Theo BHXH Việt Nam, đến nay, tỷ lệ HSSV tham gia BHYT đã đạt 92,5%, tương ứng khoảng 15,9 triệu HSSV có thẻ BHYT, vẫn còn đến 7,5% số HSSV chưa tham gia BHYT.
Ông Vũ Mạnh Chữ - Phó Trưởng Ban Thu (BHXH VN) khẳng định: “Thực hiện BHYT không chỉ là quyền lợi và trách nhiệm công dân của mỗi HSSV mà còn thể hiện ý thức chấp hành pháp luật của những chủ nhân tương lai của đất nước, khẳng định vai trò của BHYT trong bối cảnh viện phí điều chỉnh theo hướng tính đúng, tính đủ”.
|
Bảo hiểm y tế mang tính chia sẻ và bắt buộc. |
Bước vào năm học 2017-2018, do có việc tăng lương cơ sở theo Nghị định số 47/2017/NĐ-CP từ ngày 01/7/2017 từ mức 1.210.000đ lên mức 1.300.000đ, nên mức đóng BHYT của HSSV cũng bị điều chỉnh tăng. Tuy nhiên, mức chênh lệch tăng thuộc phần trách nhiệm phải đóng của HSSV chỉ là 2.835 đồng/1HSSV/1 tháng.
Trong năm học 2017-2018, BHXH Việt Nam phấn đấu đạt tỷ lệ 100% HSSV tham gia BHYT. Tiếp tục thực hiện phương thức thu phí BHYT linh hoạt để giảm nhẹ số tiền đóng góp của phụ huynh học sinh vào đầu năm học, cụ thể: Đối với sinh viên mới nhập học, học sinh chuyển cấp, mới vào lớp 1 thực hiện thu phí BHYT học sinh sinh viên của những tháng còn lại năm 2017.
Đối với học sinh, sinh viên đã thực hiện thu theo năm tài chính thì tiếp tục thực hiện thu vào cuối năm 2017: cơ sở giáo dục thu tiền đóng phần thuộc trách nhiệm phải đóng của học sinh, sinh viên 6 tháng hoặc một năm một lần nộp vào quỹ BHYT. Chỉ thực hiện thu phí BHYT một lần nếu học sinh, sinh viên có nguyện vọng và tự nguyện đóng.
Ông Chữ cũng cho biết thêm, BHXH Việt Nam đề xuất sửa đổi một số nội dung quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật còn chưa phù hợp thực tế như: Trẻ em dưới 6 tuổi chuyển sang học sinh lớp 1 mà sinh vào các ngày trong tháng sau ngày 30/9 thì được sử dụng đến hết tháng của tháng đủ 72 tháng tuổi; học sinh lớp 12 được cấp thẻ BHYT đến 30/9 thay vì cấp thẻ đến 31/5 (kết thúc khóa học).
Kịp thời xét duyệt và trích, chuyển kinh phí thù lao thu BHYT học sinh, sinh viên, xác định và chuyển kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu cho các cơ sở giáo dục đủ điều kiện theo quy định.
Sở dĩ, vẫn còn tình trạng học sinh sinh viên chưa tham gia BHYT, theo BHXH Việt Nam, là do nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế về chính sách BHYT nói chung và BHYT đối với HSSV nói riêng, vẫn chưa nhận thức đầy đủ về chính sách bắt buộc tham gia BHYT của HSSV; Một số cơ sở giáo dục chưa nhận thức đầy đủ về trách nhiệm chỉ đạo triển khai BHYT học sinh tại các nhà trường, chưa quan tâm thích đáng đến công tác y tế trường học.
Một số cơ sở giáo dục bậc đại học, cao đẳng, chỉ liệt kê số tiền đóng BHYT học sinh, sinh viên vào các khoản thu đầu năm học mà thiếu đi công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật BHYT cho HSSV…/.
Theo Vũ Hạnh/VOV.VN