Song giáo viên Quốc Anh lại ủng hộ việc TP HCM dùng biện pháp mạnh. Mới đây, Sở GD&ĐT TP HCM cho biết sẽ kỷ luật ở mức cao nhất là đuổi việc, nếu giáo viên trên địa bàn thành phố vi phạm quy định cấm dạy thêm ở nhà trường, cũng như bên ngoài trong năm học 2016-2017. Một lần nữa, thông tin này gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận.
Dạy thêm là quyền được lao động
Thầy Đức Trung - giáo viên tại quận 1, TP HCM - chia sẻ quan điểm: “Giống như việc học, việc dạy thêm cũng là quyền của con người, không thể cấm. Chúng ta đang sống trong xã hội dân chủ, nhưng lại không được làm chủ, cụ thể ở đây là người giáo viên bị động trong lệnh cấm".
Theo nam giáo viên, trước một quyết định lớn và có tầm ảnh hưởng đến ngành Giáo dục thành phố, Sở GD&ĐT, Thành ủy TP HCM nên lấy ý kiến của người dân, ít nhất là những người trong cuộc như giáo viên, phụ huynh và học sinh. Nhưng hiện tại, chúng ta đang thiếu cuộc "đối thoại" này.
|
Học sinh ôn tập trước kỳ thi. Ảnh: Như Quỳnh. |
Là người làm trong ngành Giáo dục, thầy Đức Trung nêu, thực tế có hiện tượng giáo viên ép học sinh đi học thêm bằng cách dùng điểm số, cắt xén chương trình. Vậy lệnh cấm hãy chỉ sử dụng cho những trường hợp trên.
Nếu cấm tất cả giáo viên, Sở GD&ĐT, Thành ủy TP HCM đang cào bằng việc làm sai trái và lẽ phải. Như vậy, một nghề cao quý như giáo viên lại bị coi như tội phạm.
Theo đánh giá của thầy Đức Trung, lệnh cấm dạy thêm, học thêm chỉ là cách giải quyết phần "ngọn", trong khi "gốc" của vấn đề chưa được đề cập. Vấn đề lương bổng, đãi ngộ của người giáo viên đang ở mức thấp. Họ không thể cân bằng thu nhập và sự phát triển của xã hội, nên việc dạy thêm là điều tất yếu.
Thầy Trung đề xuất, vấn đề lương bổng và chế độ cần được xem xét lại để không "cào bằng" giữa những người cống hiến ít và cống hiến nhiều.
Ngoài ra, hiện tại tất cả áp lực đều đổ dồn lên người giáo viên. Về áp lực thành tích, kết quả thi cử với các câu hỏi "Làm sao để đậu đại học?" vẫn được nêu ra từ các cấp quản lý đến phụ huynh, học sinh. Thêm nữa, ngành Giáo dục liên tục đổi mới qua mỗi năm, khiến giáo viên, phụ huynh và học sinh hoang mang.
“Với đề thi và chương trình học hiện tại, chúng ta tự hỏi, có bao nhiêu thí sinh không đi học thêm mà vẫn đỗ đại học với kết quả cao?” - thầy Trung thẳng thắn.
Giáo viên này cho rằng, việc ra đề thi, áp lực thi cử, chương trình sách giáo khoa cần được lồng ghép sao cho việc dạy và học nhẹ nhàng, hiệu quả hơn.
Từ những thực tế trên, thầy giáo trẻ cho rằng, lệnh cấm dạy thêm, học thêm chỉ có tác dụng trong vài năm nữa:
"Đến một lúc nào đó sẽ không còn ai để cấm dạy thêm, học thêm, bởi lượng thí sinh thi vào ngành Sư phạm hay cống hiến cho giáo dục sẽ không còn nhiều. Học sinh cũng có thể lựa chọn một môi trường giáo dục thoải mái, dù tốn kém hơn, đó là việc đi du học".
Cần dùng biện pháp mạnh
Trong một quan điểm khác, thầy Trần Quốc Anh - giáo viên tại Hà Nội - cho rằng: Lãnh đạo Sở GD&ĐT TP HCM khẳng định, cơ quan quản lý không cho phép giáo viên dạy thêm cho học sinh chính khóa của mình, dù dạy trong hay ngoài trường.
Như vậy, Sở GD&ĐT bản chất không phải “cấm dạy thêm”, mà chỉ là “cấm giáo viên dạy thêm cho học sinh chính khóa của mình, dưới mọi hình thức”. Điều này hoàn toàn đúng.
|
Lớp học của thầy giáo Trần Quốc Anh. Ảnh: NVCC. |
Thứ nhất, những câu chuyện như học sinh đi học thêm thầy cô ở lớp để nâng điểm, biết trước những bài kiểm tra định kỳ, không bị trù úm đã quá phổ biến, trở thành nỗi lo của số đông phụ huynh.
Thứ hai, việc cấm sẽ mang tới môi trường cạnh tranh lành mạnh hơn, thúc đẩy giáo viên nâng cao năng lực của mình. Để đào tạo ra những học sinh tốt, cần đội ngũ giáo viên giỏi và có tâm. Không thể “ép” học sinh ở lớp đi học thêm. Vậy muốn các em khác tới học, thầy cô sẽ cần nâng cao chuyên môn và cải tiến phương pháp truyền đạt.
"Tôi được biết, tại Hà Nội có rất nhiều trường ép học thêm bằng cách biến tướng theo kiểu cô giáo đọc sẵn mẫu đơn, bắt học sinh chép tay 'Đơn xin sinh hoạt câu lạc bộ', hay 'Đơn xin tự nguyện học thêm' để bố mẹ ký vào. Những vấn nạn này đã có nhiều biện pháp nhẹ nhàng nhưng không mang lại hiệu quả, đã đến lúc dùng phương án mạnh mẽ hơn", thầy giáo nêu quan điểm.
Phía sau lệnh cấm là một cuộc chiến
Cô Huyền Thảo - giáo viên trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP HCM - lại quan tâm nhiều hơn đến việc ngành Giáo dục cần có nhiều thay đổi để đạt hiệu quả trong cách dạy và học khi thực hiện lệnh cấm này.
Trước tiên đó là khâu ra đề thi, không nên ra theo hướng “thách đấu tri thức” mà phải theo hướng phân loại, đánh giá năng lực của học sinh. Cách ra đề thi này có thể tham khảo theo đề Đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội.
Theo nữ giáo viên, phụ huynh và học sinh phải đồng lòng mới có thể thực hiện lệnh cấm dạy thêm, học thêm. Bởi một phần nhức nhối của vấn đề giáo dục cũng do những kỳ vọng của phụ huynh, học sinh vào nền giáo dục quá lớn, tạo nên những gánh nặng và áp lực lên chính các em.
Là giáo viên cấp 3, cô Huyền Thảo nhận định: Học sinh ngày nay còn nhiều hạn chế như khả năng tự học, khai thác và xử lý sách, biến kiến thức từ sách thành của mình, diễn đạt bằng ngôn ngữ của bản thân, khả năng tự xử lý và giải quyết các vấn đề liên quan đến tri thức và kỹ năng.
Theo Zing