Có bỏ lọt hành vi của vợ Chủ tịch tỉnh Hà Giang?
Ngày 21/10, HĐXX phiên sơ thẩm vụ gian lận điểm thi xảy ra tại Hội đồng thi THPT quốc gia 2018 tỉnh Hà Giang bắt đầu nghị án và sẽ tuyên án vào sang 25/10 tới.
Đến nay, trong vụ án trên, dư luận vẫn thắc mắc về việc, bà Nguyễn Thị Nga, cán bộ Sở Tài chính và là vợ ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, người đã nhắn tin đầu tiên và nhiều nhất cho bị cáo Triệu Thị Chính - cựu Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang nhờ giúp đỡ cho người cháu trong kỳ thi THPT 2018 lại không bị kỷ luật.
Trước đó, tại tòa Viện KSND tỉnh Hà Giang công bố hàng loạt tin nhắn từ phụ huynh, người nhà thí sinh gửi đến máy điện thoại cá nhân của bị cáo Triệu Thị Chính cho thấy, bà Nga nhiều lần nhắn tin cho bị cáo Chính.
Cụ thể, chiều 29/6/2018, bà Nga nhắn tin cho bà Chính: "Bạn à, mình là Nga bên Sở Tài chính. Mình có đứa cháu thi trong kỳ thi này, bạn xem giúp mình nhé". Kế tiếp bà Nga gửi tên, số báo danh, phòng thi, môn thi, số CMTND thí sinh. Cùng ngày, bà Nga nhắn tiếp "bạn thông cảm nhé mình biết bạn đang chấm thi căng thẳng nên không dám gọi điện, chỉ dám nhắn tin. Cảm ơn bạn nhiều”.
|
Bị cáo Triệu Thị Chính. Ảnh: NĐT. |
Bị cáo Chính trả lời: "Hôm nay em mới đọc tin nhắn. Hôm nay vẫn phải làm thi, tối còn ăn cơm với tổ công tác Bộ... Em sẽ cố gắng xem xét môn tự luận. Khó khăn lắm chị ạ, thương các cháu Hà Giang mình nhưng quy chế chặt chẽ lại chấm bằng máy nữa nên không thể làm gì được có gì chị thông cảm cho em nhé". Sáng 1/7/2018, bà Nga tiếp tục nhắn, "Chị cảm ơn nhé, em cứ xem xét giúp được đến đâu thì giúp, chị biết mà" thì bà Chính trả lời: "Dạ, vâng ạ. Em sẽ cố gắng trong khả năng".
Cơ quan công tố tỉnh Hà Giang khẳng định, các tin nhắn đến và đi nêu trên được cung cấp bởi Tập đoàn bưu chính viễn thông (VNPT) và được giám định bởi Viện Khoa học hình sự Bộ Công an, thể hiện rõ là “nhờ nâng điểm chứ không phải xem điểm”. Viện KSND tỉnh Hà Giang cho biết, bà Nga là người đầu tiên và cũng là người nhắn tin nhiều nhất đến số điện thoại của bị cáo Chính nhờ giúp đỡ.
Đáng chú ý, trong hồ sơ tố tụng của vụ án có tên bà Nguyễn Thị Nga nhưng không có trong danh sách triệu tập hơn 170 người làm chứng, liên quan của tòa. Cũng trong kết luận rà soát 151 cán bộ, đảng viên do Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy công bố ngày 1/10/2019 vừa qua, có 46 trường hợp có khuyết điểm đến mức phải kỷ luật, 29 người có khuyết điểm nhưng chưa đến mức kỷ luật, cần kiểm điểm, rút kinh nghiệm. Tuy nhiên, các danh sách này đều "lọt" trường hợp Nguyễn Thị Nga."
Tại tòa, luật sư bào chữa cho bị cáo Triệu Thị Chính - cựu Phó giám đốc Sở GD&ĐT đặt câu hỏi: Liệu việc điều tra của Cơ quan ANĐT - Công an tỉnh, các cơ quan tố tụng tỉnh Hà Giang có bỏ lọt tội phạm? Đây cũng là câu hỏi của nhiều người dân quan tâm vụ việc trên.
“Nhờ nâng điểm chứ không phải xem điểm”
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, hiện nay vụ án đã chuyển sang phần nghị án cũng là lúc trọng trách nặng nề thuộc về HĐXX sau khi điều hành hoạt động xét xử nhiều ngày trước khi quyết định nghị án kéo dài.
Theo quy định tại Điều 326 Bộ luật tố tụng hình sự chỉ Thẩm phán và Hội thẩm mới có quyền nghị án. Việc nghị án chỉ được căn cứ vào những chứng cứ, tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ của vụ án, ý kiến của Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, người tham gia tố tụng khác. Các vấn đề của vụ án phải được giải quyết khi nghị án gồm: Vụ án có thuộc trường hợp tạm đình chỉ hoặc thuộc trường hợp trả hồ sơ để điều tra bổ sung hay không; Tính hợp pháp của những chứng cứ, tài liệu do Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Viện kiểm sát, Kiểm sát viên thu thập; do luật sư, bị can, bị cáo, người tham gia tố tụng khác cung cấp; Có hay không có căn cứ kết tội bị cáo…
Trường hợp đủ căn cứ kết tội thì phải xác định rõ điểm, khoản, điều của Bộ luật hình sự được áp dụng; Hình phạt, biện pháp tư pháp áp dụng đối với bị cáo; trách nhiệm bồi thường thiệt hại; vấn đề dân sự trong vụ án hình sự; Tính hợp pháp của hành vi, quyết định tố tụng của Điều tra viên, Kiểm sát viên, người bào chữa trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử; Kiến nghị phòng ngừa tội phạm, khắc phục vi phạm…
|
Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp. |
Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự thì sau khi nghị án, tòa án có thể trở lại phần xét hỏi (nếu còn có những tình tiết, chứng cứ chưa được làm rõ), cũng có thể trả hồ sơ để điều tra bổ sung hoặc tuyên bán án để kết tội các bị cáo.
Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, theo diễn biến phiên tòa những ngày vừa qua, cả vụ án xảy ra tại tỉnh Sơn La và tỉnh Hà Giang đều có căn cứ để trả hồ sơ, điều tra bổ sung để làm rõ nhiều vấn đề có liên quan đến động cơ, mục đích thực hiện hành vi phạm tội và trách nhiệm của một số cá nhân có liên quan...
Trong trường hợp vụ án còn nhiều vấn đề chưa được làm rõ mà tòa án đã vội vàng tuyên bản án khiến sót người, lọt tội hoặc dấu hiệu oan sai thì bản án đó có thể bị kháng cáo hoặc kháng nghị, khi đó tòa án cấp phúc thẩm có thể hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại hoặc điều tra lại.
Bởi vậy, có lẽ tại thời điểm này, các thẩm phán và hội thẩm nhân dân rất áp lực trong việc đánh giá chứng cứ, đây là vụ án rất phức tạp, thậm chí có thể nói rằng rất khó bởi các bị cáo và những người có liên quan đều là những người có trình độ, có địa vị xã hội...nên quyết định thế nào để giải quyết đúng đắn vụ án, đảm bảo một quyết định sáng suốt là vấn đề thực sự trăn trở!
Pháp luật quy định tòa án xét xử hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm, bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật ngay nên hội đồng xét xử sơ thẩm sẽ phải thận trọng, sẽ cân nhắc câu chuyện có thực hiện quyền trả hồ sơ để điều tra bổ sung làm rõ một số tội danh và trách nhiệm của một số cá nhân khác hay không....
Luật sư Đặng Văn Cường cho biết, đối với những chứng cứ tin nhắn có liên quan tới bà Triệu Thị Chính mà cơ quan điều tra đã thu thập được trong quá trình điều tra: Trước tiên, Hội đồng xét xử phải đánh giá về tính hợp pháp của những chứng cứ này, sau đó mới đánh giá đến giá trị chứng minh của các chứng cứ. Điều kiện để trở thành chứng cứ là những tin nhắn đó phải đảm bảo tính khách quan, tính liên quan và được thu thập hợp pháp, có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.
Về nguyên tắc đánh giá chứng cứ là phải đánh giá một cách khách quan, đặt trong bối cảnh cụ thể, phải xâu chuỗi sự việc thông qua nhiều chứng cứ khác nhau để làm rõ hành vi và ý thức chủ quan của những người trong các mối quan hệ, giao dịch đó...
Các chứng cứ được tranh luận tại phiên tòa thể hiện qua những tin nhắn bà Nga đã nhắn cho bị cáo Triệu Thị Chính. Cơ quan công tố tỉnh Hà Giang khẳng định, các tin nhắn đến và đi nêu trên được cung cấp bởi Tập đoàn bưu chính viễn thông (VNPT) và được giám định bởi Viện Khoa học hình sự Bộ Công an, thể hiện rõ là “nhờ nâng điểm chứ không phải xem điểm”. Theo thông tin của Viện KSND tỉnh Hà Giang, bà Nga là người đầu tiên và cũng là người nhắn tin nhiều nhất đến số điện thoại của bị cáo Chính nhờ giúp đỡ.
Như vậy, theo quan điểm của VKS tỉnh Hà Giang thì hành vi phạm tội là đã rõ, thời gian nhắn tin, nội dung các tin nhắn phản ánh nội dung về việc nhờ nâng điểm chứ không chỉ là hỏi điểm sau khi đã chấm và công bố.
Tuy nhiên, bản thân bà Chính không thừa nhận hành vi phạm tội, cho rằng mình bị oan. Bởi vậy, Hội đồng xét xử sẽ xem xét vấn đề này trên cơ sở khách quan, toàn diện và đầy đủ các chứng cứ đã được tranh luận, làm rõ tại phiên tòa....
Nếu bà Chính không phủ nhận những thông tin qua nội dung tin nhắn, việc thu thập chứng cứ điện tử được thực hiện hợp pháp thì những chứng cứ này có giá trị chứng minh, có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.
“Hội đồng xét xử sẽ đánh giá về việc bà Chính có khả năng tác động nâng điểm hay không? Thời điểm người khác nhắn tin, gọi điện nhờ "xem điểm" là xem điểm trong bài thi sau khi chấm "lần đầu" hay nhờ xem điểm số đã được Bộ GD&ĐT kiểm duyệt và công bố ? Nếu việc nhờ xem điểm khi kỳ thi kết thúc, thông tin đã chuyển về Bộ GD&ĐT và Bộ này đã thông báo điểm của từng thí sinh thì có thể bà Chính trình bày là có căn cứ. Còn trường hợp nhờ xem điểm vào thời điểm bài thi còn đang chấm, chưa lên điểm, chưa báo cáo Bộ GD&ĐT thì quan điểm của Viện kiểm sát là có căn cứ”, Luật sư Đặng Văn Cường cho biết.
Đồng thời, Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, đối với các phụ huynh, người nhà của các thí sinh, nếu họ thừa nhận đã đưa tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất cho người có chức vụ quyền hạn đối với kỳ thi đó hoặc có chứng cứ rõ ràng chứng minh điều đó thì tiếp theo cần làm rõ việc đưa tiền nhằm mục đích gì? Nếu chỉ để hỏi thông tin về điểm số trước vài ngày so với thí sinh thông thường, không nhằm tác động thay đổi kết quả thi thì có nhất thiết phải cảm ơn đến số tiền lớn như vậy hay không? Đời sống và mức thu nhập của những người này thế nào ? họ có thường xuyên cảm ơn, hậu tạ những người đã giúp đỡ mình hậu hĩnh như vậy hay không?
“Có làm rõ những yếu tố đó thì mới làm rõ động cơ, mục đích của việc đưa tiền, trong trường hợp những người này phủ nhận mục đích là nhờ nâng điểm. Ngoài ra, cũng cần đánh giá "lòng tốt" bất thường của các bị cáo trong việc nâng điểm" Nếu quen biết sơ sơ, quan hệ bình thường thì có phải liều mình, cố ý vi phạm pháp luật hình sự để giúp đỡ "vô tư" người khác hay không?”, Luật sư Cường cho hay.
Đồng thời luật sư cho rằng, nghi ngờ không chỉ là để nghi ngờ, mà còn là để tìm ra sự thật. Tất cả các giả thiết đều phải được đặt ra và đánh giá một cách khách quan, công tâm thì mới giải quyết đúng đắn vụ án. Những nghi ngờ, trăn trở là động lực thúc đẩy hội đồng xét xử đi đến kết luận cuối cùng.
“Tuy nhiên, việc kết luận thế nào vẫn phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hình sự trong đó có nguyên tắc chứng minh tội phạm, nguyên tắc suy đoán vô tội, nguyên tắc tranh tụng... Để kết tội một bị cáo thì cần có đầy đủ các căn cứ, chứng cứ theo quy định pháp luật. Nếu có dấu hiệu bị cáo phạm tội khác hoặc người khác phạm tội thì cũng cần phải điều tra, xác minh làm rõ để đảm bảo nguyên tắc công bằng”, Luật sư Đặng Văn Cường cho biết.
Hải Ninh