Đây là kết quả nghiên cứu do BHXH Việt Nam với sự hỗ trợ của các chuyên gia Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam được công bố tại hội thảo “Kiểm soát việc sử dụng và chi tiêu đối với các thuốc do Quỹ bảo hiểm y tế chi trả” vừa tổ chức tại Hà Nội.
Chi tiêu về thuốc chiếm tỷ lệ lớn
Nhóm Nghiên cứu của BHXH Việt Nam và WHO tại Việt Nam đã thực hiện thu thập, phân tích dữ liệu về thanh toán chi phí thuốc BHYT trên cả nước trong 6 tháng đầu năm 2015, 6 tháng đầu năm 2016 (dựa theo quy mô, phân hạng bệnh viện, số lượt khám bệnh ngoại trú, nội trú, số ngày điều trị, tổng chi phí thuốc, tổng chi phí KCB). Đồng thời, tiến hành khảo sát, thống kê danh mục thuốc, giá thuốc, chi phí thuốc tại một số cơ sở KCB, và khảo sát việc thực hiện công tác giám định, kiểm soát chi phí thuốc thanh toán BHYT của cơ quan BHXH tỉnh tại 14 bệnh viện trên 6 tỉnh, thành phố, bao gồm: Hà Nội, Lạng Sơn, Đồng Nai, Bình Dương, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, TP.HCM.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, ở Việt Nam, chi tiêu về thuốc chiếm tỷ lệ lớn trong tổng chi cho y tế. Tỷ lệ chi cho thuốc trên tổng chi KCB nói chung và KCB BHYT nói riêng đều cao hơn so với các quốc gia có điều kiện tương đồng về kinh tế - xã hội.
|
Ảnh minh họa. |
Theo đó, tổng chi cho thuốc từ Quỹ BHYT năm 2015 là 26.132 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 48,3%; năm 2016 là 31.5419 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 41%.
Trong đó, chi phí thuốc của 5 bệnh viện được xếp hạng loại đặc biệt (gồm các bệnh viện: Bạch Mai, Trung ương Huế, Chợ Rẫy, 108, Việt Đức) chiếm 11% tổng chi phí thuốc BHYT của cả nước trong năm 2015.
So sánh danh mục thuốc tân dược thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT tại Việt Nam với danh mục thuốc chi trả BHYT tại một số nước như Philippines, Thái Lan, và danh mục thuốc thiết yếu của WHO cho thấy, danh mục thuốc chi trả từ Quỹ BHYT tại Việt Nam khá rộng.
Tại Việt Nam, tổng số các loại thuốc theo danh mục quy định tại Thông tư số 40/2014/TT-BYT của Bộ Y tế là 1.064 thuốc. Trong khi đó, danh mục này tại Thái Lan là 765 thuốc (Việt Nam nhiều hơn 299 thuốc), tại Philippines là 186 thuốc (Việt Nam nhiều hơn 878 thuốc), theo danh mục thuốc Thiết yếu của WHO là 454 thuốc (Việt Nam nhiều hơn 610 thuốc).
Theo kết quả nghiên cứu, về cơ bản, chi phí thuốc BHYT được chi trả đầy đủ theo các nhóm dược lý quy định tại Thông tư số 40 của Bộ Y tế, đảm bảo yêu cầu điều trị.
Phân tích theo cơ cấu sử dụng thuốc theo nhóm tác dụng dược lý cũng chỉ ra rằng, chi phí thuốc BHYT phần lớn tập trung vào 20 nhóm thuốc chính (chiếm 86% tổng chi phí thuốc BHYT chi trả năm 2016).
Trong đó, chiếm chi phí cao nhất lần lượt là các nhóm thuốc: Kháng sinh; ung thư; điều trị tăng huyết áp; vitamin và khoáng chất.
“Qua so sánh chi phí sử dụng trong 2 năm 2015 và 2016, một số nhóm thuốc có chi phí sử dụng năm 2016 gia tăng hơn 30% so với năm 2015: Chi phí nhóm thuốc điều trị ung thư tăng 62% so với năm 2015, nhóm thuốc insulin và thuốc hạ đường huyết tăng 38%, nhóm thuốc kháng acid và thuốc chống loét tăng nhiều nhất là 183% so với năm 2015”- báo cáo nêu rõ.
Kiểm soát và lựa chọn danh mục thuốc
Nghiên cứu của nhóm các chuyên gia BHXH Việt Nam và WHO cũng cho thấy, danh mục thuốc BHYT hiện nay của Việt Nam là danh mục theo tên hoạt chất, không quy định theo tên biệt dược, không quy định nồng độ, hàm lượng, dạng bào chế cụ thể như danh mục của nhiều nước. Do đó, khó có thể kiểm soát chặt chẽ về chất lượng, giá cả các thuốc thực tế sử dụng tại cơ sở KCB.
Mặt khác, hiện còn có tình trạng một số công ty, nhà sản xuất sản xuất nhiều loại thuốc ít có tính cạnh tranh, đặc biệt là hàm lượng và dạng bào chế, dễ dẫn đến việc đấu thầu, mua sắm thiếu công bằng.
Chuyên gia WHO tại Việt Nam cho rằng, tại Việt Nam, tỷ lệ chi cho thuốc chiếm tỷ lệ quá lớn so với tổng chi của quỹ BHYT sẽ không chỉ ảnh hưởng tới tình hình cân đối chi của quỹ BHYT, mà còn ảnh hưởng tới cả phần tự chi trả của người bệnh.
Vì vậy, việc rà soát và hoàn thiện lại danh mục thuốc BHYT cho phù hợp với khả năng chi trả của quỹ BHYT là việc hết sức quan trọng.
Từ thực trạng trên, các chuyên gia của BHXH Việt Nam đã đề xuất các biện pháp để kiểm soát giá, lựa chọn và sử dụng hợp lý, hiệu quả đối với các thuốc, đặc biệt là thuốc kháng sinh được chi trả BHYT.
Trong đó, kiến nghị Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung danh mục thuốc BHYT phù hợp với khả năng chi trả của Quỹ BHYT; Loại khỏi danh mục các thuốc có tác dụng hỗ trợ điều trị; bổ sung giới hạn chỉ định và tỷ lệ thanh toán đối với các thuốc có chỉ định rộng rãi.
Đối với các thuốc đã có khuyến cáo về hiệu quả điều trị chưa rõ ràng đề nghị xem xét loại khỏi danh mục thanh toán BHYT.
Đối với nhóm thuốc có chi phí lớn như thuốc ung thư: cần xem xét lại tỷ lệ chi trả hợp lý. Ban hành mã thuốc thống nhất dùng chung trên phạm vi toàn quốc, giúp thuận tiện trong công tác thống kê tổng hợp giữa cơ sở khám, chữa bệnh và cơ quan BHXH.
Thực hiện đấu thầu tập trung đối với các thuốc sử dụng nhiều, chi phí lớn (hiện nay danh mục đấu thầu tập trung của Bộ Y tế mới chỉ có 5 loại thuốc)...
Theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Minh Thảo, hiện nay, việc kiểm soát chi phí khám, chữa bệnh BHYT gặp rất nhiều khó khăn, qua thống kê cho thấy rõ, chi phí thuốc chiếm tỷ trọng tương đối trong tổng chi phí thanh toán khám, chữa bệnh BHYT. Do đó yêu cầu kiểm soát chi phí thuốc BHYT là rất lớn.
Những số liệu mà nhóm nghiên cứu của BHXH Việt Nam đưa ra sẽ là cơ sở quan trọng có tính khái quát, giá trị khoa học cao, để các cơ quan quản lý xem xét điều chỉnh các quy định pháp lý, tăng cường chỉ đạo điều hành, qua đó khắc phục những hạn chế đang còn tồn tại về sử dụng thuốc và chi phí thanh toán thuốc BHYT, bảo đảm phát triển BHYT, cân bằng Quỹ khám, chữa bệnh BHYT bền vững hơn.
Theo Hải Phương/ Đại Đoàn Kết