Chồng về nhà im lặng, khen hàng xóm xinh đẹp… cũng là bạo lực gia đình
Chiều 31/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi).
Tại buổi thảo luận, các đại biểu cho rằng, bạo lực gia đình có thể diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau. Có những hành vi không nghĩ là bạo lực gia đình nhưng chính là biểu hiện của bạo lực khi gây ra những tổn thương, khủng hoảng tâm lý, tinh thần.
|
Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (đoàn Long An). Ảnh: QH. |
Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (đoàn Long An) cho rằng, chồng đi làm về nhưng im lặng, không nói gì cả, hoặc suốt ngày khen hàng xóm xinh đẹp, chu đáo; rồi "giận cá chém thớt", giận dỗi vô cớ... cũng là hành vi bạo lực gia đình.
“Những điều này làm cho đối tượng bị tác động khủng hoảng về mặt tâm lý", bà Dung nói.
Theo bà Dung, những hành vi này rất khó nhận biết nhưng cần đưa vào luật. Bởi văn hóa người Việt vốn “không muốn vạch áo cho người xem lưng” nên việc phòng chống bạo lực gia đình khó khả thi và hiệu quả.
Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cũng cho rằng, có thể bổ sung hành vi được coi là bạo lực gia đình trong Dự thảo Luật. Bởi bạo lực về thể xác hay kinh tế có thể nhận diện được ngay nhưng bạo lực về tinh thần không dễ nhận ra.
Dẫn câu chuyện thực tế đặt ra tính toán khi làm luật, Bộ trưởng Văn hóa đặt vấn đề: “Các bà vợ cứ bảo chồng phải đi làm cho thật nhiều tiền, rồi phải lên chức nọ chức kia, đấy có phải hình thức bạo lực không?”.
Bố mẹ khen, so sánh con với bạn cũng là bạo lực gia đình
Chung quan điểm cho rằng, bạo lực tinh thần gây tổn thương rất lớn, có thể âm ỉ cả đời, rất nguy hiểm, đại biểu Lê Minh Nam (Hậu Giang) dẫn ví dụ, bố mẹ đôi khi chỉ cần khen bạn của con, so sánh bạn của con cũng làm con bức xúc.
|
Đại biểu Lê Minh Nam (Hậu Giang). Ảnh: PV. |
Bố mẹ nghĩ rằng, làm như vậy với mong muốn con mình tích cực, tiến bộ hơn, cũng chỉ vì thương con, nhưng thực tế lại dẫn đến sự việc không tốt.
Đại biểu đoàn Hậu đề nghị ban soạn thảo quan tâm, nghiên cứu bổ sung thêm quy định về hành vi bạo lực gia đình làm tổn hại đến sức khỏe tinh thần, từ đó kiểm soát và điều chỉnh hết hành vi nguy hiểm này.
|
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Thoa (đoàn Hải Dương). Ảnh: PV. |
Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Thoa (đoàn Hải Dương) cho rằng, việc cha mẹ ép con học quá nhiều hoặc lăng nhục, chửi mắng khi con không đạt thành tích như kỳ vọng có thể được xem là bạo lực về tinh thần.
“Bởi từ những thúc ép của cha mẹ, sự kỳ vọng quá cao của cha mẹ, sẽ dẫn tới sự căng thẳng tâm lý, gây ra những áp lực đối với trẻ em, dần dần tích tụ. Đó có thể là nguyên nhân gây ra các bệnh về tinh thần, tâm lý như tình trạng trầm cảm hoặc các hành vi quá khích, tự tử”, đại biểu Thoa nhấn mạnh
Theo bà Thoa, Luật cần cụ thể hóa các hành vi bạo lực về tinh thần, trong đó có hành vi ép con học.
Mai Loan