Không có việc ép học sinh học yếu không đăng ký thi vào lớp 10

Google News

Sau xác minh, Phòng GD&ĐT kết luận không có việc một số trường ở Hà Nội ép học sinh lớp 9 học kém phải chuyển trường hoặc không đăng ký thi vào lớp 10.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ khẳng định như trên khi trả lời báo chí tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4 chiều 29/4.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, ngay sau khi được biết thông tin việc một số trường ở Hà Nội ép học sinh lớp 9 thành tích kém phải chuyển trường hoặc không đăng ký thi vào lớp 10, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo ngay Sở GD&ĐT rà soát, làm rõ thông tin này. Sở đã yêu cầu Phòng GD&ĐT xuống các trường này rà soát, làm việc với trường và phụ huynh học sinh liên quan. Sau khi xác minh, Phòng GD&ĐT đã kết luận là không có sự việc này.
“Những thông tin này có thể xuất phát từ việc tư vấn hướng nghiệp cho các em học sinh cuối cấp”, ông Độ nói.
Khong co viec ep hoc sinh hoc yeu khong dang ky thi vao lop 10
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ 
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, hiện UBND TP Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 08 về việc tăng cường chỉ đạo công tác tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6, lớp 10 năm học 2022-2023 đảm bảo chặt chẽ nghiêm túc, nếu phát hiện ra sai phạm sẽ xử lý kịp thời.
Về phía Bộ GD&ĐT, từ 28/12/2017, Bộ đã ban hành Công văn 6122 khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục, tăng cường quản lý thi cử. Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục ban hành các văn bản, đặc biệt sẽ triển khai nghiêm túc việc chống bệnh thành tích trong giáo dục.
Bộ cũng sẽ chỉ đạo các tỉnh, thành phố quản lý chặt chẽ, tổ chức thực chất các kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, xét tuyển vào THCS, THPT cũng như vấn đề thi tốt nghiệp. Đồng thời, Bộ GD&ĐT tiếp tục làm tốt công tác hướng nghiệp trong nhà trường, tránh không thực chất, làm hình thức dẫn đến việc thấy học sinh có thể chưa có kết quả tốt mà tư vấn chuyển trường này trường khác như sự việc vừa qua. Việc hướng nghiệp thực hiện theo Nghị quyết 29/TƯ sau năm 2020 hướng tới giáo dục bắt buộc 9 năm, đến lớp 10 sẽ phân bổ hướng nghiệp.
Cuối cùng, Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm nếu phát hiện sai phạm.
Bộ GD&ĐT sẽ tăng cương tư vấn giáo dục không để học sinh bị ảnh hưởng video như của Sơn Tùng:
Cũng tại cuộc họp báo, trả lời PV về video mới của Sơn Tùng đã bị Bộ TT&TT kết luận là gây tác động xấu tới giới trẻ và yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới gỡ video này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ đã nắm được việc này.
Thời gian vừa qua, các em học sinh phải học trực tuyến do dịch bệnh COVID-19 nhưng các em cũng vừa được đến trường, mới ổn định nề nếp. Có thể nói, công tác tư vấn trong nhà trường đã và đang được triển khai rất mạnh. Bộ đã chỉ đạo rà soát việc học tập trực tuyến của các em học sinh trong thời gian vừa qua, đồng thời, phát hiện những em học sinh có điều kiện học tập chưa thật tốt để tư vấn cho các em có điều kiện học tập tốt hơn. Bộ sẽ tiếp tục tăng cường công tác hướng nghiệp, tư vấn giáo dục tư tưởng cho các em để các em có đủ hiểu biết, không bị ảnh hưởng bởi những video clip kể trên.
>>> Mời độc giả xem thêm video Điều tra vụ nhóm học sinh đánh nhau vì mâu thuẫn trên Facebook:

Nguồn: ĐNRTV

Hải Ninh