Phiên toà xét xử ông Đinh La Thăng và đồng phạm đã kết thúc. Tòa tuyên phạt bị cáo Đinh La Thăng - nguyên Chủ tịch HĐQT (nay là Hội đồng thành viên) PVN 13 năm tù về tội cố ý làm trái, bị cáo Trịnh Xuân Thanh 14 năm tù về tội cố ý làm trái, tù chung thân về tội tham ô tài sản, tổng hợp hình phạt chung của bị cáo Thanh là tù chung thân, cộng với hình phạt của 20 bị cáo khác là 167 năm đã cho thấy tính nghiêm minh của pháp luật hiện hành.
Kết quả trên đã cho thấy rất rõ “luật pháp bất vị thân”, bất kể người vi phạm từng ở cương vị nào trong hệ thống chính trị cũng sẽ bị đưa ra ánh áng. Một khi đã vi phạm thì không thể dung tha. Đó còn là minh chứng rất rõ một điều: Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã và đang làm hết sức mình khi lấy dân làm gốc và hiểu rõ muốn có “gốc” vững thì phải để lòng dân yên và dân có niềm tin vào chế độ.
Mức án dành cho ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và các đồng phạm nghiêm minh và nhân văn.
Nếu không nhân văn thì với tội trạng rất nặng như bị cáo Đinh La Thăng hay Trịnh Xuân Thanh đâu có chuyện chỉ chung thân hay 13 năm tù.
Lần đầu tiên trong lịch sử ngành toà án nước ta có một phiên toà xét xử mà lời nói cuối cùng như của ông Đinh La Thăng được trình bày đến 107 phút mà không hề bị chủ toạ phiên toà yêu cầu ngắt giữa chừng dù biết lan man.
Mà nói thực, chỉ có 20 phút là ông Thăng đi vào trình bày cụ thể liên quan đến vụ việc đang xét xử hầu mong được xem xét giảm tội.
|
Ông Đinh La Thăng nói lời cuối tại tòa.
|
Do tính chất phức tạp của vụ án, do dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 cũng chưa đi vào giai đoạn quyết toán số tiền đang đội giá lên đến 34.000 tỷ nên có thể có những lý do nào đó, nhiều khả năng các cơ quan tố tụng đã không truy đến cùng dòng tiền 1.081 tỷ đồng kia liệu có thất thoát hay không? Và các cơ quan tố tụng hiện mới chỉ dừng lại ở con số 119 tỷ đồng chi bất minh và thất thoát chăng?
Mới đây, tôi có đọc một dòng quan điểm Luật sư Nguyễn Duy Bình (TP.HCM) và thấy ông viết rất sâu sắc. Luật sư Bình đề cập đến chính cái nghề của mình trước các đồng nghiệp. Dù có thể “động chạm” nhưng vị luật sư này vẫn không ngại bày tỏ rằng: “Các vị luật sư bào chữa hoàn toàn không nên đề nghị miễn trách nhiệm hình sự cho thân chủ của mình vì chính những người phạm tội này mới đích thực là kẻ bán nước, hại dân, cầu vinh cho bản thân, dòng họ... Chính họ đã và đang là những kẻ đã phá tan hoang các tập đoàn cha chung, chia sẻ lợi ích, ăn cướp cả mồ hôi, công sức, nước mắt của toàn thể nhân dân và cả máu của hàng triệu liệt sỹ đã hy sinh vì Tổ quốc. Các luật sư cũng không nên cho rằng trong số bọn chúng có kẻ không tham. Tôi thử hỏi nếu chúng không tham thì làm sao sống vương giả được vậy? Trong thâm tâm nhân dân Việt Nam ai mà chẳng biết và chẳng hiểu bọn chúng đã từng tham lam, vơ vét...”
Phiên toà “bước 1” tạm khép lại với kết quả như đã tuyên để chuyển tiếp sang “bước 2” trong một vụ án khác cũng xảy ra tại PVN nhưng liên quan tới Ngân hàng Oceanbank .
Qua vụ xét xử ông Đinh La Thăng đã chứng tỏ tính nghiêm minh của pháp luật. Nó đã có sức răn đe với những ai lợi dụng chức quyền cố ý làm trái, gây thất thoát tài sản nhà nước.
Qua vụ việc này sẽ góp phần ngăn ngừa, răn đe những hành vi cố ý làm trái, gây thất thoát tài sản nhà nước và tham ô, tham nhũng tại các đơn vị nhà nước quen chi “tiền chùa”.
Tôi tin rằng niềm tin trong đảng viên và quần chúng nhân dân cả nước đã củng cố trở lại và sẽ mạnh dạn đứng bên luật pháp, xem như một điểm tựa vững chắc đấu tranh nhằm đẩy lùi và ngăn chặn tham nhũng, cái xấu, tiêu cực ra khỏi xã hội.
Theo Quốc Phong/Dân Việt