Liên quan đến vụ giang hồ vây công an, sáng 19/6, phóng viên Người Lao Động đã tìm tới nhà ông Lê Vũ Trường Hải (SN 1974, ngụ TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) và có cuộc trao đổi liên quan đến vụ việc. Và dưới đây là nội dung phóng viên ghi lại qua lời kể của ông Hải. Riêng vụ việc hiện vẫn đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ.
Bị phang ghế vào mặt?
Theo ông Hải, ông và Nguyễn Tấn Lương (SN 1982, ngụ TP Biên Hòa, kinh doanh vật liệu xây dựng và bất động sản) mới quen nhau được khoảng 3 tháng. Ngày 12/6, ông Hải xuống Đồng Nai để tham khảo ý kiến ông Lương trong việc đầu tư vài lô đất ở Đồng Nai và được ông Lương mời tới quán Lam Viên ăn cơm. Trong bàn có khoảng 7-8 người nhưng ông Hải chỉ quen mỗi ông Lương.
|
Ông Lê Vũ Trường Hải trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động sáng 19/6 |
Đến khoảng 13 giờ 30 phút cùng ngày, ông Hải và ông Lương ra đứng trước cửa phòng quán để bàn chuyện mua đất thì bất ngờ có 1 người ở phòng nhậu kế bên chạy ra ói trúng ông Lương và văng vào người ông Hải. Thấy nhân viên cười và bị ói lên người nhưng không được xin lỗi nên ông Lương bức xúc tới cãi rồi đấm người này 1 cái. Thấy sự việc căng thẳng, ông Hải kéo ông Lương quay trở lại phòng.
Cũng theo ông Hải, khoảng 10 phút sau, có 3 người cùng người ói lao vào phòng, chặn cửa lại. Khi 2 bên lời qua tiếng lại thì một người đi đầu đấm 1 phát vào mặt ông Lương, khiến ông ngã xuống. Thấy vậy, ông Hải đứng dậy can ngăn thì liền bị người còn lại dùng tay đấm 1 phát vào mặt khiến ông choáng váng. Chưa kịp phản ứng gì thì ông Hải tiếp tục bị người này đạp té sấp xuống đất. Khi ông Hải đang nằm trên sàn nhà, vừa ngửa mặt lên thì bị người này dùng ghế gỗ phang vào mặt rồi nhóm người bỏ đi. "Máu chảy ồ ạt. Tôi bị choáng váng nên anh em trong phòng phải băng bó và ngồi nghỉ gần 30 phút trong phòng. "Hôm đó, buổi trưa nên người uống nhiều thì 2 lon bia, còn lại là 1 lon. Những người ngồi trong phòng chủ yếu là dân làm ăn, họ có trí thức chứ nếu không thì 3 người đó không có cơ hội ra khỏi phòng" – ông Hải nói.
Đề nghị khởi tố vụ án cố ý gây thương tích
Cũng theo ông Hải, sau khi xảy ra sự việc, ông được công an đưa về trụ sở lấy lời khai rồi đưa tới bệnh viện cấp cứu, khâu 13 mũi. Sau đó, ông về TP HCM điều trị thêm 1 ngày rồi về TP Buôn Ma Thuột tiếp tục điều trị. Hiện nay sức khỏe của ông đã tạm ổn nhưng đầu vẫn còn đau nhức. "Lúc tôi tới bệnh viện, có mấy đồng chí công an mặc thường phục theo sát bảo vệ. Tôi nghe anh em nói lại, nếu tôi không bị đánh chảy máu thì sẽ có 1 trận đánh nhau lớn" – ông Hải kể lại.
Theo lời ông Hải, ngày 17/6, một người xưng cán bộ điều tra Công an TP Biên Hòa gọi cho ông nói sẽ lên đưa đi giám định thương tích. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thấy ai lên và chưa có 1 ai gọi điện xin lỗi ông về vụ việc. Do đó, ông Hải đang làm đơn và tối 19/6 sẽ xuống Biên Hòa để nộp đơn đề nghị đưa đi giám định thương tích và yêu cầu khởi tố vụ án cố ý gây thương tích. Hành vi gây rối trật tự xảy ra sau hành vi cố ý gây thương tích. Tuy nhiên, không hiểu sao cơ quan công an đã khởi tố hành vi xảy ra sau mà chưa xử lý hành vi xảy ra trước.
Ông Hải cũng khẳng định những thông tin cung cấp cho phóng viên là hoàn toàn đúng sự thật, ông cũng đã khai với cơ quan công an như vậy. "Hành lang quán đều có camera an ninh, cơ quan điều tra chỉ cần tới thu thập sẽ thấy rõ" - ông Hải cho biết thêm.
Như đã phản ánh, chiều 12/6, nhóm công an gồm trung tá Đinh Tú Anh (Đội trưởng Đội Cảnh sát trật tự), trung tá Nguyễn Quang Trường (Đội phó Đội Cảnh sát 113, thuộc Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh Đồng Nai) và đại tá về hưu Huỳnh Bảo Hùng cùng Phạm Văn Hiền, một doanh nhân hoạt động trong lĩnh vực vận tải, đã nhậu tại nhà hàng Lam Viên (đường Đặng Văn Trơn, xã Hiệp Hòa, TP Biên Hòa).
Sự việc bắt đầu khi ông Hiền lao từ phòng bên cạnh ra ói mửa không kiểm soát văng trúng vào người ông Lương dẫn đến 2 bên xô xát. Sau khi xô xát, nhóm công an ra về. Ông Lương đã gọi người của băng nhóm giang hồ đến can thiệp. "Giang 36" đã xuất hiện cùng với đám đông những người xăm trổ, trong đó có Tuấn "nhóc", bao vây 2 ôtô chở công an. Hàng trăm cảnh sát đã được điều động đến để giải tán đám đông người xăm trổ. Đến nay, công an đã khởi tố, bắt tạm giam 3 nghi can để điều tra về hành vi gây rối trật tự công cộng.
Họ gắn cho tôi biệt danh là có mục đích (?!)
Theo ông Hải, ông chủ yếu kinh doanh bất động sản và từ trước tới giờ ông không hề có biệt danh gì. Sau khi xảy ra vụ việc, ông thấy báo chí và mạng xã hội gắn cho ông biệt danh Hải "bất cần đời". "Tôi nghĩ việc này có chủ đích, nhằm hạ uy tín của tôi và để mọi người hiểu rằng tôi là dạng không ra gì, bị đánh cũng đáng" - ông Hải nói.
Theo Cao Nguyên/ Người lao động