PV báo Người Đưa Tin đã có buổi trao đổi với TS. Luật gia Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư, hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM để cùng nhìn nhận về vấn nạn này.
- Bà có suy nghĩ gì trước vấn nạn lạm dụng, xâm hại trẻ em ở các dãy nhà trọ dành cho công nhân xảy ra ngày càng nhức nhối?
- Thực sự, hành vi lạm dụng, xâm hại trẻ em xảy ra ở nhiều nơi và đang ở mức báo động. Những năm gần đây, tình trạng này ngày càng xảy ra nghiêm trọng hơn dù cho xã hội có lên án, tỏ thái độ bất bình.
Theo đó, tính từ đầu năm 2016 - 7/2017, toàn thành phố đã xảy ra hơn 100 trường hợp xâm hại, bạo lực, hành hạ,... trẻ em. Đó là những trường hợp cơ quan chức năng thống kê được, còn những trường hợp người nhà trẻ giấu, không tố giác tội phạm có thể nhiều hơn.
|
TS. Luật gia Trần Thị Ngọc Nữ.
|
Như vậy, có thể thấy, tình trạng xâm hại, bạo lực, lạm dụng trẻ em đang diễn ra với mức độ nghiêm trọng và có xu hướng gia tăng. Tác động của các vụ xâm hại, bạo lực, lạm dụng gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và tinh thần, sự phát triển tâm sinh lý của trẻ.
- Việc lạm dụng tình dục thường xảy ra khi phụ huynh để con cái ở nhà một mình, ít quan tâm chăm sóc, tạo điều kiện cho kẻ xâm hại có cơ hội tiếp cận. Vậy, kẻ xâm hại trẻ em ở khu phòng trọ thường là đối tượng nào? Có hành vi gì để dụ dỗ bé?
- Các đối tượng lạm dụng, xâm hại trẻ em thường ở gần khu nhà trọ với các em bé. Các đối tượng thường hiểu khá rõ về thời gian sinh hoạt của gia đình trẻ em. Từ đó, khi phụ huynh vắng nhà, các đối tượng sẽ lân la chơi đùa để dụ dỗ trẻ.
Để thực hiện được hành vi của mình, sau khi chơi thân được với bé, các đối tượng sẽ rủ bé đi chơi, cho bánh kẹo hoặc đi xem phim, rủ bé ra chỗ vắng để thực hiện hành vi đồi bại.
|
Xâm hại tình dục trẻ em đang trở thành một vấn nạn.
|
- Trong các vụ lạm dụng, xâm hại trẻ em, đa phần kẻ xâm hại có mối quan hệ quen biết, thậm chí là họ hàng của nạn nhân. Bà có thể phân tích như thế nào về khía cạnh này?
- Theo như tôi được biết, đa số các vụ lạm dụng, xâm hại trẻ em đều do người quen, thậm chí là họ hàng thân thiết gây ra với các bé. Trước đây, những vụ tôi từng biết đến kẻ xâm hại có thể là hàng xóm thân tình hoặc người thân trong gia đình của nạn nhân.
Ví như, cách đây khoảng mấy tháng, phụ huynh của một số bé có đến tìm tôi nói về việc bé gái 3 tuổi (ở quận Thủ Đức, TP.HCM) bị chính cha ruột xâm hại. Sau khi xâm hại, thấy bé chảy máu nhiều quá, người cha vô lương tâm đó mang bé bỏ mặc ngoài chợ, rồi thuê khách sạn ngủ cùng người tình.
- Tại sao các đối tượng này lại có hành vi xâm hại với trẻ em, kể cả nhưng bé mới 2 - 3 tuổi?
Các đối tượng gây ra hành vi xâm hại với trẻ em thường bị lệch lạc về giới tính, hoặc bị tác động nhiều từ việc xem các loại phim đồi trụy, sử dụng các chất kích thích như ma túy đá,… dẫn đến việc không kiềm chế được bản thân.
Trước đây, tôi có gặp phụ huynh của một bé gái 2 tuổi bị cưỡng hiếp ngay tại khu nhà trọ ở khu công nghiệp trên địa bàn quận Thủ Đức. Sau khi sử dụng ma túy đá, đối tượng đã bế xốc bé gái đang ngồi chơi ở phòng trọ bên cạnh, đưa về phòng mình giở trò đồi bại.
Khi cháu bé la khóc quá lớn, người dân và công an phát hiện, tìm cách phá cửa xông vào thì bắt quả tang nạn nhân đang bị xâm hại. Ngoài ra, khi bị phát hiện, đối tượng còn có dấu hiệu muốn giết chết bé.
- Vậy, chúng ta nên làm gì để bảo vệ trẻ em khỏi bị xâm hại và tránh những sự việc như vậy xảy ra?
Ở các khu nhà trọ, điều kiện bé được bảo vệ rất ít. Người dân nơi đây cũng khá hỗn tạp. Vì thế, trong trường hợp vắng nhà, phụ huynh nên đưa đến nhà trẻ uy tín để gửi. Nếu điều kiện không cho phép, phụ huynh phải gửi bé cho người thân mình thực sự tin tưởng. Bên cạnh đó, bố mẹ dạy cho bé cách phòng tránh bị xâm hại khi không có người lớn ở nhà.
Phụ huynh cũng nên mạnh dạn tố giác tội phạm, không nên im lặng trước tội ác. Khi vụ việc đáng tiếc xảy ra, các phụ huynh cần bình tĩnh để thu thập và lưu giữ chứng cứ.
Nhiều vụ đã có được 90% chứng cứ để có thể đưa kẻ phạm tội ra tòa, nhưng phụ huynh mất bình tĩnh nên đối tượng đã kịp phi tang khiến vụ án không thể khởi tố.
Ngoài ra, phía cơ quan công an nên linh hoạt, nhanh chóng hơn trong việc thu thập chứng cứ và điều tra vụ việc. Bên cạnh đó, tôi nghĩ cần đào tạo nghiệp vụ chuyên sâu cho một số chiến sĩ nữ tham gia xử lý những vụ xâm hại trẻ em.
Khó phát hiện và xử lý
Trung tá Đỗ Nghĩa Dũng, Đội trưởng đội Điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an TP.HCM (PC45) cho biết: “Các vụ lạm dụng, xâm hại trẻ em thường rất khó phát hiện và khó xử lý. Bởi, thứ nhất, đa phần, khi sự việc xảy ra, phụ huynh các bé, nạn nhân không dám đến công an trình báo. Họ sợ ảnh hưởng đến tương lai của con nên đành cắn răng chịu đựng. Suy nghĩ này vô cùng sai lầm khiến cho các đối tượng phạm pháp vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Thứ hai, khi các trẻ bị xâm hại, phụ huynh vẫn không hay biết gì, không hỏi tới cũng như trẻ không nói. Thế nên, từ ngày trẻ bị lạm dụng đến ngày người nhà phát hiện và tố cáo cách xa nhau, làm cho chứng cứ vụ án vô tình bị xóa bỏ, khó kết tội các đối tượng".
Phụ huynh cần dành nhiều thời gian cho con hơn
GS.TS Vũ Gia Hiền, chuyên gia Tâm lý cho biết: “Để giải quyết vấn nạn lạm dụng, xâm hại trẻ em, tôi nghĩ đầu tiên là từ phía gia đình. Tâm lý của các bậc cha mẹ không giống nhau dẫn tới việc giáo dục các em cũng khác nhau. Cha mẹ chưa thực sự quan tâm đến tâm tư, tình cảm, sự phát triển giới tính của các em nên chính những em bé đó sẽ cảm thấy xấu hổ, sợ hãi, sống khép mình và rất dễ rơi vào trầm cảm. Các bậc phụ huynh nên dành thời gian cho con cái, giáo dục cởi mở với các con về giới tính cũng như các vấn đề liên quan. Cha mẹ phải trở thành bạn của các con, lắng nghe các con nói, quan tâm những việc con đang làm, bảo vệ các con trước những thế lực xấu”.
Theo Dương Hạnh - Hồng Ngọc/ Vietnamnet