Không phải ai cũng cần mua sách giáo khoa đẹp

Google News

Theo đại biểu, cần phải có trợ giá của Nhà nước đối với sách giáo khoa, và cần đa dạng hóa sản phẩm đặc biệt này, không phải tất cả các sách đều phải in đẹp.

Giá sách tăng do đầu sách tăng

Chiều mùng 2/6, thảo luận tại hội trường liên quan đến sách giáo khoa, đại biểu Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) cho rằng, ngoài vấn đề giấy, mực thì còn một nguyên nhân nữa khiến giá sách giáo khoa bị đẩy lên, đó là số đầu sách trong từng mục sách tăng rất nhiều so với sách cũ.

Khong phai ai cung can mua sach giao khoa dep
 Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp). Ảnh: QH.

“Nguyên nhân khiến giá sách giáo khoa của các lớp tăng từ 2 đến 4 lần không phải chỉ vì chi phí tăng trên từng đầu sách mà là do số lượng đầu sách”, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa cho hay.

Theo đại biểu Nguyễn THị Mai Hoa, đối với các gia đình có nguồn thu nhập thấp thì việc mỗi năm học đến cần chi phí cho con em đi học là một gánh nặng. Điều đó đã được phản ánh rất nhiều.

Vì vậy, việc tuyên truyền cũng như có những giải pháp để tăng cường ý thức tiết kiệm, chống lãng phí trong việc mua sắm sách giáo khoa là một trong những giải pháp cần làm.

“Bộ GD&ĐT cần có quy định những sách nào là sách giáo khoa bắt buộc phải mua, những sách nào là sách tham khảo và cần cho phụ huynh quyền được lựa chọn mua những sách bắt buộc mà không phải mua những sách khác. Vì hiện nay phụ huynh chủ yếu là mua sách giáo khoa cho con qua các lớp, nên có những áp lực”, bà Hoa nói.

Ngoài ra, theo bà Hoa, đối với các trường ở miền núi cũng cần phải có ngân sách để đầu tư cho sách giáo khoa ở các thư viện, giúp cho những học sinh - con của các gia đình nghèo, dân tộc thiểu số có thể mượn sách mà không phải đi mua sách. Mặt khác, việc giáo dục ý thức tiết kiệm cho học sinh từ trên ghế nhà trường là điều cần phải thực hiện.

Cần có trợ giá để học sinh được mua sách giáo khoa rẻ nhất

Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống bên hành lang Quốc hội, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, khi doanh nghiệp in sách giáo khoa với chi phí lớn thì đương nhiên phải bán ra giá cao. Tuy nhiên, không phải phụ huynh nào cũng có thể mua được với giá này.

Khong phai ai cung can mua sach giao khoa dep-Hinh-2
Đại biểu Quốc hội trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống bên hành lang Quốc hội về vấn đề giá sách giáo khoa. Ảnh: Trung Hưng. 

Chính vì vậy, đề xuất phải có chính sách trợ giá sách giáo khoa, bình ổn giá là rất hợp lý.

Khi trợ giá sẽ đảm bảo được các doanh nghiệp không khai khống giá lên và vẫn đảm bảo bù đắp được các chi phí, có lợi nhuận cho doanh nghiệp. Từ đó, doanh nghiệp in được những cuốn sách tốt, có chất lượng cho người học. Và các em học sinh có thể mua được sách giáo khoa giá rẻ.

Tuy nhiên, sách giáo khoa là một sản phẩm hàng hóa rất đặc thù, không phải hàng hóa thông thường, không phải ai cũng có thể in, phát hành, bán sách giáo khoa cho nên phải tăng cường quản lý nhà nước đối với quá trình in, phát hành cũng như định giá sách giáo khoa.

“Những cơ quan quản lý giá phải kiểm tra, thanh tra những cơ sở in ấn sách giáo khoa, xem định giá của họ đã phù hợp hay chưa”, ông Cường nói.

Ngoài ra, theo ông Cường, cần phải đa dạng hóa các sản phẩm sách giáo khoa, tùy theo nhu cầu người dùng. Vì có những người chỉ cần mua sách in ở chất lượng vừa phải, giá rẻ.

Nên chia làm hai loại sách. Theo đó, với những sách dùng nhiều năm (như sách học) thì có thể in đẹp, chất lượng tốt. Nhưng cũng có những loại sách (như sách bài tập) học sinh có nhu cầu ngắn, thì chỉ in ở mức độ chất lượng vừa phải.

 “Tuy nhiên, về cơ bản nhất, vẫn phải có những quản lý chặt chẽ của Nhà nước và có những trợ giá để các học sinh có sản phẩm sách giáo khoa ở mức giá phù hợp”, ông Cường nói.

Mai Loan