Đề xuất thu phí ô tô nội đô của Sở GTVT TP Hà Nội đang vấp phải phản ứng của người dân dù mục tiêu hướng đến để hạn chế sự di chuyển của phương tiện cơ giới cá nhân vào các khu vực tập trung mật độ giao thông cao, giảm ùn tắc giao thông.
Liên quan vụ việc trên, trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp - Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng, dự thảo thu phí phương tiện cơ giới vào nội đô là không hợp lý và khó nhận được sự đồng thuận của nhân dân.
“Cần thận trọng mỗi khi thay đổi chính sách về thuế, phí, mỗi khi đặt ra một khoản thuế, phí mới”, Luật sư Cường nói.
Theo Luật sư Đặng Văn Cường, hiện nay đã có khá nhiều loại thuế phí mà đối với một số bộ phận người dân có đời sống khó khăn và thu nhập thấp thì những loại thuế, phí này đã là khá nặng nề.
|
Luật sư cho rằng, việc Hà Nội đề xuất thu phí ô tô nội đô dù để tăng ngân sách hay giảm ùn tắc thì đều không hợp lý và khó khả thi. |
Cụ thể, đối với các phường tiện cơ giới tham gia giao thông, hiện nay người dân đã phải tham gia đóng Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự, phí đăng kiểm, phí bảo trì đường bộ. Trước đó, khi sử dụng phương tiện còn có phí đăng ký, lệ phí trước bạ…
Do vậy, việc xem xét bổ sung thêm một quy định nào đó về phí mới thì cần phải cân nhắc kỹ mục đích của loại phí đó, đảm bảo tính khả thi, cũng như phải nhận được sự đồng thuận cao trong nhân dân, đặc biệt phải phán đoán sự tác động trở lại của loại thuế, phí này đối với sự phát triển kinh tế xã hội, văn hóa và đời sống của nhân dân.
“Hiện tại, chưa rõ phí phương tiện cơ giới vào nội đô được xem xét với mục đích nào? Tuy nhiên, theo tôi nếu để tăng ngân sách hay giảm ùn tắc thì đều không hợp lý, sẽ không đạt hiệu quả đối với hai mục đích này”, Luật sư Đặng Văn Cường nêu ý kiến.
Luật sư phân tích, đối với ngân sách, đã có nhiều loại phí được quy định đối với phương tiện cơ giới tham gia giao thông. Do đó, dưới góc độ tài chính kế toán thì không cần thiết phải thu thêm loại phí mới này.
Đối với mục đích giảm ùn tắc giao thông, hạn chế xe cơ giới đi vào nội đô càng thiếu tính khả thi, không hiệu quả. Việc thu thêm phí này hoàn toàn có thể dẫn tới tình trạng di chuyển cơ học dân cư từ ngoại đô vào nội đô, nhiều người dân ở ngoại thành sẽ đổ xô vào nội thành để sinh sống hoặc lựa chọn giải pháp gửi xe trong nội thành để không phải nộp phí. Từ đó mật độ dân cư càng tăng cao, phương tiện giao thông càng nhiều và tình trạng ách tắc giao thông vẫn sẽ diễn ra.
|
Luật sư Đặng Văn Cường. |
Bên cạnh đó, với mức sống và thu nhập hiện tại của đại đa số người lao động Việt Nam thì việc nộp thêm một khoản phí là khá khó khăn. Có những nghề nghiệp, công việc phải di chuyển đi lại nhiều lần, nếu mỗi lần di chuyển lại phải gánh chịu một lần phí thì không phải ai cũng có thể thực hiện được.
Ngoài ra, với phương án “xây dựng các trạm thu phí tự động với công nghệ hiện đại; nghiên cứu ban hành quy định lắp đặt thiết bị trả phí tự động trên tất cả ôtô trên địa bàn; mỗi chủ phương tiện phải mở tài khoản để phục vụ công tác thu phí phương tiện” thì cũng chưa khả thi.
“Hiện nay tại nước ta, đặc biệt là các khu vực nông thôn và cũng không loại trừ các thành phố lớn thì nhiều người dân không dùng và không có thói quen dùng tài khoản cá nhân. Như vậy, việc ban hành và thu thêm phí mới này xét về góc độ kinh tế, xã hội đều không đảm bảo tính khả thi và cũng chưa đủ cơ sở lý luận, căn cứ pháp lý để thực hiện”, Luật sư Cường nói.
Nói về việc Sở GTVT cho rằng, việc thu phí ô tô vào nội đô đã được nhiều nơi trên thế giới như: Singapore, London, Stockholm, Seoul, Dubai... áp dụng thành công, Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, nếu là so sánh và học hỏi việc thu phí này từ các nước phát triển thì có lẽ quá khập khiễng. Bởi điều kiện phát triển kinh tế, xã hội, hạ tầng giao thông là khác nhau. Phần lớn các nước phát triển hiện nay đã có hệ thống giao thông công cộng tương đối phát triển, người dân rất ít khi sử dụng phương tiện cá nhân, khi nhà nước không khuyến khích người dân sử dụng phương tiện cá nhân thì (họ có sự lựa chọn tối ưu khác là phương tiện công cộng) người dân sẽ tự nguyện chấp hành ngay.
“Khi so sánh luật pháp của Việt Nam với nước ngoài và học hỏi áp dụng thì cần phải xem xét trên sự tương đồng về các điều kiện vị trí địa lý, kinh tế xã hội, văn hóa, thu nhập và trình độ phát triển của đất nước. Trong khi đó giữa Việt Nam và nhiều nước phát triển hiện nay vẫn còn khoảng cách về các yếu tố này, việc áp dụng quy định về loại phí này ở Việt Nam là chưa hợp lý, chưa khả khi”, Luật sư Cường nhận định.
Luật sư Đặng Văn Cường dẫn chứng, ở một số nước trên thế giới thì các phương tiện giao thông công cộng rất phát triển, người dân chủ yếu sử dụng phương tiện giao thông công cộng, rất hạn chế sử dụng phương tiện di chuyển cá nhân. Trong khi đó tại Việt Nam phương tiện di chuyển cá nhân lại chiếm đa số, phương tiện công cộng còn chưa phát triển. Mỗi quy định có thể đúng và áp dụng được ở quốc gia này song chưa chắc đã áp dụng được ở quốc gia khác bởi thi vì điều kiện môi trường thực thi pháp luật tại mỗi quốc gia là khác nhau.
“Khi xem xét ban hành thu thêm một loại phí mới thì cần phải thật cân nhắc, thận trọng nghiên cứu, tính toán cụ thể xem có phù hợp, có khả thi hay không, cần phải đánh giá được tác động của nó lên đời sống kinh tế xã hội, và hơn hết cần phải nhận được sự ủng hộ, đồng thuận của nhân dân, thuyết phục được nhân dân. Với dự thảo thu “phí phương tiện cơ giới vào nội đô” theo tôi là khó có tính khả thi và dễ vấp phải sự phản đối của người dân”, Luật sư Cường cho biết.
Nhận định về vấn đề trên,
Luật sư Trương Quốc Hòe - Trưởng văn phòng luật sư Interla - cho rằng, hiện nay theo Luật Giao thông đường bộ chỉ được thu phí trong 2 trường hợp đó là phí tham gia giao thông và phí BOT.
“Trong trường hợp này, muốn thu phí vào nội đô, UBND TP Hà Nội và TP HCM phải chứng minh được đó là phí BOT, tức là nhà nước đầu tư, thu hồi và chuyển giao. Nếu không làm được điều đó thì không thể ngăn người dân thu tiền kiểu ngăn sông cấm chợ được. Như thế là vi phạm Luật An toàn giao thông. Hiện Thành phố HCM định xây dựng 34 cổng thu phí ô tô vào khu vực trung tâm, trong khi Hà Nội cũng đề xuất thu phí từ vành đai 3 trở vào nhưng mà phải phù hợp với Luật. Bây giờ tất cả con đường cũ rồi đè ngửa ra thu, chặn phương tiện vào thì không đúng quy định”, Luật sư Trương Quốc Hòe nói.
Hải Ninh