Hà Nội nghiên cứu làm thêm 14 làn đường ưu tiên cho xe buýt

Google News

Ngoài việc tiếp tục duy trì làn đường ưu tiên tuyến BRT Kim Mã - Yên Nghĩa, Hà Nội nghiên cứu tổ chức 14 làn ưu tiên cho xe buýt giai đoạn từ nay đến 2030.

Trả lời cử tri trước kỳ họp thứ ba HĐND TP Hà Nội (dự kiến đầu tháng 12 tới), UBND TP thông tin, giai đoạn từ nay đến năm 2025, Hà Nội nghiên cứu tổ chức 9 làn đường ưu tiên cho xe buýt, gồm: Nguyễn Trãi - Trần Phú (Hà Đông); Pháp Vân - Giải Phóng - Đại Cồ Việt; Nguyễn Văn Cừ - Ngô Gia Tự; Phạm Hùng - Khuất Duy Tiến - Linh Đàm; Hoàng Quốc Việt; Trần Duy Hưng; Xã Đàn; Võ Chí Công; Võ Văn Kiệt.

Ha Noi nghien cuu lam them 14 lan duong uu tien cho xe buyt

Tuyến buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa

Giai đoạn 2026 đến 2030 nghiên cứu, tổ chức 5 làn ưu tiên: Nhổn - Hồ Tùng Mậu; Ngọc Hồi - Bến xe Thường Tín; Trần Duy Hưng - Hòa Lạc; Mỹ Đình - sân bay Nội Bài; Thường Tín - Phú Xuyên dọc theo quốc lộ 1 cũ.

Liên quan đến tuyến buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa, UBND TP cho biết, sau 4 năm vận hành, sản lượng hành khách vận chuyển có xu hướng tăng trưởng, năm sau cao hơn năm trước. 

Riêng trong năm 2020, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, sản lượng hành khách đi lại trên tuyến BRT cũng như các tuyến buýt khác trong toàn mạng có xu hướng sụt giảm (giảm 2,6% so năm 2019). Tuy nhiên, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, sản lượng hành khách trên tuyến bắt đầu có xu hướng ổn định trở lại.

UBND TP Hà Nội cho rằng từ những ưu điểm của tuyến BRT, TP sẽ đánh giá, nghiên cứu và đề xuất tổ chức các làn đường ưu tiên cho xe buýt tại tuyến đường có nhiều làn xe; số lượng tuyến và lưu lượng xe buýt lớn; làn đường ưu tiên phù hợp công tác tổ chức giao thông.

Tuyến buýt nhanh Kim Mã - Yên Nghĩa khởi công đầu năm 2013, đến cuối năm 2016 mới bắt đầu khai thác. Tuyến buýt chạy theo lộ trình Yên Nghĩa - Ba La - Lê Trọng Tấn - Lê Văn Lương kéo dài - Láng Hạ - Giảng Võ - bến xe Kim Mã.

Tổng đầu tư của dự án gồm xây dựng hạ tầng, nhà chờ, phương tiện... là 55 triệu USD (trên 1.100 tỷ đồng) bằng vốn vay của Ngân hàng Thế giới, trong đó Việt Nam góp vốn đối ứng bằng chi phí giải phóng mặt bằng.

Kết luận của Thanh tra Chính phủ hồi tháng 7/2021 nêu: "Mặc dù được đầu tư với số tiền rất lớn, dự án chưa đạt được hiệu quả như mong đợi, chưa đạt được mục tiêu đề ra là hạn chế phương tiện cá nhân, giảm ùn ắc giao thông và từng bước nâng cao chất lượng môi trường của TP".

Theo Hương Quỳnh/Vietnamnet