Tại hội nghị góp ý về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức, liên quan thời gian học tập của học sinh phổ thông, nhiều luồng ý kiến đưa ra. Một luồng ý kiến đề xuất học sinh phổ thông không phải học cuối tuần, ý kiến khác cho rằng nên bố trí học cuối tuần và luồng ý kiến nữa cho rằng nên để các trường căn cứ tình hình thực tế để bố trí lịch học.
Thông tin này cũng ngay lập tức thu hút sự quan tâm, chú ý của các bậc phụ huynh học sinh. Đa phần phụ huynh mong muốn con mình không phải học cuối tuần bởi chương trình học tập hiện nay của các con đã quá nặng. Nhiều trường đã giảm tải cho học sinh nhưng áp lực thi cử nên các bậc phụ huynh lại quay cuồng cho con đi học thêm, phụ đạo vì nhìn xung quanh học "kinh" quá.
Câu chuyện trong chính gia đình tôi. Cháu tôi năm nay học lớp 8 ở một trường ngoài công lập. Cháu được nghỉ 2 ngày cuối tuần, học bán trú. Nhiều cha mẹ nhìn cháu tôi đi học có vẻ nhàn tênh nên ao ước con mình cũng được học ở một ngôi trường như vậy nếu gia đình có điều kiện. Thế nhưng, hai ngày nghỉ cuối tuần con mang tiếng được nghỉ mà lại phải đi học thêm “quần quật”.
Gia đình anh chị tôi phải tranh thủ kỳ nghỉ hè bố trí được lúc nào là cho con đi chơi lúc ấy. Vào năm học là chỉ phục vụ cho việc học hành. Bởi anh chị lo, con mình được giảm tải nhưng sau này vẫn phải “đấu” với các bạn trường công lập trong các kỳ thi. Nếu không cho con học thêm thì sao con đủ sức để làm bài, để có điểm số như các bạn? Áp lực thi cử thực sự đang đè nặng lên vai cháu và bố mẹ cháu.
Tôi biết, rất nhiều phụ huynh đang trong tình cảnh “giằng xé” như anh chị tôi, vừa muốn cho con nghỉ cuối tuần nhưng lại sợ con không đủ kiến thức để làm bài thi trong những kỳ thi có tính bước ngoặt của cuộc đời các con.
Và cũng còn không ít những gia đình vì điều kiện kinh tế, vì đặc thù công việc phải đi làm vào những ngày cuối tuần nên họ sợ và lo lắng không ai quản lý, quan tâm đến con cái. Nếu để các con nghỉ cuối tuần mà cha mẹ đi làm thì cũng không thể chuyên tâm vào công việc được.
Khi có bất kỳ quan điểm nào đưa ra để thay đổi hiện tại đều vấp phải vô số vướng mắc. Bởi, rất nhiều thứ của chúng ta thực hiện chưa đồng bộ. Đơn giản, ngay chính nội tại ngành giáo dục các mục tiêu vẫn còn quá mâu thuẫn nhau, giảm tải học hành nhưng vẫn nặng nề thi cử thì có hô khẩu hiệu, có tuyên truyền thì các bậc cha mẹ vẫn tự nguyện đưa con mình vào chỗ “quá tải”. `
Và ngay bản thân các nhà quản lý giáo dục, những chuyên gia giáo dục hàng đầu cũng còn quá nhiều băn khoăn khi bàn về thời gian học tập của các em thì phần đông phụ huynh có yên tâm?./.
Theo An Nhi/VOV.VN