Những biểu hiện "tử thần"
Sự cố sụt lún đất ở làng Khi xảy ra vào ngày 12/2, thế nhưng, trước đó nhiều ngày đã có những biểu hiện bất thường mà người dân không để ý và cũng không thể lý giải được hiện tượng đáng sợ này.
Chúng tôi có mặt tại làng Khi, xã Ân Nghĩa đúng thời điểm có nhiều người dân tụ tập trực bên những "hố tử thần", người thì ngồi bệt bên bờ rào chống gậy hút thuốc lào vặt, trong khi mặt tỏ rõ sự lo lắng, sợ sệt, người thì chắp tay sau mông lượn đi lượn lại trên “hố tử thần”... tất thảy đều chung lo sợ thần thổ địa sẽ "bắt đi" bất cứ lúc nào. Mặc dù ngày 12/2 mới bắt đầu xuất hiện những hố sụt lớn, thế nhưng từ trước đó nhiều ngày, người dân đã phát hiện những dấu hiệu bất thường như nứt đất, nhà nghiêng, ruộng bỗng dưng trũng xuống bất thường...
Chị Bùi Thị Đạt, một người dân nằm trong phạm vi ảnh hưởng của các hố tử thần cho biết: "Trước khi xảy ra sụt đất, gia đình chúng tôi đã thấy những vết nứt ngang dọc dưới nền nhà, có vết chạy từ bếp ra đến mặt đường, có vết xé dọc móng nhà, phía dưới gầm sàn cũng có những vết nứt tương tự".
|
Một hố sụt lớn xuất tại làng Khi. |
Để chúng tôi có được hình dung trực quan nhất về những dấu hiệu "tử thần" này, chị Đạt dẫn đến bên bức tường sau của ngôi nhà xây để mục sở thị. Tại đây, có một vết nứt dài theo móng nhà khiến cho bức tường bị tách ra nghiêng 20o, còn ở ngoài vườn thì những vết nứt khó phát hiện hơn vì chúng xen lẫn với cỏ dại.
Không chỉ gia đình chị Đạt, những vết nứt này còn xuất hiện ở một diện tích rộng đến 4ha, trong đó nghiêm trọng nhất là những hố sụt ở khu vực cánh đồng rộng khoảng 2ha nằm ở giữa làng.
Theo một người dân làng Khi thì thuở cha sinh mẹ đẻ đến giờ chưa hề thấy hiện tượng nứt, sụt đất nào xảy ra, năm nay, những vết nứt này xuất hiện vào mùa khô, cho nên nhiều người nghĩ đó là do hạn hán, nên đất đai nứt nẻ chứ ai nghĩ sẽ sụt đất nghiêm trọng đến vậy.
Theo chân ông Bùi Văn Cảnh, Trưởng thôn xóm Khi, xã Ân Nghĩa đi khảo sát một vòng các hố sụt lớn quanh làng Khi, chúng tôi không khỏi run người khi biết mình vừa đi trên miệng hố tử thần mà không biết. Ông Cảnh dẫn chúng tôi đến một hố sụt có đường kính 3,5m sâu khoảng 4m, hố "tử thần" này ăn hõm xuyên qua mặt đường, sát vào nhà cùa chị Bùi Thị Đạt. Trong khi đó, người dân hàng ngày vẫn phải qua lại trên con đường nguy hiểm này bất chấp đất có thể sụt bất cứ lúc nào.
Ngoài những hố đã sụt, còn một số địa điểm khác có hiện tượng nứt hình vòng cung rộng khoảng 4m có thể sụt bất cứ lúc nào. Ông Cảnh cho biết: "Chính quyền địa phương đã cảnh báo đến tất cả các hộ dân làng Khi không được thả trâu, bò, gia súc... đến gần những khu vực nguy hiểm (đã có biểu hiện nứt hình vòng cung) vì có thể sụt đất bất cứ lúc nào”.
|
Những vết nứt lớn xuất hiện trên diện tích rộng tới 4ha thuộc làng Khi. |
Đời sống nhân dân đảo lộn
Tính đến thời điểm ngày 25/2, tại làng Khi đã xảy ra 3 vụ sụt lớn với hố sụt lớn nhất có đường kính lên tới 5m, sâu trên 7m, hố có đường kính nhỏ nhất là 3,5m sâu 4m. Hố sụt đầu tiên xảy ra vào ngày 12/2, sau đó 2 ngày tiếp tục sự cố sụt hố thứ 2 ngay cạnh đường đi, đến đêm ngày 23/2 tiếp tục sụt thêm hố thứ 3 sát nhà chị Bùi Thị Đạt. Ngoài những hỗ sụt lớn, còn những vết nứt dài khoảng 250m chạy dọc theo hai bên sườn đồi thuộc làng Khi, hiện nay những vết nứt vẫn không ngừng xuất hiện, nằm trong phạm vi 4ha đã được khoanh vùng nguy hiểm.
Từ khi xuất hiện những hố sụt lớn, đời sống của nhiều người dân làng Khi, nhất là những hộ gia đình nằm trong phạm vi sụt, nứt bị xáo trộn rất nhiều.
Chị Bùi Thị Đạt cho than phiền: "Từ hôm đó đến nay, chúng tôi gần như mất ăn, mất ngủ vì sợ "thổ địa" gọi bất cứ lúc nào. Nửa đêm ngày 23 khi cả gia đình đang ngủ thì cảm thấy mặt đất như rung lên, sau đó vài giây lại trở nên bình thường. Sáng mai ra mới thấy một hố sụt lớn ở trước cửa khiến dân làng ai cũng lo lắng, hoang mang mà chưa biết nên làm thế nào".
Theo một người dân địa phương thì nếu tình trạng sụt lún tiếp tục diễn ra, họ sẽ phải chuyển đi nơi khác để ở, có lẽ là lên đồi hoặc ở nhờ nhà khác nằm trong phạm vi an toàn chứ không tiếp tục ở đây nữa. Ngoài việc đảm bảo an toàn cho người, chúng tôi cũng tính đến phương án di tản trâu, bò, lợn, gà lên những quả đồi cách xa khu vực sụt lún để đảm bảo an toàn. Được cái là gần như các hộ dân ở đây không nhà ai nuôi nhiều gia súc, gia cầm nên việc di chuyển nếu có xảy ra thì cũng rất nhanh chóng...
Ngay khi xảy ra hiện tượng lạ, ông Trưởng thôn Bùi Văn Cảnh đã tức tốc báo cáo lên UBND xã, sau đó, xã cử một đoàn kiểm tra xuống hiện trường ghi nhận tình hình, phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra và báo cáo lên UBND tỉnh, huyện để cùng phối hợp giải quyết. Tuy nhiên, cho đến nay đoàn kiểm tra của huyện và tỉnh vẫn chưa tìm ra nguyên nhân gây ra sự cố sụt lún ở làng Khi.
Ông Cảnh cho biết, xóm Khi có 67 hộ với 400 nhân khẩu, việc sụt lún đã gây ảnh hưởng trực tiếp cho 11 hộ dân, chưa tính đến những hộ có đất sản xuất nằm trong phạm vi xảy ra các điểm sụt lở. Hiện chính quyền địa phương đã cử đoàn kiểm tra túc trực tại hiện trường đề phòng trường hợp xảy ra sự cố nghiêm trọng, đồng thời lên phương án di dời dân.
Quách Dương