Khmer đỏ - Chế độ tàn ác nhất trong lịch sử loài người

Google News

(Kiến Thức) - Nhân dân biên giới Tây Nam quá căm phẫn với tội ác ghê rợn của quân Khmer đỏ, đó là cái giá quá đắt cho những ngày bình yên nơi biên giới như hôm nay.

Chiến thắng chế độ diệt chủng Polpot là chiến thắng lịch sử và nhân dân Campuchia đã khép lại một trang sử đen tối, đau thương của dân tộc mình, thực hiện công cuộc hồi sinh đất nước và mở ra kỷ nguyên độc lập, hòa bình, tự do, phát triển. 

Thời gian trôi đi, nhưng vết thương và tội ác chiến tranh do tập đoàn Pol Pot Ieng Sary gây ra vẫn khó có thể phai mờ theo thời gian, chuyện về cuộc chiến đẫm máu từ 40 năm trước vẫn còn in đậm trong ký ức của nhiều người. Vượt qua nỗi đau trong quá khứ, người dân vùng biên ngày nay luôn chung sức, chung lòng phấn đấu xây dựng quê hương, bảo vệ biên giới thiêng liêng của Tổ quốc và vun đắp thêm tình đoàn kết hữu nghị truyền thống giữa hai dân tộc Việt Nam - Campuchia.

Khmer do - Che do tan ac nhat trong lich su loai nguoi
Nhân dân Campuchia và nhân loại tiến bộ trên thế giới sẽ không còn phải chứng kiến những cảnh tượng như thế này một lần nữa. Ảnh tư liệu

Kỳ 4 (Kỳ cuối): Ghi nhớ tội ác diệt chủng quân Polpot

Ở bia chứng tích thảm sát Tân Lập (Tân Biên, Tây Ninh), dưới bia có ghi: Nơi đây, nền trường tiểu học Tân Thành, 11 thầy cô giáo bị sát hại được chọn làm bia chứng tích ghi lại tội ác của quân Khmer Đỏ đối với nhân dân xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh.

Bia lập ngày 25/9/1999, gần đó có rải rác mấy ngôn mộ, cũng không ghi tên tuổi. Nghĩa là, phải hơn 20 năm sau sự kiện đẫm máu đó, tấm bia căm thù mới được dựng lên.

Hỏi mãi, tôi mới biết được có ông Phạm Văn Đắc là người còn sống sót và chứng kiến những cái chết thảm thương của các thầy cô giáo trường tiểu học Tân Thành. Ông Đắc sống cách trung tâm vụ thảm sát 6km, đêm đó kịp thời  chạy thoát. Bản thân ông vì quá khiếp sợ nên đã bỏ hẳn cả nghề buôn bán qua biên giới, chuyển về sinh sống ở xã Tân Phú, huyện Tân Châu, cách biên giới chừng 40 km.

Tìm đến nhà hỏi chuyện, ông Đắc cứ bần thần hết cả người, một lúc sau mới bình tĩnh kể lại. Ông bảo, 11 thầy cô giáo còn trẻ lắm, đều là những sinh viên mới ra trường, có cả người đang trong quá trình thực tập. Họ đều sinh sống ở Sài Gòn.

Khmer do - Che do tan ac nhat trong lich su loai nguoi-Hinh-2
 Ông Phạm Văn Đắc.

“Chưa ai quá 22 tuổi, gồm 9 cô và 2 thầy giáo, tất cả đều chưa lập gia đình, thậm chí người yêu còn chả có. Trước  họ ở nhờ trong nhà dân, mãi đến năm 1977, xã có phân cho cái nhà tập thể của bọn ngụy quyền Sài Gòn để lại, ngay cạnh trường hóc. Mới ở được 1 tuần, chưa kịp ổn định cuộc sống thì vụ tàn sát diễn ra, không một ai sống sót”, ông Đắc thở dài.

Đến gần sáng 25/9, bộ đội mới phá vây và tiến vào Tân Lập. Hai bên giao tranh ác liệt. Phải ba ngày sau khi quân Khmer Đỏ bị đánh bật về bên kia biên giới, ông Đắc cùng các chiến sỹ mới tìm được đến trường tiểu học Tân Thành. Lúc đó, chỉ còn lại đống đổ nát, cùng mùi tử khí bốc lên ngạt mũi.

Ông Đắc kinh hoàng trước những thảm cảnh đang diễn ra trước mắt mình. Ngay trước dãy tập thể,  bọn ác thú treo lủng lẳng đầu của 2 thầy giáo, còn thân mình thì nằm tít mãi phía sau dãy tập thể với hàng chục vết chém trên người. Nghe dân chạy loạn kể lại, thì với những người có ý định chống cự, Khmer Đỏ không dùng súng bắn, mà hành hình bằng cách lấy dao đâm rạch chi chit trên thân thể, rồi sau đó sẽ cắt đầu hoặc không dùng dùi cui đập đầu cho đến chết. Mục đích của chúng là muốn những người còn sống phải chứng kiến cảnh tượng khủng khiếp ngay trước mắt mình, họ phải bàng hoàng, đau đớn đến cùng cực, trước khi đến lượt mình.

Bên trong dãy tập thể, cô hiệu trưởng tên Lan cùng 6 cô giáo đều chết trong tình trạng cơ thể lõa lồ, mỗi người nằm vắt vẻo một nơi. Chỉ khác là sau khi bị cưỡng hiếp chán chê, bọn ác thú lấy chính cơ thể các cô ra làm trò tiêu khiển. Cô thì cửa mình bị nhét đầy đất đá, vết máu loang ra hết sàn nhà. Có cô thì bị chúng giáo mác đâm thẳng vào cửa mình, cô thì bị chúng rạch bụng, cô thì bị chặt đầu, chặt tay,vứt lăn lóc cùng với những thi thể khác.

Mãi sau, mọi người mới tìm thấy hết những thi thể của các giáo viên, người bị đá đè, người bị ném xuống giếng, chịu chung một số phận bi thảm.

Sau khi chôn cất 11 thầy cô giáo, một tấm bia nhỏ được dựng lên ngay trước nền trường tiểu học Tân Thành, đề dòng chữ: Hận thù này, nhân dân Tân Lập ghi nhớ suốt đời. Năm sau, một viên đạn pháo từ bên kia biên giới bay trúng vào vào tấm bia, tất cả bị san bằng bình địa. Mãi đến năm 1999, bia chứng tích tội ác Pol Pot mới được dựng trở lại trên những dấu tích cũ.

Khmer do - Che do tan ac nhat trong lich su loai nguoi-Hinh-3
Tội ác được ghi nhớ ở Tây Ninh.

Tân Lập hoang tàn sau trận thảm sát. Có những xác chết được người thân tìm đến mang đi chôn cất. Có những gia đình chết sạch cả nhà, những người sống sót đành ngậm ngùi đào hố chôn ngay tại chỗ. Những căn hầm chứa 16,17 người bị bọn ác thú ném mìn, ném lựu đạn xuống cho tan nát, họ chỉ còn biết đổ đất lấp kín, rồi đánh dấu ghi nhớ.

Trên mảnh đất này, chỉ còn những tiếng khóc la ai oán, tiếng khóc đau thương của những ai còn sống sót, nỗi căm hờn và uất ức của họ tưởng thấu tới tận trời xanh.

Kể chuyện với chúng tôi, rồi suốt cả những năm sau đó, thỉnh thoảng, ông Nguyễn Văn Hạnh lại thấy có người tìm đến những cánh rừng cao su. Họ mặc đồ trắng, đồ đen cũng có, cứ như mất hồn. Họ đi thất thểu, lúc thì kéo cả người thân về lập đàn thắp nhang khấn vái, lúc kéo nhị, lúc la hét, ai oán cả cánh rừng. Ông bảo, họ đi tìm lại thân nhân của mình, nhưng dấu tích đã bị tàn phá nặng nề bởi những cuộc giao tranh ác liệt giữa bộ  đội Việt Nam và bọn ác thú Khmer Đỏ sau cái đêm tàn sát kinh hoàng đấy. Gần như những cuộc tìm kiếm đều diễn ra trong vô vọng.

Ông Phạm Văn Cần, ông Phạm Văn Đắc, hai anh em ruột trong vụ thảm sát may mắn sống sót, nhưng bố mẹ, người thân mất sạch. Khi tôi hỏi đến, cả hai đau đớn khóc nức nở. Họ bảo rằng biết bố mẹ đang nằm lại ở cây số 39, ở mấy ngôi mộ, nhưng đó toàn là mộ tập thể, không phân biệt được đâu là người thân của mình, đành để nguyên như vậy chứ không dám cất bốc.

 “Hơn 40 năm rồi, cứ đến ngày 24,25 tháng 9, nếu có dịp nhà báo quay lại lần nữa, sẽ thấy suốt 1 dải biên giới Tây Ninh, sâu cả vào trong đất liền, chỗ nào cũng có giỗ. Cả những người mãi về sau mới chuyển về đây làm trang trại, buôn bán, đến ngày đó họ cũng làm lễ tưởng niệm. Đó là ngày ghi nhớ tội ác không đội trời chung của quân diệt chủng  Pol Pot với nhân dân Tân Lập”, ông Cần cho biết.

Bản thân ông Cần, ông Ba Hạnh, …hay bất cứ những người mà tôi đã gặp ở Tân Lập trong chuyến đi tìm hiểu về vụ thảm sát kinh hoàng đêm 24/9/1977, họ đều bảo rằng, nhân dân biên giới tây nam quá căm phẫn với tội ác ghê rợn của quân Khmer đỏ, đó là cái giá quá đắt cho những ngày bình yên nơi biên giới như hôm nay.

Thôi thì “gạn đục  khơi trong”, cuộc sống mới đã đâm chồi nảy lộc. Điều họ thỏa mãn là bọn diệt chủng Pol Pot đã bị tiêu diệt. Họ mong muốn rằng, câu chuyện này cần được để cho tất cả mọi người được biết, vì đó là lịch sử, một quãng thời gian đau đớn kinh hoàng của nhân dân Tân Lập,  nhắc nhở mọi người ý thức cảnh giác và là vành tang chung cho dân tộc Việt Nam và cả những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới. và đó cũng là bằng chứng đanh thép tố cáo tội ác của một trong những chế độ diệt chủng khủng khiếp nhất lịch sử loài người.  

Minh Hải