Mới đây, thành phố Hà Nội công bố các đồ án quy hoạch phân khu đô thị trong bốn quận nội đô lịch sử gồm Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng và Đống Đa. Tổng diện tích 4 quận nội đô này là 2.709 ha, với dân số hiện tại gần 900.000 người.
Ông Nguyễn Đức Hùng, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cho biết, với việc quy hoạch được thông qua, Hà Nội đặt quyết tâm không xây dựng nhà cao tầng trong nội đô và từ nay đến năm 2030 sẽ giảm 215.000 người xuống còn 672.000 người (dân số hiện tại gần 900.000 người).
Theo Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội việc di dời 215.000 người trong bốn quận nội thành hoàn toàn khả thi và phù hợp với thực tiễn. Ông Hùng lý giải, sẽ có 120.000 người thuộc diện giải phóng mặt bằng làm đường, lấn chiếm công trình công cộng được di dời. Đồng thời sẽ giảm cơ học 100.000 người khi di dời các trụ sở bộ ngành.
|
Hà Nội dự kiến di dời 215.000 người tại 4 quận nội đô. Ảnh: VnEconomy |
Tuy nhiên, trên thực tế, chủ trương giãn dân phố cổ được TP. Hà Nội đặt ra từ hơn 20 năm trước. Cụ thể, đề án giãn dân phố cổ được UBND TP. Hà Nội phê duyệt từ năm 1998 với mục tiêu di chuyển trên 6.500 hộ dân, với khoảng 27.000 người, dự kiến đề án giãn dân phố cổ Hà Nội sẽ kết thúc vào năm 2020.
Dù Hà Nội đã lên kế hoạch khởi công dự án từ năm 2002 với mục tiêu bước đầu di dời khoảng 7.000 dân tới khu đô thị Việt Hưng nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn còn nhiều vướng mắc, số dân phố cổ không giảm đi thậm chí còn tăng lên.
Điều này khiến dư luận lo ngại việc di dời 215.000 người tại 4 quận nội đô sẽ không dễ dàng.
PV đã có cuộc trao đổi với TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam xung quanh vấn đề trên.
Bước tái đột phá lại những định hướng trước đây cho nội đô Hà Nội
- Thưa TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, mới đây Hà Nội đã công bố các đồ án quy hoạch phân khu đô thị trong bốn quận nội đô lịch sử, nhiều ý kiến cho rằng đây là bước tái đột phá lại chủ trương giãn dân đã đặt ra cho thủ đô từ 20 năm trước. Ông nghĩ sao về việc này?
- Thực tế, quy hoạch phân khu lần này để giảm dân số là một bước tái đột phá lại những định hướng trước đây mà nhà nước đã đặt ra cho nội đô Hà Nội.
Từ quy hoạch chung của thủ đô được duyệt năm 1998 đã đặt ra vấn đề phải giảm bớt dân số nội đô để đảm bảo phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng sống, bảo tồn các di sản, tức là hài hòa giữa bảo tồn và phát triển mới.
Khi đó dân số nội đô lịch sử có khoảng 96 vạn người, quy hoạch đặt ra phải giãn dân xuống còn 80 vạn người. Nhưng thực tế từ năm 1998 cho đến quy hoạch 2008 mở rộng thành phố Hà Nội và quy hoạch chung được duyệt 2011, dân số vẫn không giảm mà còn tăng lên đến gần 1,4 triệu người trong nội đô lịch sử.
Do đó, quy hoạch phân khu lần này để giảm dân số là một bước tái đột phá lại những định hướng trước đây mà nhà nước đã đặt ra cho nội đô Hà Nội.
Di dời dân khả thi nhưng không dễ dàng
- Hà Nội cho rằng, việc di dời 215.000 người trong bốn quận nội thành theo quy hoạch phân khu lần này hoàn toàn khả thi và phù hợp với thực tiễn. Quan điểm của ông như thế nào?
- Tôi cho rằng, vấn đề đặt ra đã có quy hoạch nhưng phải tổ chức thực hiện quy hoạch.
Muốn thực hiện định hướng trong 6 phân khu thuộc 4 quận nội đô trên cần phải chú trọng một số vấn đề nếu không quy hoạch vẫn chỉ là quy hoạch chung.
Cụ thể, để thực hiện được, Hà Nội cần rút bài học từ quy hoạch chung năm 1998.
Trong đó, phải xác định rõ những khu vực để có thể giãn dân. Có một mô hình mà quy hoạch 2011 đã đề xuất đó là mô hình chùm đô thị của thành phố Hà Nội và các thị trấn sinh thái. Tuy nhiên, vừa qua, Hà Nội chậm triển khai các đô thị vệ tinh và các thị trấn sinh thái cũng chậm đi.
Do đó, người dân chưa thấy nơi họ dự kiến đến có sự hấp dẫn. Đặc biệt, những nơi ở này chưa tạo điều kiện cho họ ổn định kế sinh nhai và chất lượng cuộc sống.
Bài học của Nhật Bản, khi đối với các áp lực lớn về dân số trong các đô thị lịch sử, họ đã tạo ra các thị trấn sinh thái và các điểm dân cư ở phía ngoài có chất lượng cuộc sống cao. Nhưng kèm theo đó, họ có cơ chế tạo điều kiện thuận lợi cho những người dân di dời.
Ví dụ như những lứa tuổi người già, họ không nhất thiết phải làm các phương thức sản xuất nhưng họ có đời sống tốt, phù hợp với thu nhập của họ. Tức là tạo điều kiện thuận lợi về đất đai và nhà ở. Bài học này, Kuala Lumpur, Malaysia họ đã áp dụng thành công. Tuy nhiên, hiện Việt Nam chưa tạo ra được như vậy.
|
TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm. |
- Từ bài học ở Nhật Bản đặt ra vấn đề gì cho Hà Nội trong việc thực hiện di dời dân nội đô, thưa ông?
- Bài học thực tế cho thấy, nơi ở mới cho giãn dân không chỉ là nơi ở không, dù có môi trường sống tốt đi chăng nữa nhưng cũng phải đảm bảo cho họ có thu nhập để người dân diện di dời tiếp tục có cuộc sống mà họ đã từng sống trong nội đô lịch sử, nơi có nguồn sinh kế khá tốt.
Bài học ở đây là từ giãn dân phố cổ. Thực tế, chúng ta đã từng giãn dân phố cổ sang khu đô thị Việt Hưng, Ngọc Thụy rất hợp lý. Nhưng không hấp dẫn người dân bởi mới chỉ chú trọng nơi ở cho họ. Bởi chúng ta chưa chú trọng hạ tầng xã hội như trường học, nhà trẻ, dịch vụ thương mại. Người ta đi, con cái người ta cũng đi theo nên họ muốn phải đảm bảo cho con cháu họ có trường học tốt. Bản thân người ta cũng phải có kế sinh nhai để ổn định cuộc sống.
Trước đây, sau khi có quy hoạch đã đặt ra yếu tố phải tạo ra các khu thương mại mang hình thức truyền thống như phố cổ, có các khu vực bán như phố nghề hoặc cho người ta thuê giá rẻ. Cụ thể nhà chung cư cho người ta ở nhưng cũng phải là nơi họ buôn bán, sản xuất nhỏ lẻ nhưng chúng ta chưa tạo ra sự đồng bộ với các quy hoạch này cho nên chưa có sự hấp dẫn.
Hy vọng, quy hoạch lần này đưa ra vấn đề giãn dân như thế là sự tái đột phá lại nguyên nhân của mọi nguyên nhân mà hiện nay đặt ra như môi trường, ách tắc giao thông, các điều kiện nội đô trong lịch sử. Đồng thời đặt ra phải nâng cao chất lượng sống, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân thấy vai trò, trách nhiệm. Có như vậy việc đưa ra định hướng này mới trở thành hiện thực và khả thi.
Di dời các trụ sở bộ ngành, liệu có giảm cơ học được 100.000 người?
- Ông Nguyễn Đức Hùng, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội mới đây cho rằng, trong số 215.000 người di dời có khoảng 100.000 người giảm cơ học khi di dời các trụ sở bộ ngành. Liệu việc này có khả thi, thưa ông?
- Việc di dời các cơ quan ban ngành đã được đưa ra từ quy hoạch năm 1998, đến nay đã có 6 Bộ, ngành Trung ương di dời ra khỏi nội đô lịch sử. Tuy nhiên, vì sao đến nay chưa thể thu hút được cán bộ, công chức, viên chức ra ở tiếp cận khu vực đó?
Trở lại vấn đề, khi di dời trụ sở các Bộ, ngành đã được Thủ tướng xác định các lộ trình, đã có một số cơ quan di dời nhưng còn tồn tại 2 vấn đề.
Thứ nhất, trong thể chế, trong luật hiện nay, họ vẫn giữ lại các đất đai, các vị trí trong nội đô lịch sử. Trong khi đó quy hoạch cũng như Thủ tướng định hướng, đất do các Bộ, ngành di dời đi thì được triển khai thành các công trình công cộng hoặc các không gian xanh công cộng để nâng chất lượng sống cho nội đô lên.
Thế nhưng đến nay không thực hiện được do không đồng bộ các luật hiện hành. Luật đất đai khi giao đất cho các Bộ, ngành thì giao đất có thời hạn thường là 50 năm hoặc 70 năm. Trong thời hạn này, họ có toàn quyền quyết định sử dụng đất chứ không giao lại cho Hà Nội. Trong khi Hà Nội không thể có ngân sách để mua lại.
Lần này, Hà Nội đã có đề xuất với Chính phủ, khi di dời đi, Hà Nội có trách nhiệm bố trí địa điểm mới với quy mô thích hợp đề nghị cho phép thu hồi đất đai trụ sở cũ đã di dời để thực hiện theo định hướng công trình công cộng, không gian xanh.
Tuy nhiên, đề xuất này lại vướng mắc bởi ngân sách ở đâu để các Bộ, ngành khi di dời xây dựng trụ sở mới. Họ không chuyển nhượng, không bán diện tích đất tại trụ sở cũ thì ngân sách ở đâu? Do đó, Nhà nước phải chú trọng ngân sách đầu tư để gắn kết với định hướng phát triển của Hà Nội.
Thứ 2, khi di dời các trụ sở, kèm theo đó có sự biến động về giao thông đi lại, nơi ăn ở của cán bộ công chức, viên chức của các cơ quan trung ương. Theo thống kê, nếu tất cả các cơ quan Trung ương ở Hà Nội đã có tới gần 1 triệu người có liên quan đến các Bộ, ngành. Từ đó, đặt ra trụ sở mới của các Bộ, ngành phải trong các khu đa dạng như có cả nhà chia lô, nhà vườn, chung cư để cán bộ công chức, viên chức đến, mới giảm bớt ở nội đô. Tuy nhiên, cán bộ công chức cũng không phải ai cũng đủ tiền mua đất, mua nhà cho nên phải có chính sách, cơ chế ưu đãi. Nên việc thực hiện sẽ không dễ dàng.
- Xin cảm ơn TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm!
>>> Mời độc giả xem thêm video Hà Nội xây dựng cung thiếu nhi mới hơn 1.300 tỷ đồng
Nguồn: Truyền hình Nhân dân.
Hải Ninh