Kiểm toán các nguồn lực chống COVID-19: Ai sẽ lo lắng?

Google News

“Các nguồn lực được huy động chống dịch COVID-19... rất lớn từ ngân sách và nguồn đóng góp của các doanh nghiệp, người dân để mua trang thiết bị y tế, vắc xin… Do đó, chúng ta cần phải thanh tra, kiểm toán” - đại biểu Hòa nêu ý kiến.

Tại phiên họp thứ ba của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sáng 14/9 bàn về kế hoạch kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước năm 2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã gợi ý cần chú trọng thêm kiểm toán nguồn lực phòng, chống COVID-19.
Theo ông Vương Đình Huệ, Việt Nam nước nghèo, tập trung nhân lực, vật lực chống dịch là đúng nhưng phải tiết kiệm, đúng mục tiêu, hiệu quả. Phòng, chống dịch COVID-19 là cuộc kháng chiến trường kỳ chứ không phải ngày một, ngày hai, nên sử dụng các nguồn lực cũng cần hiệu quả. Nguồn lực ở đây sẽ gồm cả nguồn lực nhà nước và các nguồn lực xã hội hóa.
Kiem toan cac nguon luc chong COVID-19: Ai se lo lang?
 Ảnh minh họa.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị đánh giá việc thực thi chính sách các gói hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, xem quy định có hợp lý không, tổ chức thực hiện thế nào, có đúng mục đích không?. “Vừa rồi sử dụng nguồn lực rất nhiều nhưng đối tượng nào được hưởng? Cách thức sử dụng và mục tiêu sử dụng thế nào? Chính sách rất ưu việt nhưng quá trình thực thi có thể có những chính sách chưa phù hợp hoàn toàn. Quá trình thực hiện có trục lợi chính sách hay không thì phải chỉ rõ ra”- ông Huệ nhấn mạnh.
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng, Quốc hội chỉ đạo trong giai đoạn này rất cần thiết trong phòng, chống dịch bệnh.
“Những gói hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân bị tác động bởi dịch COVID-19 rất quan trọng. Đây là vấn đề quan trọng mà Chính phủ lo cho người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên đến nay, các gói hỗ trợ đó chi chưa hết. Tùy từng địa phương, tùy nơi tùy lúc khi đánh giá vẫn còn bất cập, thậm chí còn có tiêu cực. Vì vậy cần thanh tra, kiểm toán làm cho rõ để trả lời cho người dân”- đại biểu Phạm Văn Hòa cho biết.
Bên cạnh đó, theo đại biểu Hòa, các nguồn lực được huy động chống dịch như mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế, vắc xin phòng dịch… rất lớn từ nguồn ngân sách và cũng có nguồn đóng góp từ các doanh nghiệp và người dân. Đặc biệt phần lớn, mua trang thiết bị y tế, vắc xin… chúng ta chọn nhà đầu tư, nhà thầu coi như chỉ định. Do đó, cần phải thanh tra, kiểm toán.
“Nguồn lực gồm tiền ngân sách và tiền xã hội hóa, cho nên kiểm toán làm rõ để có thể đúc rút kinh nghiệm để phát huy nhân tố tích cực trong phòng chống dịch, trong sử dụng nguồn ngân sách này một cách hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả.
Ngoài ra, phát hiện những sai sót, sai phạm thì phải xử lý. Bởi nguồn tiền này rất lớn để phòng chống dịch bệnh, không thể chấp nhận có tổ chức, cá nhân nào lợi dụng tình hình dịch bệnh để mưu cầu, lợi dụng chính sách pháp luật trục lợi từ mua trang thiết bị y tế hoặc các gói hỗ trợ cho các đối tượng bị tác động bởi dịch bệnh. Nếu có việc tham ô, tham nhũng cần phải xử lý nghiêm minh”- đại biểu Hòa nêu ý kiến.
Tiến sĩ - chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, tùy theo mục tiêu kiểm toán có thể kiểm toán tuân thủ, kiểm toán hoạt động và kiểm toán hiệu quả.
“Theo tôi, trong việc này sẽ có hai nội dung kiểm toán là kiểm toán về tuân thủ chấp hành và kiểm toán đánh giá về hiệu quả. Vấn đề kiểm toán để xem mục tiêu thế nào, tuân thủ đúng hay chưa và hiệu quả ra sao khi mức tiền chi như vậy đem lại hiệu quả đưa lại cho người dân và doanh nghiệp thế nào thì lại có một cách tính khác”- chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nêu ý kiến.
Báo cáo của Chính phủ cho thấy, tính đến ngày 22/7, ngân sách nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và chi cho công tác phòng chống COVID-19 trong năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021 là 168.800 tỷ đồng. Ngoài ra, Chính phủ đã được Quốc hội đồng ý dự phòng ngân sách trung ương năm 2021 thêm 14.620 tỷ đồng từ khoản cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách trung ương để chi cho các hoạt động chống COVID-19.
Bên cạnh đó, nguồn lực từ ngân sách, đóng góp của cá nhân, doanh nghiệp vào Quỹ vắc xin phòng COVID-19 đến 13/9 đạt 8.665 tỷ đồng. Theo Ban quản lý quỹ, quỹ này đã thanh toán 373 tỷ đồng mua vắc xin, còn lại 8.292 tỷ đồng được gửi kỳ hạn 1-3 tháng tại 4 ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước. Số tiền trên kết hợp với 25.000 tỷ đồng ngân sách nhà nước nhằm hiện thực hóa mục tiêu mua đủ 150 triệu liều tiêm cho 70% dân số cả nước.
>>> Mời độc giả xem thêm video Ký kết chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin NanoCovax:

Nguồn: VTV 1

Hải Ninh