Giáo viên phải làm nông, bán hàng trên mạng để tăng thu nhập

Google News

Mặc dù nghề giáo là nghề cao quý, được xã hội coi trọng nhưng giáo viên cũng không nằm ngoài gánh lo cơm, áo, gạo, tiền.

Nhiều giáo viên cho biết với mức lương hiện tại, họ không thể sống được với nghề cũng như chuyên tâm giảng dạy, đào tạo thế hệ trẻ.
Nhiều thầy cô thừa nhận: "Nếu mưu cầu cuộc sống cao thì nghề giáo không phải là lựa chọn đúng".
Tại Quảng Trị, cô Ngọc - giáo viên dạy tiếng Anh cấp 3, với 6 năm trong nghề - thông tin mức lương hiện tại của cô khoảng 4,1 triệu. Ngoài thời gian đi dạy, cô cũng phải trồng trọt, chăn nuôi và thỉnh thoảng bán hàng trên mạng để tăng thêm thu nhập.
"Mức lương của chồng tôi cũng tương đương như vậy. Hiện tại, chúng tôi nuôi một đứa con còn được, nhưng nếu có đứa thứ hai sẽ vất vả", chị chia sẻ.
Giao vien phai lam nong, ban hang tren mang de tang thu nhap
 Mức lương thấp khiến cuộc sống của giáo viên gặp nhiều khó khăn. Ảnh minh hoạ.
Chảy máu chất xám
Thầy Tùng - giảng viên dạy tiếng Anh ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM - cho biết: “Với mức lương 4,5 triệu đồng như hiện nay, tôi chỉ đủ tiền thuê nhà và đi lại. Đồng nghĩa là tôi phải đi dạy thêm, làm các dự án bên ngoài để kiếm thêm thu nhập.
Nhiều đồng nghiệp của tôi còn chấp nhận thuê nhà xa nơi làm để tiết kiệm tiền”.
Thầy chia sẻ lý do gắn bó với nghề chủ yếu vì đam mê. Chấp nhận sống được với đam mê thì phải tự thân vận động, tự cứu lấy mình và không trông mong gì ở đồng lương giảng viên, dù trước đó đang làm việc ở công ty nước ngoài với mức lương ổn định.
“Thực sự tôi cũng ái ngại mỗi lần bạn bè hỏi thăm lương bổng, cùng tốt nghiệp với mình nhưng nhiều người làm công ty nước ngoài thì mức lương cao hơn rất nhiều”, thầy Tâm tâm sự.
Đồng quan điểm, cô Hạnh - một giảng viên tại TP.HCM - cho rằng: “Rất khó để giảng viên có thể sống bằng lương nếu chỉ đi dạy, trừ trường hợp có vợ/chồng là nghề khác và có thu nhập cao. Thực tế, giảng viên phải đi dạy nhiều nơi với nhiều hình thức để kiếm tiền”.
Cô Hạnh chia sẻ với Zing.vn, mặc dù nghề giáo là nghề cao quý, được xã hội coi trọng nhưng giảng viên cũng không nằm ngoài gánh lo cơm, áo, gạo, tiền.
Muốn tận tụy, cống hiến với nghề, ít nhất giảng viên cũng phải sống được với nghề, Nếu không, những lời mời gọi từ các công ty nước ngoài, các trường quốc tế buộc lòng giảng viên phải ra đi.
Thầy P. V. Thanh - một giảng viên khoa Điện - Điện tử, ĐH SPKT TP.HCM - thông tin: “Nhiều giảng viên trường công lập ở TP.HCM lương chỉ vài triệu đồng một tháng, làm sao giữ chân giáo viên, để họ có thể cống hiến hết mình cho nghề. Giảng viên đi dạy mà xem đây như công việc làm thêm, các trường cũng đành mắt nhắm mắt mở chấp nhận cho qua”.
Thầy Thanh tâm sự: "Năm 2006, khi học nghiên cứu sinh ở Hàn Quốc, các bạn nghiên cứu sinh bên Băng-la-đét cho biết nếu học quay về đất nước làm thì mức lương từ 600-1.000 USD, trong khi Việt Nam lúc đó chỉ có 100-200 USD/tháng. Mà Băng-la-đét có mức thu nhập bình quân thấp hơn nước mình.
Chưa kể, nếu đi học tiến sĩ ở châu Âu, các học viên nhận được mức lương khoảng 2.900 Euro/tháng, trừ thuế 2.200 Euro.
Nhưng khi về Việt Nam, mức lương vài triệu đồng làm họ không thích ứng được. Tất nhiên có nhiều yếu tố khiến những người tài không trở về nước, nhưng thu nhập là lý do chính khiến họ không mặn mà quay về cống hiến".
Trong khi đó, thầy Quang - giáo viên dạy tiếng Anh cấp THPT tại Chương Mỹ, Hà Nội - cho biết với mức lương ít ỏi của nghề giáo, gần như thầy cô nào cũng phải đi làm bên ngoài để kiếm thêm, trừ khi sống trong gia đình có điều kiện.
Thầy chia sẻ: "Ban đầu, tôi vừa dạy ở trường, vừa dạy ở trung tâm. Sau đó, cảm thấy dạy trong trường phải chịu nhiều áp lực, lương quá thấp, tôi quyết định nghỉ ở trường và chuyên tâm dạy ngoài".
Chỉ mong đồng lương tương xứng
Đề cập đến nguyện vọng về chế độ đãi ngộ dành cho giảng viên, thầy Tâm mong muốn: “Chỉ mong đồng lương nhận được tương xứng với những gì mình bỏ ra, tôi chấp nhận hưởng lương theo đóng góp và cống hiến”.
Cô Ngọc cho biết: "Nguyện vọng chung của giáo viên là có mức lương cơ bản cao hơn, cơ hội nâng lương trước thời hạn nhiều và dễ dàng hơn.
Hiện tại, cơ hội nâng lương trước thời hạn có nhiều hạn chế như phải được cất nhắc, phải tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi, có công trình nghiên cứu khoa học hoặc là giáo viên dạy giỏi".
Thầy Thanh bày tỏ băn khoăn: “Chúng ta biết giáo dục và y tế là những ngành siêu lợi nhuận nhưng không hiểu sao lương của giảng viên lại thấp đến thế. Phải chăng là do cơ chế quản lý?”.
Thầy đề xuất các trường đại học có thể tiến đến tự chủ kinh phí. Vì mức lương của giảng viên ở các trường dân dập, các trường tự chủ kinh tế tương đối cao.
Mặc dù bị yêu cầu đến trường làm việc full-time nhưng đổi lại, giáo viên sẽ có điều kiện phòng ốc, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, lương bổng để có thể yên tâm nghiên cứu khoa học, giảng dạy.
Trong khi ở các trường công lập, giảng viên còn không có nổi chỗ ngồi làm việc khi đến trường, cứ đến dạy rồi về như trung tâm dạy kèm.
Theo Kim Ngân - Nhật Lệ/Zing