Can thiệp nâng điểm là do tự nguyện, không nhận tiền, lợi ích vật chất
Tại phiên phiên sơ thẩm xét xử 5 bị cáo liên quan vụ gian lận điểm thi THPT quốc gia 2018 tại tỉnh Hà Giang, bị cáo Vũ Trọng Lương - cựu Phó phòng Khảo thí, Sở GD&ĐT Hà Giang khi trả lời thẩm vấn HĐXX khai nhận, bị cáo hoàn toàn tự nguyện nâng điểm thi cho các thí sinh, không nhận tiền hoặc lợi ích vật chất nào.
Theo lời khai bị cáo Lương, đầu tháng 5/2018, bị cáo Nguyễn Thanh Hoài cựu Trưởng phòng Khảo thí gọi Vũ Trọng Lương sang phòng làm việc để báo rằng trong kỳ thi tới cần xử lý nâng điểm cho một số trường hợp đặc biệt. Biết phần mềm chấm thi của Bộ GD&ĐT chỉ yêu cầu file Excel nên Lương lập tức đồng ý.
Đầu tháng 6, lần đầu Nguyễn Thanh Hoài đưa danh sách các thí sinh cần sửa điểm ghi trên tờ giấy A4 cho Lương. 2 lần sau đó, Hoài tiếp tục gửi danh sách thí sinh cho cấp dưới qua tin nhắn và email. Đến ngày 27/6, sau khi bộ GD&ĐT công bố đáp án, Vũ Trọng Lương tải các đáp án về máy tính để chuyển sang file Excel nhằm thực hiện việc sửa, nâng điểm. Sáng 7/7, sau khi nhận chìa khóa phòng chứa bài thi từ tay Nguyễn Thanh Hoài, Lương thuê xe tải đến nơi chứa bài thi rồi nhờ 3 cán bộ công an đang canh giữ nơi này bê hòm chứa bài thi ra xe.
|
Bị cáo Nguyễn Thanh Hoài và Vũ Trọng Lương tại tòa. |
Bị cáo Lương khai trong mỗi danh sách, Nguyễn Thanh Hoài đã tự ghi sẵn họ tên, số CMND, hộ khẩu, bản đăng ký dự thi và điểm thi của các thí sinh. Lương đã 3 lần nhận của cấp trên danh sách tổng số 93 thí sinh.
Đáng chú ý trả lời câu hỏi của chủ tọa về việc Nguyễn Thanh Hoài có thỏa thuận gì về điều kiện nâng điểm không?, bị cáo Lương cho biết,Hoài không thỏa thuận hay hứa hẹn gì về lợi ích vật chất. Lương cũng không yêu cầu hay đưa ra điều kiện gì trước khi nâng điểm.
“Bị cáo là cấp dưới, anh Hoài bảo bị cáo làm nên bị cáo đồng ý, tự nguyện làm”, bị cáo Lương nói.
Tiếp tục thẩm vấn, bị cáo Lương khai ngoài danh sách Nguyễn Thanh Hoài đưa, bản thân Lương còn được bạn bè, người quen nhờ nâng điểm cho 14 thí sinh.
Theo lời khai của Lương, những người nhờ bị cáo này gồm: chị Hoàng Thị Hồng Nhẫn ở công an tỉnh nhờ 1 thí sinh là con chị này; anh Bùi Văn Thuyết (công ty in Hà Giang) nhờ cho cháu; anh Nguyễn Mạnh Tuấn (Trường THPT Vị Xuyên) nhờ 1 thí sinh; anh Nguyễn Thanh Cảnh (Hiệu phó Trường THCS và THPT Linh Hồ, huyện Vị Xuyên) nhờ 1 thí sinh; anh Trần Bách Tùng (Trường THPT huyện Mèo Vạc) nhờ 2 thí sinh.
Anh Trần Duy Ninh (Trường THPT Việt Lâm) nhờ 5 thí sinh; chị Tống Thị Phương (nguyên cán bộ Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Giang) nhờ 1 thí sinh; anh Tống Văn Lợi (giáo viên Trung tâm GDTX hướng nghiệp tỉnh) nhờ 1 thí sinh. Bị cáo còn tự nguyện nâng điểm cho con anh Tống Văn Lợi.
“Họ nhờ bị cáo nâng điểm cho con, cháu của họ, không có thỏa thuận gì, cũng không hứa hẹn nâng đỡ bị cáo trong công tác”, bị cáo Lương khai và nhấn mạnh không ai đưa tiền, đồ vật hay tài sản gì cho bị cáo. Sau hơn một giờ xét hỏi, Vũ Trọng Lương thừa nhận hành vi của bản thân đã vi phạm pháp luật. “Bị cáo cảm thấy ân hận, ăn năn hối cải về những gì mình đã làm", bị cáo Lương nói.
Bí ẩn chiếc thẻ nhớ biến mất
Tại tòa, bị cáo Vũ Trọng Lương khai nhận, đã ghi âm lại cuộc trò chuyện với Hoài trong điện thoại. Thẻ nhớ cho vào con lợn màu xanh, sau đó gửi mẹ vợ là bà Đỗ Thị Huệ (vắng mặt tại phiên toà).
“Mục đích ghi âm vì anh Hoài đã khởi xướng, chỉ đạo bị cáo làm”- bị cáo Lương khẳng định.
Chủ toạ cho hay kết quả khám xét thu giữ vật chứng sau đó, con lợn bị cáo Lương gửi mẹ vợ bị thủng một chỗ, chiếc thẻ nhớ đã mất.
Cáo trạng cho thấy, Nguyễn Thanh Hoài đã bàn bạc, thống nhất với Vũ Trọng Lương để nâng điểm môn trắc nghiệm cho các thí sinh. Dù bị cáo Hoài không trực tiếp can thiệp sửa kết quả bài thi nhưng Hoài đã đưa danh sách 93 thí sinh cần nâng điểm cho Lương.
Ngoài ra, Vũ Trọng Lương còn trực tiếp nhận giúp nâng điểm cho 14 thí sinh. Một mình bị cáo Lương thao tác trên máy tính để sửa kết quả bài làm của thí sinh. Phó trưởng Phòng Khảo thí đã sửa kết quả bài làm của 309 bài thi các môn trên 249 ảnh gốc bài thi để nâng điểm cho 107 thí sinh.
|
Bị cáo Vũ Trọng Lương. |
Trong vụ án này, cơ quan tố tụng xác định được 210 người là bố, mẹ của 107 thí sinh được nâng điểm. Căn cứ lời khai của những người liên quan, cơ quan điều tra đã đề xuất Thường trực Tỉnh ủy Hà Giang chỉ đạo xử lý những phụ huynh này theo quy định.
Đối với hành vi của 3 cán bộ Phòng PK20 Công an Hà Giang, dù họ giúp Vũ Trọng Lương bê hòm đựng bài thi nhưng không biết động cơ phạm tội của bị can Lương. Các cán bộ này cũng không bàn bạc hay hưởng lợi nên không đề cập xử lý. Ngoài ra, vụ án còn một số người liên quan. Cơ quan An ninh điều tra tiếp tục xác minh, thu thập tài liệu để xử lý.
Lộ danh tính “Lão Phật gia”
Tại tòa, HĐXX tiến hành hỏi bị cáo Nguyễn Thanh Hoài - nguyên trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục. Bị cáo Hoài cho biết, bị cáo không có ý kiến gì về bản cáo trạng của VKS. Đồng thời khẳng định việc nâng điểm không vì vụ lợi, tất cả đều vì tình cảm, quan hệ cuộc sống, Hoài cũng không đưa vật chất và hứa hẹn bất kỳ điều gì với Lương.
Trong phần thẩm vấn, chủ tọa hỏi trong quá trình điều tra, có thu được 1 mẩu giấy có ghi "Lão Phật gia nhờ", về chi tiết này, bị cáo Hoài cho biết nhân vật này không liên quan đến kỳ thi TPHT năm 2018.
|
Bị cáo Nguyễn Thanh Hoài. |
"Lão phật gia là bà Tống Thị Bê, Chủ tịch công đoàn Sở GD-ĐT Hà Giang đã nghỉ hưu từ năm 2012. Mẩu giấy này có từ kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 do "Lão Phật gia" nhờ xem điểm, không phải là trong kỳ thi TPHT năm 2018" - bị cáo Nguyễn Thanh Hoài khai.
Bị cáo Nguyễn Thanh Hoài nói thêm trước đây trong phòng Khảo thí, nhiều anh em trong phòng biết đến tên gọi này. Dựa trên mã số báo danh mà nhân vật này ghi trong mẩu giấy có chi tiết "Lão Phật gia nhờ", mã số báo danh được ghi trong giấy không phải là mã số báo danh tại kỳ thi TPHT năm 2018.
Tại tòa, bị cáo Nguyễn Thanh Hoài cho biết thấy hành vi của mình là vi phạm, rất ân hận về hành vi của mình.
Hải Ninh