Bỏ nhà ra vườn ở
Gia đình chị Bùi Thị Đạt là người đầu tiền phải chạy trốn “thổ thần”, bởi căn nhà xây khang trang của gia đình chị chỉ cách hố sụt vài bước chân, trong khi đó, hố sụt nguy hiểm nhất đã ăn hõm qua mặt đường, xuyên đến bờ rào. Chị Đạt cho biết: "Gia đình tôi có 5 người, một bố chồng bị đột quỵ giờ nằm một chỗ, vợ, chồng và hai đứa con nhỏ.
Hôm 15/2, thấy hiện tượng sụt lún bất thường, vợ chồng tôi cùng anh em làng xóm đã làm một cái lán ra khu đất cách nhà vài chục mét để lánh nạn. Khu đất này có vẻ yên tâm hơn vì không thấy có vết nứt giống như ở trong nhà và một vài nơi khác. Tuy nhiên vẫn nằm trong phạm vi đã được cảnh báo nguy hiểm. Gần 10 ngày nay cả nhà tôi phải ngủ trong cái lều tạm. Hằng ngày, chỉ có việc nấu cơm thì vào bếp, còn trẻ con với người già thì không cho đến gần nhà lớn, đề phòng sập nhà".
Theo chân chị Đạt, chúng tôi đến chiếc chòi tạm vừa được dựng lên cách đây ít ngày. Chòi rộng bằng 1 gian nhà, được làm từ 4 chiếc cọc gỗ chôn 4 góc rồi phủ bạt kín mít. Bên trong bạt là giếc giường tạm làm từ gỗ keo xẻ dọc, trên giường có vài chiếc chăn mỏng được cuốn tròn để trong góc. Dưới trời mưa phùn ẩm ướt, kèm theo cái lạnh tái tê khiến mỗi ai đến thăm "nhà mới" của chị Đạt đều phải lắc đầu thở dài, thương cảnh màn trời chiếu đất.
Chị Đạt cho biết: "Mấy hôm mưa, lạnh nước từ trên nóc lều dột lả tả, gió mạnh như muốn thổi bay chòi, nên vợ chồng chị lại đi mua thêm dây thừng chằng, buộc đề phòng chòi bị quật đổ. Những hôm mưa gió, bố chồng chị không ngủ được vì lạnh, hai đứa con nhỏ cũng chung cảnh rét, lạnh với ông nội nằm co ro một xó, còn ngoài trời thì vẫn cứ mưa dầm, gió vẫn cứ thốc vào chòi".
|
Chiếc chòi lạnh lẽo không chịu nổi mưa phùn gió bấc. |
Ngoài gia đình chị Đạt, một số hộ dân sống gần hố sụt cũng chuẩn bị và sẵn sàng cho việc di chuyển đến nơi ở mới. Ông Bùi Văn Ạ, người dân làng Khi chỉ tay về phía quả đồi trọc bảo rằng: "Nếu tình trạng sụt đất vẫn cứ diễn ra thì gia đình tôi sẽ chuyển lên ngọn đồi cao cách khu vực sụt lở vài trăm mét. Nói là chuyển nhà vậy nhưng giờ vẫn chưa thể mua đủ gỗ như keo, xoan, tre, luồng, bạt phủ... để làm nhà mới. Một số vật liệu đơn giản như tre, luồng thì có thể xin được, nhưng bạt, gỗ xoan hoặc keo thì phải đi mua".
Sợ ra đồng
Cánh đồng làng Khi rộng khoảng 2ha nằm kẹp ở một thung lũng giữa hai bên sườn đồi, nơi mà người dân vẫn canh tác mỗi năm 2 vụ lúa, đảm bảo lương thực cho dân làng. Thế nhưng, hiện đã bắt đầu vào vụ xuân, mạ đã già nhưng nhiều người lại sợ ra đồng vì sụt đất.
Ông Bùi Văn Cảnh, Trưởng xóm Khi cho biết: "Khi mới bắt đầu xảy ra sự cố sụt đất, chính quyền xã, huyện bảo tôi là phải chỉ đạo người dân không được tiếp tục canh tác trên cánh đồng làng Khi nữa, chờ cho đến khi có kết luận của cơ quan chức năng về nguyên nhân sự việc rồi mới quyết định xem là có nên ra đồng hay không. Tuy nhiên, mấy hôm sau đoàn kiểm tra, khảo sát của tỉnh xuống lại bảo là dân vẫn được ra đồng cày cấy để đảm bảo vụ mới".
Mặc dù chỉ đạo từ các cấp chính quyền là vậy, nhưng người dân thì người bỏ ruộng, người không tạo nên một không khí lao động hỗn độn và dè chừng với “thổ thần” ở làng Khi. Ông Bùi Văn Chon, một người dân địa phương cho biết: "Gia đình tôi có 2 sào ruộng nằm ngay cạnh hố tử thần xuất hiện ngày 12/2, nhưng nếu không ra đồng mà cấy hái thì không có cái ăn, trong khi lương thực của gia đình dựa hết vào 2 sào ruộng này. Thế nên vợ chồng tôi liều mình ra ruộng cày cấy, nếu may phúc ông trời phù hộ thì vụ sau còn có lúa ăn, nếu không thì chết đói".
|
Mạ của nhiều hộ dân làng Khi đã già nhưng vẫn chưa dám cày cấy vì sợ hãi thổ thần. |
Quanh cánh đồng làng Khi còn có gia đình khác cũng liều mạng với tử thần để cày cấy đó là ông Bùi Văn Phương. Bất chấp những hố sụt lớn và các vết nứt ngày càng có xu hướng tăng thêm và diễn biến phức tạp, ông Phương vẫn một mình vác cuốc ra ruộng be bờ xung quanh miệng hố tử thần rồi dẫn nước từ phía thượng nguồn về để cày cấy. Nước về ruộng được bao nhiêu lại thấm chảy theo các vết nứt xuống hố tử thần bấy nhiêu, nhưng ông vẫn ra sức cuốc đất be bờ, bịt các vết nứt... bởi gia đình ông cũng có 2 sào ruộng ở cánh đồng này, nếu không cấy được thì vụ sau sẽ đói ăn, cho nên phải liều mình, được thì ăn, mất thì... tại trời.
Ngoài gia đình ông Chon và ông Phương, những hộ dân khác lưỡng lự hoặc không dám ra đồng canh tác, đặc biệt là việc sụt lún ngày càng có diễn biến phức tạp, chẳng hạn như khu một khu vực rộng gần 100m2 nằm giữa đồng có dấu hiệu bị nghiêng bất thường, dấu hiệu này diễn ra từ khoảng ngày 15/2 đến nay. Chính vì thế nên người dân đang cố thu hoạch nốt vụ ngô đông, còn việc cấy hái thì hoãn lại vì thổ thần đang gây họa.
"Chúng tôi đã kêu gọi bà con tăng cường tình đoàn kết, tương thân tương ái giúp đỡ lẫn nhau, nếu gia đình nào trong diện nguy hiểm phải di chuyển thì các gia đình khác sẵn sàng cho ở nhờ hoặc cho mượn đất tại các đỉnh đồi để dựng lều, lán cho cả người và gia súc ở. Hiện đã có đoàn thường trực thuộc Trung tâm Phòng chống lụt bão và thiên tai của UBND huyện Lạc Sơn túc trực tại đây, nếu có sự cố nghiêm trọng sẽ trực tiếp chỉ đạo bà con đến nơi an toàn".
Ông Bùi Văn Cảnh (Trưởng xóm Khi)