Liên quan đến việc UBND tỉnh Hải Dương có văn bản “cầu cứu” Thủ tướng và Bộ Giao thông Vận tải về việc số lượng xe container chạy qua địa bàn TP. Hải Dương và đường 391 tăng đột biến gây mất an toàn trật giao thông. Đồng thời, UBND tỉnh Hải Dương cũng kiến nghị giảm mức thu phí lưu thông trên QL5 và đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. Vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản gửi Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) về vấn đề trên.
Cụ thể, tại văn bản số 5654/BGTVT-TC của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) gửi VIDIFI về việc kiến nghị giảm phí trên QL5 và cao tốc HN-HP do Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường ký ngày 23/5 có nêu: Trên cơ sở ý kiến đề nghị giảm phí trên QL5 và đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng tại văn bản số 965/UBND-VP ngày 05/04/2016 của UBND tỉnh Hải Dương, Bộ GTVT đã có văn bản số 5057/BGTVT-TC ngày 09/05/2016 gửi VIDIFI và UBND tỉnh Hải Dương, trong đó Bộ đã yêu cầu VIDIFI khẩn trương nghiên cứu và báo cáo cấp thẩm quyền về kiến nghị giảm phí của UBND tỉnh Hải Dương, tuy nhiên đến nay Bộ chưa nhận được đề xuất của VIDIFI.
|
Đường 391 quá tải vì xe container né trạm thu phí. |
Cũng theo văn bản, ngày 25/4/2016, Bộ Tài chính cũng đã có văn bản số 5531/BTC-CST gửi VIDIFI đề nghị nghiên cứu kiến nghị của UBND tỉnh Hải Dương về nội dung trên.
Bộ GTVT đề nghị VIDIFI khẩn trương nghiên cứu kiến nghị của UBND tỉnh Hải Dương, rà soát cân đối phương án tài chính để xem xét điều chỉnh mức thu phí trên tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng theo thẩm quyền và đề xuất điều chỉnh mức thu phí tại Thông tư số 153/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Trước đó, Kiến Thức đã đưa tin, trong văn bản số 1026/UBND-VP của UBND tỉnh Hải Dương ngày 13/5/2016 kính gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đề nghị điều chỉnh giảm cước phí sử dụng đường trên Quốc lộ 5 và đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, UBND tỉnh Hải Dương nêu rõ: "Để sớm giải quyết vấn đề gia tăng tai nạn giao thông, gây hư hỏng công trình và bức xúc của nhân dân; UBND tỉnh Hải Dương kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành liên quan, Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam có phương án giảm cước phí hai tuyến đường nêu trên để thu hút lượng xe đi vào Quốc lộ 5, đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, hạn chế phương tiện đi đường địa phương. Việc tăng phí để bảo đảm thu hồi vốn theo thời gian đề nghị Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam tiếp tục nghiên cứu để có lộ trình hợp lý đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà đầu tư và doanh nghiệp vận tải".
Hiện nay, do mức thu phí đối với các loại phương tiện trên Quốc lộ 5 (QL5), cao tốc Hà Nội - Hải Phòng ở mức cao nên hầu hết các phương tiện vận tải, nhất là xe container từ Hải Phòng - Hà Nội đã đi vòng theo hành trình: Quốc lộ 10 - đường tỉnh 391 (ĐT 391) - các tuyến nội thành TP Hải Dương - QL5 và ngược lại để tránh nộp phí Quốc lộ 5 và cao tốc Hà Nội - Hải Phòng dẫn đến lưu lượng xe trên ĐT 391 tăng đột biến, gấp 10 lần so với lưu lượng xe trung bình năm 2015, gấp hơn 3 lần so với thiết kế; số liệu đếm xe trên ĐT 391 hiện nay trung bình là 9.731 xe quy đổi/ngày đêm; riêng xe container trung bình là 1.458 xe/ngày đêm, chiếm khoảng 47% lượng xe container đi các tuyến hướng Hà Nội - Hải Phòng.
Lưu lượng xe tăng đột biến đã làm cho tình hình an toàn giao thông trên ĐT 391 và đường nội thị TP Hải Dương diễn biến phức tạp (4 tháng đầu năm đã xảy ra 5 vụ tai nạn giao thông, làm 5 người chết và 1 người bị thương; so với cùng kỳ năm 2015 tăng 3 vụ TNGT, tăng 4 người chết, 1 người bị thương); làm hư hỏng kết cấu nền, mặt đường do vượt quá lưu lượng thiết kế, nguy cơ ĐT 391 bị hư hỏng nặng trong thời gian ngắn sắp tới, thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế để khắc phục hư hỏng công trình và đặc biệt ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt và an ninh trật tự của nhân dân hai bên đường (nhân dân huyện Tứ Kỳ nhiều lần làm đơn tập thể kiến nghị các cơ quan chức năng về vấn đề này), ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp trong khu vực. Việc các phương tiện đi vòng tránh các trạm thu phí cũng đồng thời không phát huy được hiệu quả khai thác dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Hải Ninh