Ngày 24/11, tại hội nghị truy xuất nguồn gốc thực phẩm, ông Vũ Cao Cương, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, thời gian qua, thành phố đã tăng cường triển khai quyết liệt việc kiểm soát an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt là tại các bếp ăn trường học. Trong đó, công tác kiểm soát, truy xuất nguồn gốc nguyên liệu đầu vào được đẩy mạnh.
|
Ông Vũ Cao Cương, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội phát biểu tại hội nghị. Ảnh: HNM. |
Báo cáo của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, các đoàn thanh tra, kiểm tra, giám sát về an toàn thực phẩm đã kiểm tra 215 cơ sở, trong đó số cơ sở đạt là 182 (chiếm tỷ lệ 84,7%).
Các đoàn thanh tra, kiểm tra đã truy xuất nguồn gốc tại bếp ăn tập thể của 75 trường trên địa bàn 10 quận, huyện: Hoàn Kiếm, Đống Đa, Nam Từ Liêm, Đan Phượng, Quốc Oai, Thanh Xuân, Đông Anh, Phúc Thọ, Ba Vì, Long Biên.
Đại diện Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đánh giá, qua kiểm tra, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, đa số các trường đều chấp hành tốt các quy định về an toàn thực phẩm, ký hợp đồng với các đơn vị cung cấp có đủ hồ sơ năng lực. Tuy nhiên, bếp ăn tập thể của các trường vẫn còn tồn tại một số hạn chế.
Cụ thể, các trường chưa thực hiện công tác truy xuất nguồn gốc, kiểm tra giám sát định kỳ và đột xuất tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm thực phẩm cung cấp nguồn gốc nguyên liệu chế biến thực phẩm cho bếp ăn tập thể.
|
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: HNM. |
Ngoài ra, các đơn vị cung cấp thực phẩm (rau, củ, quả) chưa chứng minh được nguồn gốc đến địa chỉ trồng trọt. Nguồn gốc thực phẩm chỉ thể hiện được trên hóa đơn, chứng từ.
Bên cạnh đó, do không có đủ nhân sự nên người giao hàng không phải người đã có hợp đồng lao động hoặc người của đơn vị cung cấp thực phẩm mà chủ yếu là lái xe thuê hoặc xe ôm được cơ sở thuê thời vụ. Hầu hết các đơn vị cung cấp thực phẩm là đơn vị trung gian và chưa có phiếu giao nhận hay sổ giao nhận với người dân hoặc cơ sở trồng trọt trực tiếp.
Bà Lê Thị Hằng, Trưởng phòng Chuyên môn nghiệp vụ (Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội) cho rằng, cần tăng cường kiểm tra, đánh giá công tác tự quản lý an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể trường học.
Cùng với đó, tổ chức cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm, xác nhận tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm theo phân cấp. Đặc biệt, tổ chức các đoàn giám sát kiểm tra truy xuất nguồn gốc thực phẩm cung cấp cho các bếp ăn tập thể với mục tiêu truy xuất tận gốc nơi nuôi trồng, giết mổ, thu hái, đánh bắt…
Bà Hằng cho hay, các cơ quan chức năng trên địa bàn cần tiếp tục tăng cường giám sát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm cung cấp cho các trường học nói riêng và các bếp ăn tập thể nói chung. Đồng thời, tăng cường công tác truy xuất nguồn gốc, kiểm tra định kỳ và đột xuất tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm thực phẩm cung cấp nguồn gốc nguyên liệu chế biến thực phẩm cho bếp ăn tập thể.
Ngoài ra, xây dựng và hướng dẫn quy trình, phương án xử lý khắc phục khi xảy ra ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm và sự cố về an toàn thực phẩm”, bà Lê Thị Hằng nhấn mạnh.
Theo Phó Cục trưởng Cục ATTP, Bộ Y tế Nguyễn Hùng Long, Hà Nội là một trong 9 tỉnh, TP hiện thanh tra chuyên ngành ATTP ở cấp cơ sở. Thời gian qua, Hà Nội đã thực hiện rất tốt về công tác đảm bảo ATTP, truy xuất nguồn gốc thực phẩm.
"Chúng tôi mong muốn Hà Nội sẽ là nơi có thể chia sẻ được những kinh nghiệm trong toàn quốc về vấn đề triển khai các hoạt động ATTP. Thời gian tới, Hà Nội xem xét có thể triển khai hoạt động diễn tập, tập trung hơn vào những vấn đề Chi cục ATVSTP phải thực hiện. Nghĩa là diễn tập điều tra về ngộ độc, về truy xuất nguồn gốc. Chúng ta cần triển khai hoạt động diễn tập để phù hợp với điều kiện thực tế hơn", ông Long nói.
Mời quý độc giả xem video: "Kỳ lạ mây thấu kính vây quanh đỉnh núi Bà Đen".
Nguyễn Mai