Không có chứng chỉ vẫn dạy kèm rồi đánh HS dã man: Tội chồng tội?

Google News

(Kiến Thức) - Nữ giáo viên tại cơ sở dạy thêm bạo hành học sinh tại Ninh Thuận đang gây bức xúc dư luận khi không phải là giáo viên thuộc các trường trên địa bàn, không có chứng chỉ ngành sư phạm…

Mấy ngày nay, dư luận vô cùng bức xúc trước sự việc các em học sinh tiểu học bị bạo hành tại cơ sở dạy thêm 86C Hải Thượng Lãn Ông, phường Tấn Tài (TP Phan Rang – Tháp Chàm).
Theo phản ánh của báo chí và hình ảnh ghi lại từ clip cho thấy, một phụ nữ đứng lớp ở cơ sở dạy thêm này liên tục dùng tay, thước đánh liên tục vào người các học sinh cùng những lời lẽ miệt thị khiến các học sinh vô cùng sợ hãi. Cơ sở dạy thêm do bà bà Phan Trần Linh Thu (51 tuổi, ngụ tại phường Tấn Tài) thuê để dạy thêm từ năm 2017 có thu học phí với mức 1,1 triệu đồng/tháng/học sinh.
Đáng chú ý, theo lời bà Thu, việc bạo hành, đánh học sinh để các em làm bài và học bài đầy đủ và thừa nhận không có chứng chỉ ngành sư phạm.
Hiện Công an TP Phan Rang - Tháp Chàm đang chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương điều tra vụ việc có dấu hiệu bạo hành học sinh và đã triệu tập bà Thu lên làm việc, Qua kiểm tra, cơ quan chức năng xác định bà Thu không phải là giáo viên thuộc các trường trên địa bàn, không có chứng chỉ ngành sư phạm, cũng không thuộc Phòng Giáo dục và đào tạo thành phố Phan Rang - Tháp Chàm quản lý, cơ sở không thực hiện thủ tục đăng ký dạy thêm - học thêm theo quy định.
Cơ quan chức năng địa phương đã ra quyết định tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dạy kèm của bà Thu.
Khong co chung chi van day kem roi danh HS da man: Toi chong toi?
 Hình ảnh nữ "giáo viên" đánh học sinh.
Trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, bà Phan Trần Linh Thu không đủ phẩm chất để làm cô giáo, không đủ kỹ năng và tình yêu thương để hoạt động trong lĩnh vực giáo dục. Bởi vậy, cơ quan chức năng sẽ làm rõ người phụ nữ mày có phải được đào tạo trong ngành sư phạm hay không, việc tổ chức dạy thêm của người này có đúng quy định của pháp luật hay không, đồng thời sẽ xem xét trách nhiệm pháp lý đối với hành vi bạo hành trẻ em trong thời gian vừa qua.
Theo quy định của pháp luật, giáo dục và ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Chỉ có những người được đào tạo, có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm phù hợp thì mới được phép tham gia hoạt động giáo dục. Các đơn vị, tổ chức cung cấp dịch vụ giáo dục thì phải có sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền theo quy định pháp luật.
Pháp luật nghiêm cấm việc tổ chức dạy thêm, học thêm từ nhiều năm nay để tránh những hệ lụy, tiêu cực trong xã hội và giảm tải cho sự vất vả trong học tập của học sinh.
Luật sư Đặng Văn Cường đặt câu hỏi, cơ sở dạy thêm của bà Phan Trần Linh Thu không có biển hiệu, không được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền, không có sự quản lý của nhà nước đối với hoạt động này nhưng không hiểu vì sao các phụ huynh lại đưa con mình đến đây để người phụ nữ này hành hạ, đánh đập như vậy. Luật sư đồng thời cho rằng, giáo dục trong xã hội hiện đại là phát huy tính tự chủ, tạo hứng thú, khơi gợi sự sáng tạo của người học, lấy người học làm trung tâm, môi trường giáo dục hạnh phúc.
Tuy nhiên, những hình ảnh đánh đập, chửi bới, hành hạ học sinh thể hiện qua clip cho thấy đây là một hoạt động phản giáo dục, xâm hại nghiêm trọng đến sức khỏe, tâm lý của học sinh, gây tổn thương nặng nề cho các em.
Với kiểu giáo dục này sẽ gia tăng tình trạng trầm cảm và hoàn toàn có thể gây thương tích cho các em, khiến các em trở nên tự ti. Hành vi đánh đập, chửi bới, sỉ nhục các em thường xuyên như vậy cũng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của các em, nuôi dưỡng tâm lý sử dụng bạo lực để giải quyết vấn đề, hậu quả sẽ hết sức lâu dài...
Bởi vậy, hội bảo vệ trẻ em Việt Nam, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cần phải lên tiếng phản đối mạnh mẽ và có hình thức xử lý nghiêm mình đối với bà Phan Trần Linh Thu để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra, đảm bảo môi trường học tập văn minh, lành mạnh, an toàn cho các em.
“Vụ việc này được phản ánh công khai trên báo chí nên cơ quan điều tra sẽ vào cuộc xác minh làm rõ điều kiện hoạt động dạy và học của cơ sở dạy thêm này, làm rõ điều kiện, tiêu chuẩn của người phụ nữ trong clip trong lĩnh vực giáo dục (người này có bằng cấp, chứng chỉ hay không, có được phép tổ chức dạy thêm hay không), việc quảng cáo, giới thiệu, thu tiền diễn tả như thế nào để có hình thức xử lý về mặt quản lý nhà nước theo quy định pháp luật”, Luật sư Cường nêu ý kiến.
Nếu có sai phạm trong lĩnh vực này thì có thể xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự liên quan đến việc tổ chức dạy thêm trái quy định và nhận tiền trái quy định (Có thể có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản nếu người phụ nữ này không có bằng cấp, chứng chỉ, không có trình độ như giới thiệu).
Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng sẽ liên hệ với các gia đình học sinh để làm rõ hậu quả đối với các em về thân thể và tâm lý. Nếu có học sinh bị thương tích thì cần phải cứu chữa kịp thời và tiến hành giám định thương tích để làm căn cứ xử lý người phụ nữ này theo quy định pháp luật.
Trong trường hợp có học sinh bị thương tích, dù tỉ lệ chưa tới 11 % thì cũng có thể xử lý hình sự người phụ nữ này về Tội cố ý gây thương tích với tình tiết định khung là: Phạm tội với người dưới 16 tuổi; Có tính chất côn đồ; Sử dụng hung khí nguy hiểm..
Theo quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015 hình phạt là cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Trong trường hợp hậu quả nghiêm trọng hơn thì hình phạt sẽ nghiêm khắc hơn theo quy định của điều luật này.
Trong trường hợp không chứng minh được tỉ lệ thương tích của nạn nhân nhưng có căn cứ cho thấy người phụ nữ này đã đối xử tàn ác, thường xuyên đánh đập, hành hạ các học sinh ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý, sức khỏe của học sinh, gây dư luận xấu cho xã hội thì cơ quan điều tra vẫn có thể khởi tố người phụ nữ này về tội hành hạ người khác theo quy định tại Điều 140 Bộ luật hình sự với hình phạt là cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Luật sư Cường cho rằng, các phụ huynh cũng cần có sự tư vấn của các chuyên gia tâm lý, đưa các em đến thăm khám, kiểm tra về tâm lý xem các em có bị tổn thương về tâm lý hay không. Việc các em phải sống trong môi trường bạo lực, bị đánh đập, hành hạ trong thời gian dài có ảnh hưởng đến tâm lý của các em hay không, để điều trị, chữa trị kịp thời, tránh hậu quả hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Vụ việc này tiếp tục là một tiếng chuông cảnh tỉnh trong hoạt động giáo dục, cần có sự vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương trong việc quản lý giáo dục tránh những cơ sở giáo dục chui ngang nhiên tồn tại, hoạt động gây ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý và sức khỏe của các em, gây hoang mang, lo lắng trong dư luận.
Thời gian gần đây liên tục xảy ra những vụ việc đánh đập, hành hạ, bạo hành học sinh diễn ra ở nhiều cấp học, nhiều loại cơ sở giáo dục, nhiều giáo viên đã bị kỷ luật, thậm chí bị khởi tố, bị xử phạt tù nhưng tình trạng này vẫn chưa được kiểm soát, vẫn còn diễn ra những vụ việc như thế này gây bức xúc cho dư luận.
Bởi vậy ở địa bàn nào, khu vực nào để xảy ra tình trạng này thì người đứng đầu tổ chức, đơn vị có chức năng quản lý đó phải chịu trách nhiệm, phải có hình thức xử lý. Phải gắn trách nhiệm quản lý, gắn trách nhiệm người đứng đầu cơ quan quản lý đối với những vụ việc như thế này thì mới mong giảm bớt và mới kiểm soát được tình trạng bạo lực học đường, xâm hại trẻ em.
>>> Mời độc giả xem video Học sinh bị miệt thị, đánh dã man ở Ninh Thuận:

Nguồn: Báo Giao thông.

Điều 140. Tội hành hạ người khác
1. Người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 185 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
b) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% trở lên49 ;
c) Đối với 02 người trở lên.

Hải Ninh