trong giai đoạn ông làm Thủ tướng chính là vụ án "cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "tham ô tài sản" của Bùi Tiến Dũng và thuộc cấp tại ban quản lý các dự án thuộc Bộ Giao thông vận tải - vụ PMU 18.
Ngày 16/6/2006, Thủ tướng Phan Văn Khải đã có bài phát biểu cuối cùng trước Quốc hội, bày tỏ mong muốn từ nhiệm sớm 1 năm trước khi kết thúc nhiệm kỳ thứ 2 do tuổi cao.
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải - người đứng đầu Chính phủ từ năm 1997 đến năm 2006 - qua đời tại TP HCM ngày 17/3/2018, hưởng thọ 85 tuổi.
Hải Ninh