Hai quan chức Việt tốn giấy mực báo chí nhất năm là ai?

Google News

(Kiến Thức) - Không ai khác, ông Đinh La Thăng - nguyên Chủ tịch HĐQT/HĐTV Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) là một trong những vị quan chức Việt khiến giới báo chí phải tốn nhiều giấy mực nhất.

Năm Đinh Dậu 2017 khép lại với hàng loạt sự kiện chính trị, xã hội tốn nhiều giấy mực của báo chí. Đặc biệt, năm nay cũng chứng kiến nhiều quan chức cấp cao từng lãnh đạo các tập đoàn kinh tế nhà nước hàng đầu và là lãnh đạo thành phố lớn bị khởi tố, bắt giam, thi hành kỷ luật cách chức… Có lẽ chưa bao giờ, quyết tâm chống tham nhũng, loại bỏ các cán bộ yếu kém, sai phạm lại diễn ra quyết liệt như vậy.
Một trong những vị quan chức Việt khiến giới báo chí phải tốn nhiều giấy mực nhất năm Đinh Dậu là ông Đinh La Thăng – nguyên Chủ tịch HĐQT/HĐTV Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam; nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIV.
Ông Đinh La Thăng được dẫn giải tới Tòa với chiếc còng tay. Nguồn ảnh: Zing
Đinh La Thăng
Ông Đinh La Thăng bị khởi tố, bắt tạm giam ngày 8/12/2017 khi đang là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương. Ông bị bắt vì liên quan tới hai đại án gây hậu quả nghiêm trọng gồm:
- Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 165 Bộ luật Hình sự); lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Điều 280 Bộ luật Hình sự), gây thiệt hại 800 tỷ đồng trong việc góp vốn của PVN vào Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại dương (Oceanbank)
- Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Tham ô tài sản (Điều 278 Bộ luật Hình sự) xảy ra tại Tổng Công ty Xây lắp dầu khí (PVC) liên quan Dự án Nhiệt điện Thái Bình II.
Việc bị khởi tố, bắt tạm giam và cho thôi đại biểu Quốc hội và đình chỉ sinh hoạt Đảng trong ngày 8/12 đã chấm dứt đường “quan lộ” thênh thang hơn 30 năm qua của ông Đinh La Thăng.
Khởi đầu là một kế toán viên tại Công ty Cung ứng vật tư thuộc Tổng công ty Xây dựng thủy điện Sông Đà, từ giữa những năm 1990, ông Thăng được bầu giữ nhiều chức vụ ban lãnh đạo Tổng Công ty Sông Đà. Tháng 1/2006, ông được bầu giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, ông Thăng được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng, Đại biểu Quốc hội Khóa XIII. Tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XIII, được Quốc hội phê chuẩn làm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
Tháng 1/2016, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, ông Đinh La Thăng được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng, được Trung ương bầu vào Bộ Chính trị. Đến ngày 5/2/2016, ông Thăng được bầu giữ chức Bí thư Thành ủy TP.HCM.
Ngày 10/5/2017, ông Thăng nhận quyết định thôi giữ chức Bí thư thành ủy sau khi UBKTTW thông báo kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm và xem xét thi hành kỷ luật ông Đinh La Thăng và 4 lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam vì những vi phạm trong giai đoạn 2009-2015.
Chỉ một tháng sau ngày khởi tố, ông Đinh La Thăng đã phải hầu tòa cùng Trịnh Xuân Thanh và 44 đồng phạm đều là quan chức cấp cao tại PVN, PVC. Kết quả, ông Thăng bị tuyên phạt 13 năm tù giam.
Nguyễn Xuân Anh
Vị quan chức Việt thứ 2 cũng khiến báo chí trong nước một phen quay cuồng là ông Nguyễn Xuân Anh – nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng. Ông được coi là vị bí thư thành ủy đầu tiên năm 2017 bị kỷ luật cách chức khi còn đang đương chức.
 
Theo thông báo của BCH TW Đảng hôm 6/10, ông Nguyễn Xuân Anh bị cách chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, Uỷ viên Ban Thường vụ, Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015 - 2020; và cho thôi giữ chức Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII.
Ông Nguyễn Xuân Anh bị kỷ luật do để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm trong quá trình lãnh đạo. Cụ thể:
- Với cương vị là người đứng đầu Thành ủy, ông Xuân Anh chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Thành ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020.
- Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ; chủ trì xem xét, quyết định một số nhân sự có biểu hiện áp đặt; trực tiếp chỉ đạo nhiều công việc cụ thể của chính quyền.
Những việc làm ông Nguyễn Xuân Anh đã gây phân tâm, ảnh hưởng đến sự đoàn kết, thống nhất trong Ban Thường vụ Thành ủy.
- Kê khai, sử dụng bằng cấp không đúng quy định, thiếu trung thực, vi phạm tiêu chuẩn cấp ủy viên và Quy định những điều đảng viên không được làm.
- Thiếu gương mẫu trong việc nhận, sử dụng xe ô tô do doanh nghiệp biếu, tặng và sử dụng 02 nhà ở của doanh nghiệp, gây dư luận xấu trong xã hội.
Việc này cũng kết thúc 10 năm quan lộ thênh thang của ông Nguyễn Xuân Anh. Khởi đầu từ một phóng viên, công tác tại báo Thanh Niên, khi mới 33 tuổi (2009), ông được bổ nhiệm làm Bí thư Quận ủy quận Liên Chiểu. Năm 35 tuổi đã là Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng. Năm 39 tuổi (2015) là Ủy viên chính thức, Bí thư Thành ủy kiêm Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng.
Ngày 2/4/2014, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Đà Nẵng đã bầu ông Nguyễn Xuân Anh giữ chức Phó Bí thư Thành ủy nhiệm kỳ 2010-2015.
Ngày 16/10/2015, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Đà Nẵng khóa 21, tại cuộc họp phiên thứ nhất đã bầu Nguyễn Xuân Anh giữ chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015-2020.
Ngày 26/1/2016, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, ông Nguyễn Xuân Anh được bầu làm Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII nhiệm kỳ 2016 - 2021.
P.H