Bạo hành trường học, nhất là đối với trẻ mầm non là vấn đề nhức nhối khiến dư luận bức xúc trong suốt thời gian qua. “Cô giáo như mẹ hiền” nhưng thời gian qua, nhiều vụ việc chính những người “như mẹ hiền ấy” lại hóa thú dữ “cô nuôi dạy hổ” khi có những hành động bạo hành trẻ mầm non. Mỗi một vụ việc được phát hiện, các cơ quan chức năng đều vào cuộc, mổ xẻ nguyên nhân, xử lý vi phạm. Không ít giáo viên đã bị loại khỏi ngành, số còn lại ít nhất không được đứng lớp. Tuy nhiên, tình trạng trên không thay đổi mà có xu hướng gia tăng.
Mới đây, một cháu bé 15 tháng tuổi bị chính cô giáo mầm non có những hành động bạo hành trong khu vực nhà vệ sinh, bắt uống nước bồn cầu trước sự chứng kiến của một số trẻ khác khiến dư luận vô cùng bức xúc. Một cô giáo khác chứng kiến sự việc nhưng thờ ơ, vô cảm không có động thái can ngăn.
|
Hình ảnh nữ giáo viên bạo hành học sinh mầm non, bắt uống nước bồn cầu. |
Sự việc trên sau đó được xác định xảy ra tại trường mầm non Ninh Khang (huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình). Cô giáo có hành vi bạo hành học sinh lớp 2 tuổi B là Nguyễn Thị Phương Thảo (SN 1986) và nữ giáo viên chứng kiến sự việc nhưng vô cảm là Bùi Thị Mai (SN 1967).
Ngay sau khi nhận thông tin vụ việc, trường Mầm non Ninh Khang đã đình chỉ hai nữ giáo viên trên, yêu cầu viết tờ trình để có hướng xử lý. Lãnh đạo Phòng GD&ĐT Hoa Lư cũng quyết liệt yêu cầu nhà trường tường trình vụ việc, giải quyết với tinh thần không bao che, sai đến đâu xử lý đến đó.
Cách đó ít ngày, một giáo viên trường mầm non Họa Mi (Long Khánh, Đồng Nai) đã làm gãy chân một trẻ lớp mầm 3 tuổi khi vắt chân phải bé lên cổ khi cho bé ăn.
Hành vi bạo hành trẻ mầm non không chỉ khiến một đứa trẻ non nớt thơ ngây phải trải qua nỗi đau thể xác và tinh thần, ảnh hưởng đến tâm lý và sự phát triển của trẻ. Mà còn làm ảnh hưởng đến toàn ngành giáo dục, ảnh hưởng đến những giáo viên chân chính đang ngày đêm chăm lo cho sự nghiệp trồng người. Đồng thời cũng là minh chứng cho sự xuống cấp đạo đức nhà giáo của một bộ phận giáo viên, khiến tình trạng bạo lực học đường tiếp tục diễn biến phức tạp. Ngay giáo viên còn dùng bạo lực với đứa trẻ thì không khó lý giải vì sao xảy ra nhiều vụ việc học sinh đánh nhau trong trường, lớp học.
Nhiều ý kiến tiếp tục đặt ra câu hỏi: “Triệt đường” bạo hành thế nào để không tiếp tục xảy ra những vụ việc tương tự?
Phân tích từ thực tế có thể thấy rằng nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng bạo hành trẻ mầm non xảy ra tại nhiều nơi chính là chất lượng đào tạo giáo viên mầm non. Dù hiện nay, thống kê cho thấy có tới 60% giáo viên mầm non được đào tạo từ cao đẳng trở lên nhưng 30% chỉ có trình độ trung cấp sư phạm. Không ít cơ sở đào tạo giáo viên mầm non chạy theo số lượng, không đảm bảo đầu vào cũng như đầu ra của giáo viên.
Một nguyên nhân khác chính là do áp lực trong công việc thực tế. Bởi trẻ mầm non là lứa tuổi đặc biệt, chưa thể nhận biết đúng sai, đặc biệt trong sinh hoạt cá nhân.
Do đó, việc nuôi dạy trẻ mầm non cần những giáo viên thực sự có tình yêu trẻ, đủ sự kiên nhẫn mới có thể làm tốt vai trò vừa làm mẹ vừa làm cô giáo. Bởi giáo viên mầm non phải chăm sóc trẻ từ miếng ăn, giấc ngủ, sinh hoạt cá nhân tại lớp học, trong khi thực tế đồng lương, chế độ đãi ngộ không cao. Nếu không được đào tạo bài bản, không có tình yêu trẻ, làm việc cho có để hưởng lương, việc bạo hành với trẻ xảy ra là điều tất yếu ở một bộ phận giáo viên sa sút về đạo đức.
Để triệt tiêu triệt để giáo viên trẻ mầm non dù bất kỳ nguyên nhân gì cũng phải loại bỏ những giáo viên có hành vi bạo hành ra khỏi ngành giáo dục. Dù biết rằng, việc loại khỏi ngành đối với nhiều giáo viên và gia đình sẽ bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, không thể xuê xoa, nương nhẹ với những “con sầu làm rầu nồi canh” làm ảnh hưởng đến ngành giáo dục. Chỉ có quyết liệt cắt bỏ “những khối u nhọt” dù đau nhưng mới đảm bảo được một môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn. Chỉ có loại khỏi ngành mới có thể có sức răn đe để những giáo viên khác nhìn vào những tấm gương xấu xí ấy, không tái diễn tình trạng bạo hành.
Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên mầm non. Công tác đào tạo phải bám sát vào yêu cầu cần thiết của một giáo viên mầm non, nhất là việc nâng cao đạo đức nhà giáo, phẩm chất của một người giáo viên. Một giáo viên có đạo đức, có chuyên môn nghiệp vụ, có lòng yêu thương trẻ, có sự hi sinh sẽ không bao giờ có hành động bạo hành trẻ.
Đồng thời, cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước tại các cơ sở giáo dục mầm non, nhất là với những trường tư thục, trường ngoài công lập. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục mầm non cần nâng cao chế độ lương, thưởng với giáo viên, giảm tải áp lực trong việc dạy học…
Nhà giáo vốn được cả xã hội tôn vinh bởi sứ mệnh trồng người. Trong sứ mệnh cao cả ấy, đòi hỏi nhà giáo phải có đủ phẩm chất, đạo đức, trách nhiệm của một nghề cao quý. Bên cạnh đó, không ai có thể chấp nhận những người làm nghề giáo vi phạm đạo đức nhà giáo, bạo hành chính học sinh của mình, tạo nên những hình ảnh xấu xí làm ảnh hưởng đến ngành giáo dục. Những giáo viên như vậy không thể đứng lớp mà cần kiên quyết loại khỏi ngành mới có thể triệt nạn bạo hành do giáo viên gây ra.
Do đó, dư luận yêu cầu cần loại khỏi ngành ngay lập tức giáo viên trường mầm non Ninh Khang bạo hành học sinh. Chỉ có quyết liệt với những chế tài đủ mạnh mới có thể giữ gìn môi trường giáo dục thân thiện, an toàn, giảm thiểu những bức xúc của xã hội đối với ngành giáo dục.
>>> Mời độc giả xem thêm video Bạo hành trẻ em tại trường mầm non tư thục ở huyện Sóc Sơn, cô giáo nhồi thức ăn học sinh:
Tâm Đức