Ai nói giang hồ không mê nhạc, không lãng mạn, chứ tôi thấy giang hồ những thập niên 60 - 70 như tôi mê nhạc, sống lãng tử và bất cần.
Cái câu "Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt" sao mà chí lý. Tôi đi một vòng lớn, làm đủ chuyện đúng sai, chuốc đủ ưu phiền. Để rồi, khi già, chiều chiều, tôi lại ngồi trong ngôi nhà nhỏ giữa bạt ngàn cao su của nông trường Ông Quế (xã Xuân Quế, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai) nhớ lại thuở nhỏ hồn nhiên.
Hay, bài hát “Diễm xưa” đượm buồn, đúng với cuộc đời của tôi. Lãng tử, phiêu du, qua bao mùa biến động. Cuối đời mang một nỗi đau riêng. Tôi từng trên đỉnh vinh quang, đi qua bao mối tình, bao kiếp nạn nhưng chưa bao giờ suy sụp, đau đớn và thấy mình nhỏ nhoi, khiếp nhược như bây giờ. Tôi đau bởi những đứa con và xót xa khi không làm được gì để người bạn đời của tôi bớt khổ trong những ngày cuối đời.
|
Đáng "đao" thường ôm đàn hát nhạc Trịnh Công Sơn. |
Tôi tên đầy đủ là Nguyễn Văn Đáng, sau tôi lấy biệt danh Đáng “đao” để tung hoành giang hồ. Tôi quê gốc ở tỉnh Nam Định.
Khi tôi chào đời, cha tôi quyết định vào Đồng Nai làm công nhân cao su cho đồn điền của Pháp. Người ta thường bảo đi làm công nhân cạo mủ cao su cho thực dân Pháp giống như đặt một chân vào chỗ chết. Tôi thấy đúng thật.
Khi tôi 10 tuổi, một buổi chiều buồn bã của xứ nông trường bạt ngàn cao su, mẹ tôi ngồi khóc. Mấy công nhân làm chung nói cha tôi chết thảm lắm. Họ không biết ông làm sai gì mà bị bắn giết dã man trong rừng cao su, tìm không thấy xác. Cả xóm công nhân nghèo tỏa khắp các vạt rừng tìm kiếm. Đúng một tuần lễ sau, họ tìm thấy xác cha tôi nằm hẩm hiu, cô quạnh giữa u tịch của rừng cao su ngút ngàn.
Cha chết thảm, mẹ đi thêm bước nữa với người đàn ông nát rượu. Vô tình, tôi trở thành nơi trút giận của gã cha dượng bất lương mỗi khi say xỉn.
Mẹ của tôi thương con nhưng nghĩ phận đàn bà bèo bọt nên không dám ra mặt bênh vực. Mỗi lần, tôi bị đánh, bà chỉ tựa người vào cửa, cắn răng khóc thầm. Lúc đó, tôi giận mẹ, trách mẹ không thương, không bảo vệ con. Thế nên, 13 tuổi, tôi trốn nhà đi bụi.
Tôi lẩn quẩn trong vùng làm thuê, làm mướn đủ kiểu. Mẹ tôi đi tìm và khuyên tôi trở về. Nhưng, nghĩ đến cảnh ăn đòn nhiều hơn ăn cơm, tôi chợt rùng mình, rồi xin mẹ đừng tìm tôi nữa. Từ đó, tôi trốn biệt.
Khoảng 15, 16 tuổi, tôi bị người Pháp bắt vào làm công nhân cạo mủ cao su ở nông trường Ông Quế. Thời điểm đó, mạng người không bằng một xô mủ cao su, bèo bọt, rẻ mạt đến cùng cực. Bởi vậy, tôi ngày càng chai lỳ, gai góc. Tôi lầm lũi sống, cắm mặt làm vẫn không thoát khỏi những cái bạt tai như trời giáng. Mấy lần tôi chống cự, lấy cây đánh tụi lính Pháp tơi tả. Tất nhiên, sau đó, tôi cũng no đòn.
Tôi làm cho nông trường được 6 năm. Thời cuộc biến động, tôi bị bắt đi quân dịch. Đó là những năm 1960, tôi chỉ là một anh lính quèn, đóng quân ở huyện Long Khánh, tỉnh Đồng Nai.
May mắn, đơn vị đóng quân của tôi có một võ sư người Bình Định cũng bị bắt đi quân dịch. Cả hai thường tỉ tê trò chuyện với nhau. Ông chọn tôi để truyền lại tuyệt kỹ phi đao gia truyền. Nhờ tuyệt kỹ phi đao, sau này, tôi có chỗ đứng vững chắc trong băng người nhái được Nguyễn Cao Kỳ hậu thuẫn.
Nhiều cơ duyên, tôi lạc chân vào giới giang hồ Sài thành. Trải qua vô vàn biến động, tôi trở thành gã giang hồ cộm cán được quản lý các quán bar nổi tiếng ở trung tâm Sài Gòn. Từ đây, tôi có dịp gặp, cảm mến ca sĩ Khánh Ly. Tôi thích tiếng hát Khánh Ly và mê luôn nhạc Trịnh.
Có những đêm, bên ly rượu, tôi dạo đàn, rồi hát say sưa đủ hết các bản nhạc Trịnh. Đám đàn em trong hơi men tán thưởng bất tận. Nhạc Trịnh trong tôi là những ngày được phân công đưa đón Khánh Ly đi diễn, đứng từ xa phiêu theo từng nốt nhạc.
Nói không ngoa, nhờ những triết lý cuộc đời trong nhạc Trịnh, hơn chục năm lăn lộn giang hồ, tôi chưa đoạt mạng một ai. Đó là điều may mắn với tôi, những kẻ sống bằng máu và nước mắt của kẻ khác.
Hát rong nuôi vợ mù
Giải phóng, tôi không làm giang hồ nữa. Tôi trở về nông trường Ông Quế, sống đời công nhân cạo mủ cao su thiện lành. Rồi, tôi nên duyên với Trần Thị Mọn, cô gái tôi yêu từ thời trai tráng, qua mấy lượt má hồng, tôi vẫn không quên em.
Nhạc Trịnh nuôi dưỡng tâm hồn tôi trở thành gã giang hồ mã thượng, sống đẹp với đàn em, sống phải với đối thủ. Để rồi, khi tuổi xế bóng, không người nương tựa, tôi lại vin vào nhạc Trịnh để kiếm cơm.
Đáng “đao” chưa một lần cướp đoạt mạng sống của ai. Thế nhưng, ngày về ẩn dật, Đáng “đao” một thời vẫy vùng nơi chảo lửa Sài Gòn lại nghiệt ngã, thống khổ trong sự ghẻ lạnh của con cái, trông chờ lòng hảo tâm của những người xa lạ.
Đáng “đao” một thuở chọn con đường giang hồ mã thượng để thị uy và tồn tại trong sự nhiễu nhương thời loạn thế, dựa vào thế lực của Nguyễn Cao Kỳ để gầy dựng “cơ đồ” và đối đầu với những đại ca giang hồ khét tiếng như Đại Cathay, nay lại đàn hát giữa chợ để xin tiền. Buồn nhưng tôi hãnh diện khi được hát nhạc Trịnh.
Lau vội những giọt nước mắt kiệt quệ, khắc khổ chảy ra từ niềm đau tột cùng, tôi tiếp tục cuộc đời, lầm lũi mưu sinh để nuôi thân và chăm sóc người vợ bệnh tật.
Ngày nào khỏe, bệnh tim không hành hạ, tôi vác đàn ra chợ xóm hát rong. Bà con trong xóm đi chợ thấy thương thì cho vài ngàn, mấy tiểu thương cho rau, bán rẻ thịt. Vợ tôi mù hơn mười năm nay, sức khỏe tôi yếu nên chỉ có cách này để kiếm cơm sống qua ngày. Tôi cũng có con cái, đi xin sợ mấy đứa mắc cỡ nhưng tôi vụng đường con cái nên có mà cũng như không.
Xin phép, tôi nghiện thuốc và rượu. Tôi châm điếu nữa nhé! Ngày trước, đứa con gái ngoài giá thú có khuyên tôi bỏ rượu nó sẽ chu cấp tiền cho tôi sinh sống nhưng tôi nhất quyết từ chối. Tôi bảo tuổi ba đã già chỉ có rượu bầu bạn nên con đừng ép ba.
Chỉ vậy, mà nó không thèm nhìn mặt tôi. Nó đi lấy chồng ở Hà Lan. Cha con chưa có dịp nào gặp lại.
Tôi lấy bà Mọn là chính thức và có được 3 đứa con. Đứa thứ nhất, vợ chồng tôi ăn mì củ, ăn bo bo mà nuôi được thằng con làm kỹ sư. Tưởng nó làm kỹ sư sẽ lo cho cha mẹ, nào ngờ một năm nó mới tới nhà tôi một lần, cho cha mẹ được một triệu đồng tiêu Tết. Mà rồi, nó mới chết bởi tai nạn giao thông. Con chết là hết, tài sản vợ con của nó hưởng. Tôi sống nhờ vào chính phủ, nhà từ thiện.
Tôi đi hát rong xin tiền người ta. Có lúc, tôi ngất xỉu nằm giữa đường, người ta chở tôi lên bệnh viện. Khi tỉnh dậy, tôi không có ai bên cạnh, con cái cũng không thèm tới thăm. Âu đó là số phận, chứ giờ biết nói gì.
Lúc trước, tôi là thằng trùm giang hồ nhưng kể từ ngày giải phóng, tôi sống chan hòa với mọi người. Tôi cũng từng đi xúc tép nuôi con như bao người cha khác. Có nhiều khi mưa tầm tã, không dám chạy lên chòi, sợ nước cuốn mấy cái bẫy tép đi mất. Tôi bẻ cây che mưa, núp bên suối canh chừng mà bây giờ con cái đều bỏ mặc. Có lẽ, nhân quả ở đời đã ứng vào số phận của tôi. Khi xưa, tiền bạc dư dả, chi xài không tiếc, giờ ngửa tay xin lại thiên hạ.
|
Vợ chồng Đáng "đao" ở tuổi xế chiều. |
Nhưng, tôi cũng nói thật, nói đúng với lương tâm của tôi, chứ không phải nói với mọi người khác mà nói với tâm của mình khác. Tôi chém tôi bắn nhiều lắm nhưng tôi không giết ai. Tôi chém nhiều để lấy số nhưng không chém chết. Bắn là thường bắn gãy chân, phóng dao thì chỉ nhắm đến chân, tay, vai chứ không nhắm vào ngực, bụng.
Tôi có 3 bà vợ và tổng cộng 5 đứa con nhưng chẳng đứa nào đoái hoài đến tôi. Có một bà vợ trước kêu tôi bỏ bà Mọn về sống với bà ấy cho sung sướng tấm thân nhưng tôi thương bà Mọn mù lòa. Tôi mà đi không ai lo. Con cái thì chẳng đứa nào ra gì.
Tôi cũng hay nói với mấy đứa nhỏ tụ họp lập băng lập nhóm cứ nhìn gương tôi mà sống. Xưa, tôi cũng đâu thua ai, danh tiếng cũng khiến người người khiếp sợ nhưng cuối đời vẫn trông chờ tấm lòng từ thiện của mọi người. Nhân quả ở đời là có thật, cuối cùng cũng chỉ có tình thương là tồn tại mãi mãi.